Hải Minh, 11 tuổi, con gái nghệ sĩ đàn tranh Hải Phượng, cháu ngoại Nhà giáo Ưu tú - nhạc sĩ Thúy Hoan, mỗi ngày cần mẫn luyện đàn tranh vài giờ với mẹ. Chưa bao giờ Hải Minh được “nghỉ xả hơi kiểu cúp cua” vì mẹ Hải Phượng bận việc đã có bà ngoại Thúy Hoan kèm cặp. Như nhiều đứa trẻ khác cùng trang lứa, Hải Minh học đàn tranh vì mẹ và bà ngoại.
Học nhạc để đằm tính
Nghệ sĩ Hải Phượng chia sẻ: “Cũng như mẹ ngày xưa, tôi bắt Hải Minh học đàn chỉ với ý nghĩ con nít cần phải học một nhạc cụ nào đó, nhất là nhạc cụ dân tộc, để giúp đằm tính, bớt hiếu động. Việc học nhạc cũng giúp trẻ phát triển trí não, tập luyện óc thẩm mỹ, làm cho con người trở nên dịu dàng hơn, hình thành phong cách tốt trong giao tiếp. Nếu có duyên được tổ đãi, làm người kế nghiệp thì quá tốt; còn không, những chất liệu âm nhạc đó cũng giúp con gái tôi sau này dễ thành công ở bất cứ nghề nghiệp nào khác, như trường hợp của Hải Yến, em gái tôi và những đồng nghiệp mà tôi quen biết”.
Sâu thẳm trong lòng, nghệ sĩ Hải Phượng cũng mong Hải Minh sẽ trở thành thế hệ kế tiếp nối nghiệp mẹ như chị nối nghiệp bà ngoại của cháu. Và muốn có được điều đó, trước mắt phải dạy cho cháu học tốt. Có một điều chị luôn tin chắc để kiên quyết hơn trong định hướng của mình với con là âm nhạc giúp mỗi người giải tỏa năng lượng và đàn tranh nói riêng sẽ giúp con người nhớ về nguồn cội của bản thân. “Dù sau này sống ở bất cứ nơi đâu trên thế giới, Hải Minh cũng sẽ nhớ mình là người Việt Nam” - nghệ sĩ Hải Phượng nói.
Ngày xưa, khi học đàn tranh, Hải Phượng cũng không thích. Chị học trong tâm thế bị bắt buộc nhưng vì thấy mẹ vui nên chấp nhận. “Tôi muốn thấy mẹ hạnh phúc nên học đàn tranh, thế thôi” - chị nói. Vì vậy, những năm học trung cấp đàn tranh tại Nhạc viện TP HCM đối với Hải Phượng như cực hình. Có lúc nản đến mức muốn bỏ và tìm một con đường khác mà mình thích để theo đuổi thay vì cứ phải làm cho mẹ hài lòng như cái cách mà chị đang làm. Nhưng rồi mọi thứ đổi khác khi chị bước vào lớp đại học môn đàn tranh tại Nhạc viện TP HCM. Những kỹ thuật phải học trong tâm trạng rất chán trước đây nay lại trở nên hữu dụng. Với chị, âm nhạc là cách để mình thổ lộ tâm tư, thậm chí là những điều chẳng thể nói cùng ai. “Ngày qua ngày, đàn tranh trở thành người bạn chung tình mà tôi không mảy may có ý nghĩ phản bội. Và tôi đã yêu đàn tranh từ lúc đó. Tình yêu ấy lớn dần lên theo những biến đổi tâm lý thường ngày của một người con gái rồi thành phụ nữ với yêu thương, hờn dỗi và cả những lo toan đời thường. Đến lúc này, tiếng đàn tranh là máu thịt chẳng thể tách rời” - nghệ sĩ Hải Phượng nói.
“Mẹ hoàn toàn đúng!”
Nghệ sĩ Hải Phượng cho biết Hải Minh cũng không thích học đàn. “Có được mấy đứa trẻ có năng khiếu bộc lộ ngay khi còn tấm bé! Thế nên, dù Hải Minh vẫn chưa hiểu nhiều về ý nghĩa con đường mà tôi định hướng nhưng tôi tin mưa dầm thấm lâu. Lúc này nghiệm lại, tôi thấy mẹ quá đúng khi ép tôi học đàn tranh” - nghệ sĩ Hải Phượng nói.
Nhìn hình ảnh Hải Minh rị mọ với từng dây đàn bên bà ngoại, nghệ sĩ Hải Phượng nhớ lại hình ảnh của chính mình ngày xưa. “Khi thấy Hải Minh ngồi tập đàn với tôi, chắc rằng mẹ tôi cũng tìm thấy chính bóng dáng của mình ngày xưa. Nói điều đó để khẳng định niềm hạnh phúc trào dâng với mẹ tôi và với chính tôi khi hướng cho Hải Minh tập đàn tranh” - nghệ sĩ Hải Phượng chia sẻ. Nghệ sĩ Hải Phượng cho biết qua trải nghiệm bản thân, chị đúc rút được phương pháp kết nối cực kỳ hiệu quả giữa các thế hệ. Dù tính cách, tư duy, niềm khát khao khác nhau nhưng khi có chung niềm đam mê, mọi người sẽ có chung tiếng nói. “Cứ lấy gia đình tôi làm ví dụ, mẹ tôi, tôi và Hải Minh chắc chắn có sở thích riêng nhưng khi cùng nói về đàn tranh là lúc chúng tôi cùng quan tâm và nói về một thứ. Điều đó giúp chúng tôi gắn kết với nhau nhiều hơn” - nghệ sĩ Hải Phương bộc bạch.
Theo nghệ sĩ Hải Phượng, nếu sau này Hải Minh theo chân mẹ thành một nghệ sĩ đàn tranh thuộc thế hệ thứ ba trong gia đình thì đó quả là điều hạnh phúc tuyệt vời.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 22-6
Kỳ tới: Gia tài cho con là nghề của cha mẹ
Đích đến là cuộc sống an nhàn, thanh thản
Theo nghệ sĩ Hải Phượng, so với trước, kinh tế - văn hóa - tri thức của công chúng cũng phát triển theo thời đại nên họ nhận ra những gì là giá trị thật - ảo. Vì vậy, những người theo đuổi nhạc dân tộc như chị cũng có đời sống vật chất không mấy khó khăn dù cũng còn quá chênh lệch so với những đồng nghiệp hoạt động ở các lĩnh vực nghệ thuật khác. Nhưng chị tin “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, không làm giàu được bằng nghệ thuật nhưng cũng sẽ không đến mức quá thiếu thốn. Thế nên, chị đã hướng con theo nghiệp đàn tranh của bà ngoại và mẹ thay vì một loại nhạc cụ khác thời thượng hơn. “Suy cho cùng, đích đến của mỗi con người là có được một cuộc sống an nhàn, thanh thản trong tâm hồn chứ đâu phải tiền đồ rạng rỡ về vật chất. Sớm muộn thì ai rồi cũng phải ra đi và có gì có thể mang đi được ngoài cái tình mà mình có với mọi người và ngược lại”.
Bình luận (0)