xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Dạy con theo nghiệp ông cha: Ca nương đời thứ bảy

Hoàng Lan Anh

Nghệ sĩ đàn đáy Nguyễn Văn Khuê tâm sự anh tự hào vì đến đời thứ bảy, con cháu anh vẫn nối nghiệp cha ông và trở thành những ca nương, nghệ sĩ ca trù thực thụ

“Hồng Hồng Tuyết Tuyết/ Mới ngày nào còn chửa biết cái chi chi/Mười lăm năm thấm thoắt có xa gì/Ngoảnh mặt lại đã tới kỳ tơ liễu/Ngã lãng du thời quân thượng thiếu/Quân kim hứa giá ngã thành ông”…

Năm năm trước, một ngày tháng 3, tại Trung tâm Văn hóa Pháp, tôi đã gai người khi nghe 2 ca nương Kiều Anh - Thu Thảo cất tiếng hát “Hồng Hồng Tuyết Tuyết” trong đêm “Ca trù - Cuộc gặp gỡ âm nhạc và thi ca”. Hai ca nương, khi ấy mới 16 tuổi, đã khiến người nghe phải trầm trồ thán phục vì tiếng hát điêu luyện từ những nét nhấn nhá, ngắt câu đến phong thái tự tin hiếm có. Họ cũng làm dấy lên niềm hy vọng về thế hệ những đào nương kế tiếp trong tương lai.

Bảy đời gắn bó

Hôm nay, đến thăm gia đình nghệ sĩ đàn đáy Nguyễn Văn Khuê. Căn nhà của đại gia đình nghệ nhân hát ca trù Nguyễn Văn Mùi nằm khiêm nhường trong con ngõ nhỏ phố Thụy Khuê, đầy ắp những kỷ niệm cũng như niềm tự hào của nhiều thế hệ trong việc giữ gìn nghệ thuật truyền thống dân tộc.

 

Ba thế hệ của nhóm ca trù Thái Hà: Nghệ nhân Nguyễn Văn Mùi, nghệ sĩ Nguyễn Văn Khuê và ca nương Thu Thảo cùng biểu diễn
Ảnh: Thảo Nguyễn
Ba thế hệ của nhóm ca trù Thái Hà: Nghệ nhân Nguyễn Văn Mùi, nghệ sĩ Nguyễn Văn Khuê và ca nương Thu Thảo cùng biểu diễn Ảnh: Thảo Nguyễn

 

Anh Khuê tâm sự nhà anh có đến 7 đời gắn bó với ca trù, khởi nguồn từ cụ Nguyễn Đức Ý, đỗ thủ khoa năm 1852, làm quan tại huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương; sau đó đến cụ Nguyễn Đức Bồ, người chuyên về đàn đáy và các điệu ca vũ trong cung đình. Bà cô tổ của dòng họ Nguyễn xưa kia vốn là ca nương tài sắc nổi tiếng Nguyễn Thị Tuyết, người rất được triều đình nhà Nguyễn ưu ái. Ca nương Nguyễn Thị Tuyết từng được giao trọng trách quản lý hệ thống ca vũ trong cung đình. Nhà vua ban thưởng cho bà một mảnh đất tại Thái Hà để xây đình Ca Công. Đình này được coi như nhà hát riêng của dòng họ và giáo phường Thái Hà xưa kia là một nhóm hát danh tiếng nhất của đất kinh kỳ.

Mỗi đời, dòng họ Nguyễn đều có những nghệ nhân danh tiếng, đời thứ tư là ông Nguyễn Văn Xuân, vô địch đàn đáy Bắc Hà và bà Phán Huy (còn gọi là bà Phẩm) nổi danh bởi tiếng phách khuôn phép, mẫu mực. Cụ Nguyễn Văn Mùi, nghệ nhân trống chầu được coi là đại diện của đời thứ năm, ông được thừa hưởng những bí quyết về đàn đáy, trống, phách, hát. Đời thứ sáu được ghi nhận bởi 2 nghệ sĩ đàn đáy là Nguyễn Văn Khuê, Nguyễn Minh Tiến và ca nương Nguyễn Thúy Hòa - học trò cưng của NSND Quách Thị Hồ. Anh Khuê chia sẻ anh tự hào vì đến đời thứ bảy, con cháu anh vẫn nối nghiệp cha ông và trở thành những ca nương, nghệ sĩ thực thụ của ca trù, đó là ca nương Kiều Anh, Thu Thảo và cậu bé 13 tuổi Nguyễn An Khánh. Được sống trong bầu không khí thấm đẫm âm nhạc, nghe tiếng trống, phách và tiếng hát của ông cha, năm lên 6 tuổi, Kiều Anh, Thu Thảo đã được truyền nghề. “Thu Thảo lên 4 tuổi đã đọc được chính xác các nốt đàn đáy của bố và nắm bắt được rất nhanh các giai điệu. Tôi mừng vì cháu có thiên hướng âm nhạc. Từ đó, tôi gieo cho cháu lòng yêu thích, ham mê hiểu biết, khám phá. Tôi dạy cho cháu những kiến thức cơ bản về âm nhạc, giảng giải để cháu thấm nhuần tinh thần của môn nghệ thuật ca trù” - anh Khuê thổ lộ khi nói về con gái (ca nương Thu Thảo).

