Sau Liên hoan Phim (LHP) Việt Nam lần thứ 19 diễn ra thành công tại TP HCM, người trong giới và công chúng yêu điện ảnh đang trông chờ, kỳ vọng một vụ mùa tốt tươi sẽ đến với điện ảnh Việt bằng những chính sách mới của nhà nước và bằng đội ngũ làm phim mới đang được xem là những hạt giống chất lượng.
Hào quang quá khứ đã tắt
Dở hay, tốt xấu của phim Việt Nam hiện nay đã được phơi bày qua 35 bộ phim truyện điện ảnh sản xuất trong 2 năm qua trình chiếu tranh giải và chiếu phục vụ miễn phí người xem trong chương trình toàn cảnh điện ảnh Việt tại 5 ngày diễn ra LHP lần thứ 19. Đặc biệt, đội ngũ sáng tạo - yếu tố quyết định thành bại của tác phẩm - cũng được người trong giới và khán giả nhìn nhận, đánh giá chân thực đâu là tài năng và đâu là sự yếu kém.
Rất nhiều tác phẩm được đầu tư hàng chục tỉ đồng của nhà nước - trong đó có những phim gắn với các tên tuổi lớn của điện ảnh Việt Nam như Nguyễn Thanh Vân, Vương Đức - đã không được đánh giá cao tại LHP Việt Nam lần thứ 19. Theo các nhà chuyên môn, thất bại này có nhiều nguyên nhân nhưng cơ bản là phim thiếu tâm huyết của người làm nghề, thậm chí quá dễ dãi. Cũng qua một loạt phim đặt hàng của nhà nước lần này, người ta thấy lối tư duy làm phim của thế hệ có tuổi đã không còn thích ứng với điện ảnh thời hiện đại.
Lâu nay, những phim nhà nước đặt hàng với mục đích phục vụ chính trị không ra rạp chiếu hoặc chỉ chiếu được 1-2 ngày là bị đẩy ra vì không có người xem. Nhờ có LHP vừa qua, người trong giới và khán giả có dịp tiếp cận những phim được làm với hàng chục tỉ đồng qua các buổi chiếu miễn phí, như : “Sống cùng lịch sử”, “Thầu Chín ở Xiêm”, “Nhà tiên tri”… Họ hiểu được vì sao những phim này chẳng có cơ hội ra rạp và không công ty nào nhận phát hành.
Những người làm phim đề tài chiến tranh cách mạng do nhà nước tài trợ đặt hàng thường biện minh rằng phim có nội dung phục vụ nhiệm vụ chính trị thì không đo chất lượng bằng doanh thu rạp chiếu. Tuy nhiên, như nhà văn Nguyễn Đông Thức, với tư cách giám khảo LHP Việt Nam lần thứ 19, đã viết trên Báo Tuổi Trẻ: Được nhà nước tài trợ làm phim thì dù bất cứ thể loại nào cũng phải là phim hay, thu hút được đông đảo công chúng; chứ không thể phim làm xong mà rạp không muốn chiếu, khách chẳng buồn xem, tốn một đống tiền thuế của người dân!
Thời của những tài năng trẻ
Những gì diễn ra trên thị trường phim thời gian qua và tại LHP lần thứ 19 cho thấy điện ảnh Việt đang có nhiều hạt giống tốt để gieo trồng cho vụ mùa mới. Có thể nói, Victor Vũ là gương mặt tiêu biểu cho lớp đạo diễn điện ảnh trẻ tài năng của Việt Nam hiện nay. Giỏi nghề, đam mê, tư duy sáng tạo tươi mới, hiện đại, đó là những yếu tố cần thiết cho đội ngũ làm phim thời nay.
Sau Vitor Vũ, điện ảnh Việt đã có những hạt giống mới: Vũ Ngọc Phượng với “12 chòm sao: Vẽ đường cho yêu chạy”, Phan Gia Nhật Linh với “Em là bà nội của anh”, Việt Max với “Yêu” đang làm nóng các phòng vé rạp chiếu phim cả nước.
