Không ai hình dung được rằng nhà hát cải lương hiện đại xây mới trên nền rạp hát Hưng Đạo lại có ngày như hôm nay. Công trình tốn 132 tỉ đồng này khởi công từ tháng 4-2013, đến tháng 5-2017 mới được bàn giao sau 2 năm bị đình chỉ khánh thành để khắc phục sửa chữa lỗi thiết kế xây dựng. Thế nhưng, nó vẫn không xóa đi được nỗi buồn trên gương mặt nghệ sĩ cải lương mà còn làm tăng thêm nỗi lo cho đơn vị tiếp nhận, sử dụng và khai thác.
Có sửa được gì lớn đâu!
Đây là công trình dân dụng cấp 2 với cơ sở hạ tầng và trang thiết bị kỹ thuật, âm thanh, ánh sáng được cho là đầu tư hiện đại. Rạp hát Hưng Đạo xây mới này ban đầu có tên Trung tâm Nghệ thuật cải lương Hưng Đạo, sau đổi thành Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang. Tại đây có 2 sân khấu - sân khấu nhỏ khoảng 300 ghế ngồi và sân khấu lớn khoảng 600 ghế ngồi (trệt 300 ghế, lầu 300 ghế).
Nghệ sĩ chen chúc nhau trong phòng hóa trang chật chội, nóng bức của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang được cho là hiện đại
Ngoài chức năng biểu diễn, công trình còn bố trí thêm sân khấu thể nghiệm, khu làm việc cho nhân viên nhà hát, khu đào tạo diễn viên, phòng truyền thống, khu vực sản xuất băng đĩa… Công trình này không chỉ dành để biểu diễn cải lương mà còn có thể biểu diễn những loại hình sân khấu truyền thống khác như: hát bội, chèo, tuồng hoặc kịch thể nghiệm.
Hai năm trước, khi công trình nhà hát này được xây xong, chuẩn bị khánh thành, nghệ sĩ đã lên tiếng phản đối vì thiết kế xây dựng không đáp ứng yêu cầu của một nhà hát như mong mỏi của đông đảo nghệ sĩ cải lương. Báo Người Lao Động đã có bài viết "Nhà hát chưa dùng đã gây bức xúc" trên số báo ra ngày 8-4 phản ánh chi tiết việc này. UBND TP HCM đã cho dừng khánh thành công trình và chỉ đạo thanh tra.
Sau khi có kết quả thanh tra, UBND TP HCM chỉ đạo các đơn vị, cá nhân liên quan có biện pháp khắc phục, sửa chữa để công trình sớm đi vào hoạt động. Tuy nhiên, gần một năm đóng cửa sửa chữa, tình trạng gây bức xúc cho nghệ sĩ trước đây vẫn không cải thiện được gì nhiều.
Nhà hát được đưa vào vận hành thử 3 tuần qua với 3 suất diễn chương trình nghệ thuật tổng hợp và vở "Đời như ý". Mọi thứ ở đây dường như vẫn bộc lộ bất cập.
Ngoài thang máy thường xuyên trục trặc, nhốt người (cả nghệ sĩ lẫn khán giả), dàn bục nâng để vận chuyển cảnh trí dưới tầng hầm không thể sử dụng. Ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Giám đốc Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, băn khoăn: "Tầng hầm quá thấp, dàn bục nâng cảnh lại hẹp, chỉ có thể vận chuyển ghế chứ không thể chở cảnh lên xuống trên cái bục nâng quá nhỏ như thế. Cho nên, hạng mục này xem như không sử dụng được".
Một số khán giả đến xem chương trình tổng hợp vào tối 20-5 đã nói với chúng tôi họ ngồi trên lầu ngay hàng ghế cạnh lan can có cảm giác giống như xem cải lương khi ngồi trong... ô tô, rất khó chịu. Bởi lẽ, lan can trên lầu đã được thay bằng kính, lắp đặt che tầm mắt của khán giả.
