Từ năm 2016 đến nay, điện ảnh Việt xuất hiện nhiều đạo diễn vốn là diễn viên, như một trào lưu mới. Nhiều diễn viên mong muốn thử sức với vai trò đạo diễn điện ảnh nhưng không nhiều người thành công.
Không dễ chinh phục công chúng
Số lượng phim điện ảnh tăng vọt tỉ lệ thuận với việc ngày càng nhiều đạo diễn trẻ xuất hiện. Trong đó, không ít người xuất thân từ diễn viên.
Cụ thể, Khương Ngọc đồng đạo diễn phim “Yêu là phải xài chiêu”, sau đó là “Rừng xanh kỳ lạ truyện”; Võ Thanh Hòa đạo diễn phim “Bệnh viện ma”; Ngô Thanh Vân với phim đầu tay “Tấm Cám: Chuyện chưa kể”; La Quốc Hùng với vai trò đồng đạo diễn phim “Sài Gòn, anh yêu em”; Việt Anh với “Vệ sĩ, tiểu thư và thằng khờ”; Hoàng Phúc có phim “Lục Vân Tiên: Tuyệt đỉnh kungfu”; Hồng Ánh với phim “Đảo của dân ngụ cư”; Huỳnh Đông với phim “Oán”... Danh sách này vẫn tiếp tục kéo dài với những tên tuổi quen thuộc trên màn ảnh.
Họ có nhiều lý do để chuyển nghề, một số vì đam mê, số khác cảm thấy đạo diễn có quyền lực trên trường quay hơn diễn viên; nhiều người do bạn bè khuyến khích và cũng không ít trường hợp chạy theo phong trào.
Nói về lý do quyết định học đạo diễn, Huỳnh Đông thổ lộ: “Tôi vẫn nhớ cảm giác ngu và nhục của mình khi đóng phim “Vó ngựa trời Nam” (đạo diễn: Lê Cung Bắc). Rõ ràng, tôi cũng có chút thành công, được khán giả ghi nhận, thế mà khi thấy chú Lê Cung Bắc dùng toàn bộ công nghệ điện ảnh để quay phim truyền hình, nghe mọi người trong đoàn nói chuyện với nhau về bố cục, trục quay..., tôi lại không thể hiểu gì. Từ đó, tôi để tâm đến công việc đạo diễn hơn và thấy có sự khác biệt lớn giữa diễn viên và đạo diễn. Diễn viên chỉ cần lo cho vai diễn của mình, hóa thân trọn vẹn với nhân vật. Còn đạo diễn thì lo cho tất cả, tầm hiểu biết của họ thật rộng lớn. Thế là tôi quyết tâm đi học đạo diễn với khát khao nâng tầm hiểu biết của mình lên”.
Trong khi đó, Võ Thanh Hòa cho biết vì mê làm đạo diễn nên anh đã nỗ lực theo đuổi dù từng tham gia một số phim với vai trò diễn viên. Suốt thời gian theo học nghề đạo diễn ở nước ngoài, anh nhận ra là làm phim phải học mọi thứ và những kiến thức trong giai đoạn làm diễn viên rất có ích cho sự nghiệp của mình.
Nhà làm phim Mai Thế Hiệp từng học đạo diễn nhưng lại được biết đến là diễn viên. Anh cho rằng việc quay trở lại vai trò đồng đạo diễn để hỗ trợ cho đạo diễn trẻ Bình Nguyên xem như là cái duyên với công việc mình từng theo học.
Dù nhiều người rất nỗ lực nhưng thực tế lại cho thấy với bất kỳ lý do nào, việc chuyển từ diễn viên sang đạo diễn không dễ một sớm một chiều thành công. Thậm chí, dù chất lượng tác phẩm của họ làm ra có ổn cũng không dễ chinh phục công chúng. Theo nhiều người trong giới, đạo diễn là một nghề không phải cứ có đủ kiến thức, kinh nghiệm là có thể thành công mà còn đòi hỏi nhiều yếu tố khác. Đó là lý do vì sao diễn viên ồ ạt làm đạo diễn, số lượng tác phẩm do họ tạo ra thì nhiều nhưng thành công chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Canh bạc cuộc đời
Diễn viên trở thành đạo diễn có nhiều lợi thế nhưng cũng gặp không ít bất lợi. Điều đó xuất phát từ chính những kinh nghiệm các diễn viên này có được mà nếu không thoát ra sẽ là trở ngại lớn đối với nghề. Với những người chỉ theo trào lưu, muốn thử sức hơn là đam mê thật sự thì càng dễ từ bỏ.