Trong số họ, có người theo đuổi đam mê điện ảnh bằng con đường chuyên nghiệp như Vũ Ngọc Phượng (tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành biên kịch tại The London Film School). Giới chuyên môn đánh giá Vũ Ngọc Phượng rất cao, xem anh là một trong những người mang lại nét tươi mới cho phim Việt. Phan Gia Nhật Linh cũng là đạo diễn được đào tạo bài bản ở nước ngoài (tốt nghiệp Khoa Nghệ thuật điện ảnh Trường ĐH Nam California - Mỹ). Ngoài ra, rất nhiều đạo diễn trở về từ các trường điện ảnh của các nước phát triển đang chờ cơ hội thể hiện tài năng của mình.
Điện ảnh phía Bắc cũng có vài tên tuổi trẻ tài năng như Phan Đăng Di, Nguyễn Hoàng Điệp, Đặng Thái Huyền… Song, họ vẫn “ngồi chiếu dưới” trong những dự án điện ảnh đặt hàng, tài trợ của nhà nước.
Ngoài những đạo diễn được đào tạo trường lớp như đã nói, điện ảnh Việt Nam cũng đang có nhiều đạo diễn trẻ làm phim tay ngang nhưng tâm huyết. Phim của họ làm ra khiến giới chuyên môn phải nể và rất được công chúng đón nhận ở rạp, như Quang Huy, Việt Max…
Nếu như Quang Huy thành công với phim đầu tay (“Thần tượng”) thì Việt Max cũng lần đầu tiên làm phim điện ảnh. Phim “Yêu” của anh ăn khách không thua kém những phim đình đám trước đó nhưng được giới chuyên môn đánh giá là chỉn chu về nghề, hấp dẫn và có giá trị nhân văn.
Chiến thắng của “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” - với giải Bông sen vàng cho bộ phim truyện điện ảnh xuất sắc nhất và giải Đạo diễn phim xuất sắc nhất - trước các phim nhà nước đặt hàng vì mục đích phục vụ chính trị nhưng kém về chất lượng cho thấy Cục Điện ảnh cũng như Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đang thay đổi cách nhìn nhận đánh giá, có quan điểm đổi mới trong đường lối phát triển.
Có lẽ từ đây, chính sách tài trợ đặt hàng sản xuất phim sẽ có những điều chỉnh đáng kể theo chiều hướng tích cực, như lời bà Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh Việt Nam, nói trong hội thảo “Xây dựng thương hiệu, vị thế của phim Việt Nam” diễn ra ngày 2-12 tại TP HCM. Không chỉ các hãng phim nhà nước mà các hãng tư nhân có năng lực, uy tín, có đội ngũ làm phim đam mê, giỏi nghề sẽ được tham gia đấu thầu làm phim về đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng do nhà nước tài trợ, đặt hàng.
Chính sách phát triển nguồn nhân lực của Cục Điện ảnh sẽ chú trọng hơn đến tài năng trẻ, tạo điều kiện cho họ có cơ hội thể hiện mình thông qua những dự án tài trợ, đặt hàng sản xuất phim của nhà nước. Những gì Victor Vũ đã làm được qua phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” giúp nhiều người tin tưởng các hạt giống mới sẽ mang lại cho điện ảnh Việt những mùa vàng bội thu nếu được gieo trồng đúng chỗ.
Phê duyệt 4 kịch bản vào kế hoạch đặt hàng
Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch vừa phê duyệt và đưa 4 kịch bản vào kế hoạch nhà nước đặt hàng sản xuất phim truyện điện ảnh năm 2015-2016. Bốn kịch bản đặt hàng gồm: Phim truyện “Không ai bị lãng quên”, đề tài về chiến sĩ tình nguyện Việt Nam trong chiến tranh vệ quốc của Hồng quân Liên Xô; phim truyện “Người yêu ơi”, đề tài về đồng bào dân tộc, miền núi; phim truyện “Địa đạo”, đề tài chiến tranh cách mạng; phim truyện “Xã tắc”, đề tài lịch sử.
Không ít người băn khoăn những dự án điện ảnh này liệu có đất cho các hạt giống tài năng trẻ của điện ảnh Việt hay không?
Bình luận (0)