Nhiều hệ thống số hóa... bị lỗi
Theo kế hoạch, 20-5 sẽ là ngày diễn ra chương trình khánh thành nhà hát này nhưng trong lúc đang tập vở "Đời như ý", hệ thống âm thanh đột ngột bị treo. Anh Võ Anh Kiệt, chuyên viên âm thanh, cho biết: "Hệ thống được mã hóa trong dàn máy vi tính đột ngột bị treo. Hiện nay, các suất diễn thử nghiệm phải sử dụng âm thanh của các đoàn. Hệ thống âm thanh của nhà hát đang được Ban Dự án xây dựng của Sở Văn hóa - Thể thao TP HCM niêm phong chờ mời chuyên gia từ nước ngoài về điều chỉnh".
Theo ông Nguyễn Văn Hồng, hệ thống âm thanh này được đặt mua từ Đức. Ban Dự án xây dựng sẽ liên lạc mời chuyên gia đã cung cấp và lắp đặt hệ thống này đến Việt Nam để tiến hành sửa chữa, bảo trì. "Thời gian hoàn tất chưa biết khi nào nên ngày 20-5 chưa thể khánh thành nhà hát đúng tiến độ" - ông ngao ngán.
Quan sát mặt bằng sàn diễn, chúng tôi nhận thấy có 3 bục nâng nhưng theo anh Mỹ, chuyên viên kỹ thuật của nhà hát, cả ba đều không sử dụng được. Bục nâng có nhiệm vụ hỗ trợ diễn xuất của diễn viên, từ dưới sàn sân khấu trồi lên mặt sàn và có nhiệm vụ chuyển cảnh nhanh. Thế nhưng, khi vận hành thử nghiệm, các bục nâng này không theo ý người điều khiển, phải dùng tay thao tác thủ công. Do đó, các chuyên viên kỹ thuật của nhà hát khuyến cáo không sử dụng 3 bục nâng này. "Không thể sau khi nâng lên sân khấu, chúng tôi lại chạy ra sàn diễn dùng tay can thiệp" - anh Mỹ giải thích.
Hệ thống bục nâng không sử dụng được
Riêng sân khấu thể nghiệm vẫn chưa đưa vào hoạt động. Theo NSND Trần Ngọc Giàu, Giám đốc Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, sân khấu thể nghiệm được xây sàn diễn cố định nên khó cho việc thử nghiệm không gian diễn xuất. Do vậy, phải đập bỏ sàn diễn cố định này, trả lại mặt bằng trống của khán phòng thì mới vận hành đúng chức năng thử nghiệm.
Hiện đại là thế sao!
NSND - đạo diễn Huỳnh Nga băn khoăn: "Xây mới rạp Hưng Đạo là dự án kéo dài cả 10 năm, cứ hoãn đi hoãn lại mãi. Nhà hát này được UBND TP HCM quyết tâm hoàn thành trong năm 2015 như một công trình trọng điểm chào mừng 40 năm thống nhất đất nước. Thế nhưng, nay đã quá 2 năm rồi, nó vẫn chưa xong. Hồi đó, tôi xem bản vẽ và được Ban Quản lý công trình xây dựng rạp Hưng Đạo mời cho ý kiến. Tuy nhiên, ý kiến chuyên môn từ người làm sân khấu nhiều năm như tôi lại không ai quan tâm, nhất là khi tôi đặt vấn đề tại sao không có hố nhạc cho nhạc công đã gây ra xung khắc gay gắt với những người làm thiết kế xây dựng nên những lần họp sau, họ không mời nghệ sĩ chúng tôi nữa. Đó là nguyên nhân khiến công trình này dở khóc dở cười như hiện trạng hôm nay".
Bên thi công xây dựng cho biết sở dĩ sân khấu và khán phòng nhỏ như hiện trạng là vì thiết kế phải tuân thủ việc chừa hành lang phòng cháy chữa cháy, chừa lối thoát hiểm hai bên hông khán phòng. Thế nhưng, việc cơ bản nhất là phải có phòng hóa trang thì không xây dựng thuận tiện cho nghệ sĩ.
Đi vào hậu trường, chúng tôi bắt gặp hình ảnh nghệ sĩ ngồi hóa trang trơ trọi phía sau tấm màn che sàn diễn. Nghệ sĩ Thy Phương phân trần: "Phòng hóa trang trên lầu, độ dốc cầu thang quá cao, tôi lại mặc phục trang cầu kỳ cho vai diễn nên ngồi dưới này an toàn hơn, không sợ bị té ngã khi leo lên leo xuống. Hơn nữa, phòng hóa trang quá nhỏ, chật chội lại không có máy điều hòa, nóng bức, ảnh hưởng đến việc hóa trang nhân vật". Các diễn viên múa cũng chọn địa điểm sau sân khấu để thay đổi phục trang vì theo họ, phòng hóa trang trên lầu quá chật hẹp.
Phòng hóa trang chật hẹp nóng bức nên nhiều nghệ sĩ ngồi hóa trang trên sàn nhà
Hệ thống màn sân khấu cũng được lắp đặt mã hóa, điều khiển bằng vi tính nhưng đã xảy ra trục trặc khi máy bị treo, hai cánh màn nhung không kéo lại được. "Theo nguyên tắc thì phải thiết kế song song hai phương án, vừa số hóa vừa thủ công, để có thể vận hành khi máy tính bị treo. Mỗi khi kết thúc một màn diễn, chúng tôi lại thót tim với hai cánh màn nhung này vì nó dở chứng, đứng im không khép lại" - ông Hồng phản ánh.
Theo NSƯT Kim Tử Long, mặt tiền nhà hát xây dựng rất phí, tiền sảnh quá rộng trong khi khán phòng sân khấu biểu diễn thì quá hẹp. "Mặt dựng của rạp nếu treo băng rôn quảng cáo thì che gió, do đó sảnh vào khán phòng cực kỳ nóng. Khuôn viên này có thể tổ chức triển lãm, giao lưu với nghệ sĩ nhưng quá nóng bức, gây cảm giác tù túng. Cửa chính vào khán phòng cũng quá hẹp. Nói chung, có nhà hát mới nhưng nghệ sĩ không vui" - anh bức xúc.
Nghệ sĩ sẽ còn không vui khi chưa biết thời gian thử nghiệm kéo dài bao lâu bởi để nhà hát đi vào hoạt động chính thức, có lịch trình biểu diễn, sáng đèn liên tục đúng với quảng cáo thì vẫn phải chờ suất diễn khánh thành. Vậy là họ vẫn tiếp tục chờ và nhà hát mới vẫn chào đón khán giả trong tâm trạng nơm nớp lo.
Không ai chịu trách nhiệm?
Tính từ khi tiến hành lễ động thổ (28-4-2013) đến ngày 3-5-2017, rạp Hưng Đạo (nay là Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang) được bàn giao cho ban giám đốc nhà hát này đã hơn 4 năm. Thế nhưng, công trình vẫn chưa bảo đảm lịch sáng đèn đúng với chức năng biểu diễn của một rạp hát chuyên nghiệp.
Theo Kết luận thanh tra số 17/KL-TTTP-P3, dự án đã xảy ra nhiều sai phạm. UBND TP HCM đã chỉ đạo tổ chức kiểm điểm và có hình thức xử lý các đơn vị, cá nhân liên quan nhưng đến nay, không ai biết kết quả xử lý trách nhiệm ra sao. NSND Trần Ngọc Giàu cho biết không có cá nhân nào bị kỷ luật trong khi kết quả thanh tra cho thấy trong quá trình triển khai thực hiện dự án, do năng lực của chủ đầu tư và một số đơn vị tư vấn yếu kém, chưa có nhiều kinh nghiệm đối với loại hình đặc thù về nghệ thuật cải lương nên tại thời điểm ban đầu lập dự án đã có nhiều sai sót.
Như vậy, sai sót của một dự án lớn cuối cùng cũng chỉ "rút kinh nghiệm" chung chung. Hậu quả là nghệ sĩ và công chúng phải chấp nhận bước vào nhà hát dù mang tiếng mới mẻ, hiện đại nhưng theo nhiều người, nó không hơn gì một rạp hát thường.
Bình luận (0)