“Trên thế giới, số lượng diễn viên thành đạo diễn không ít nhưng tỉ lệ thành công chẳng nhiều. Không phải ai là diễn viên cũng dễ dàng thành đạo diễn. Ngoài năng khiếu diễn xuất, khả năng xử lý kịch bản, diễn viên muốn làm đạo diễn cũng chưa đủ sức mà cần học rất nhiều. Không phải ai cứ có tiền, đi học một thời gian, tự góp vốn đầu tư sản phẩm là khoác lên mình cái danh đạo diễn. Những người thực sự giỏi, có kiến thức, có tâm cộng thêm may mắn mới đủ khả năng chuyển nghề thành công và ngược lại” - bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Giám đốc sản xuất Công ty Sena Film, nhận định.
Theo đạo diễn Nguyễn Thành Vinh, diễn viên biết diễn xuất, bộc lộ nội tâm nhân vật nên khi làm đạo diễn, họ dễ dàng thị phạm cho diễn viên khác diễn theo cách mà họ cho là tốt nhất. Sự hiểu biết về diễn xuất của đạo diễn xuất thân từ diễn viên là điều thuận lợi nhưng cũng đầy tác hại vì họ vô tình gò bó sự sáng tạo của diễn viên. Nếu vượt qua được những trở ngại này, đạo diễn xuất thân từ diễn viên mới dần tiếp nhận cái mới và hoàn thiện mình.
Nhà báo Thanh Lộc cho rằng ở thế hệ trước, rất ít diễn viên chuyển sang làm công việc đạo diễn như bây giờ. Một số đạo diễn đi lên từ diễn viên được xem là thành công như NSND Trần Phương, NSND Đào Bá Sơn, NSƯT Lê Cung Bắc... Họ được đào tạo trong nước rồi trải qua các lớp tập huấn ở nước ngoài, thêm vào đó là tâm huyết sống chết với nghề nên mới trụ vững.
Trong khi đó, lớp đạo diễn trẻ xuất thân từ diễn viên hiện nay chỉ mới có được Dustin Nguyễn, Ngô Thanh Vân, Võ Thanh Hòa là tạm ổn. Trong những đạo diễn trẻ khác, Huỳnh Đông tạo ra sản phẩm tử tế nhưng không chinh phục được khán giả; Việt Anh thất bại ngay tác phẩm đầu tay vì nội dung thiếu gắn kết, người xem có cảm nhận như phim quảng cáo du lịch...
Thường thì sản phẩm của đạo diễn trẻ, chưa tên tuổi hiếm khi chinh phục được nhà đầu tư bỏ vốn hoàn toàn mà hai bên phải góp kinh phí. Nếu phim thất bại, nhà đầu tư cũng khó lòng tin tưởng để tiếp tục hợp tác. “Thị trường có sự sàng lọc riêng. Nếu làm không tốt, bạn sẽ bị đào thải nhanh chóng và ngược lại” - đạo diễn Võ Thanh Hòa khẳng định.
Nhiều người trong giới nhận định tích cực rằng diễn viên chuyển sang làm đạo diễn khiến thị trường điện ảnh đa dạng và phong phú phong cách hơn. Thế nhưng, cũng không ít ý kiến cảnh báo rằng nếu không có tâm huyết và đam mê thực sự với nghề này, chỉ theo trào lưu thì rất khó thành công, thậm chí tự đánh mất tên tuổi.
Nhiều sự khác biệt
Theo NSƯT Lê Cung Bắc, đạo diễn là một nghề cực nhọc, phải lo toàn bộ từ bối cảnh đến diễn viên, chịu trách nhiệm cả tác phẩm. Nó khác hẳn với vai trò diễn viên - chỉ chú tâm diễn xuất tốt. Đạo diễn như một nhạc trưởng, phải biết khi nào lên cao, khi nào xuống thấp, tiết chế và cân bằng mọi yếu tố. Ngay cả trong tư duy cũng rất khác biệt, diễn viên là tư duy đơn tuyến còn đạo diễn là đa tuyến. Vì thế, muốn chuyển sang đạo diễn, bản thân diễn viên không chỉ có tố chất mà còn phải không ngừng học hỏi từ kiến thức trường học đến trường quay bằng sự kiên nhẫn, tận tâm và cần có cơ duyên.
Bình luận (0)