Niềm tự hào của dòng họ Nguyễn

Suốt một thời gian dài gần nửa thế kỷ, ca trù gần như bị lãng quên trong đời sống, không có người nghe cũng không có người theo học. Thế nhưng, anh Khuê bảo nghệ nhân Nguyễn Văn Mùi vẫn âm thầm giữ gìn ngọn lửa truyền thống của gia đình để nó không bị lụi tàn với thời gian. “Trót mang lấy nghiệp vào thân” nên mỗi dịp giỗ chạp, lễ, Tết, cụ Mùi lại mời những người cùng hội cùng thuyền như nghệ nhân Quách Thị Hồ, Phó Kim Đức... đến nhà biểu diễn trước vong linh tiên tổ, coi như một nghĩa cử gìn giữ nghiệp cha ông. Những giai điệu ca trù cứ vậy mà thành những âm thanh quen thuộc trong lòng những đứa trẻ như Thu Thảo, Kiều Anh, An Khánh... Với ý thức gìn giữ vốn liếng vô giá của dòng tộc, đào nương Thúy Hòa dìu dắt 2 cô cháu gái Thu Thảo, Kiều Anh với toàn bộ tâm huyết, tình cảm của mình. Chị nắn nót cho 2 cô cháu gái cách lấy hơi, nhả chữ sao cho tròn vành rõ chữ; sao cho rung cần, nảy hạt; cả cách sửa sang vạt áo, ánh mắt nhìn...

Chị cũng sớm cho 2 cháu lên sân khấu hát cùng mình và các anh như một cách truyền nghề cho các cháu trong họ tộc, muốn các cháu dần dần làm quen, tiếp cận với khán giả. Những buổi sửa sang khăn áo theo cô Thúy Hòa, bố Khuê, chú Tiến, thậm chí là cả ông nội, ngồi biểu diễn trước khán giả đã mang lại cho các ca nương của dòng họ Nguyễn niềm tự hào đặc biệt. Mười một tuổi, năm 2005, ca nương Thu Thảo đã có huy chương vàng trong liên hoan ca trù toàn quốc. Năm 2014, khi vừa tròn 20 tuổi, Thảo lại tiếp tục có giải cao nhất tại Liên hoan Ca trù toàn quốc. An Khánh, em ruột của Thu Thảo, cũng không chịu thua chị. Mới chỉ học những ngón đàn của bố được 6 tháng, cậu học trò lớp 6 giành giải Tài năng trẻ xuất sắc của cuộc thi này. Thu Thảo bảo em tự hào về dòng họ của mình, về những gì ông cha đã gìn giữ. Anh Khuê tâm sự những tấm huy chương của các con tuy quý nhưng điều quý hơn cả là tình cảm của các con dành cho nghệ thuật truyền thống mà ông cha để lại.

 

Không thể sống được bằng ca trù

“Chúng tôi đi biểu diễn ở nhiều nơi, đi khắp Pháp, Bỉ, Hà Lan, Anh, Nhật, Thụy Sĩ... để giới thiệu về ca trù, nghệ thuật truyền thống đặc sắc của Việt Nam nhưng để sống được bằng ca trù thì không. Giờ bảo khán giả bỏ tiền ra nghe ca trù thì khó lắm, nếu không muốn nói là không thể” - anh Nguyễn Văn Khuê ngậm ngùi tâm sự.

Học nghề vất vả suốt hàng chục năm, tiền lại không kiếm ra nhưng ca nương Thu Thảo cho biết em vẫn chọn con đường nghệ thuật của gia đình. Để có thể vững tin trên con đường ấy, Thảo chọn học ngành quản lý văn hóa của Trường ĐH Văn hóa Hà Nội. Lựa chọn này trước hết để có một công việc duy trì cuộc sống như bố em đã từng làm nhưng quan trọng hơn là một môi trường văn hóa sẽ giúp rất nhiều cho ca nương trong việc nuôi dưỡng tình yêu nghệ thuật.

 

Kỳ tới: Chỉ một tình yêu rối nước

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo