Lớp có trên 30, phần lớn độ tuổi học trò, lớn nhất lớp là anh Rơi, da anh đen, cao nghều, thỉnh thoảng trêu anh, tôi cầm hòn sỏi thả xuống đất, anh chỉ cười.
Một buổi, ông Tỷ cho nghỉ sớm, anh rủ tôi và hai đứa về nhà. Chỉ chiếc thuyền có mái khum khum như mai rùa bằng nan tre đậu ở mép nước, anh bảo nhà đấy. Vậy anh là dân thuyền chài. Ngõ vào nhà anh là tấm ván nhỏ cập kênh bắc từ bờ vào thuyền, cả 3 đứa phải giơ hai tay cho thăng bằng còn anh bước hiên ngang. Mùi nồng tanh lẫn mùi thơm của cá nướng còn đọng trên nan tre cũ kỹ. Nhà anh dập dềnh. Anh nhấc miếng ván, khoang hầm lộ ra một đống ngô, bẹ còn tươi. Sáng nay cha anh ghé thuyền vào bãi giữa, lấy cá đổi ngô. Tôi phấn chấn bởi khá lâu mới lại có cảm giác chòng chành.
Vì có thể không quân Mỹ sẽ hủy diệt Hà Nội bằng bom B52 nên tháng 9-1972, học sinh Hà Nội sơ tán lần hai. Thầy trò Trường cấp III Đoàn Kết của tôi kéo nhau về xã Ninh Sở thuộc huyện Thường Tín, cách Bờ Hồ khoảng 20 cây số. Ninh Sở nằm dọc sông Hồng, có nghề đan mây tre mỹ nghệ. Cuối tháng 9, nước rút, dần lộ ra bãi bồi nhỏ giữa lòng sông trông như lưng cá trắm. Và ngày nào cũng như ngày nào, gần trưa, gió sông dẫn mùi cơm gạo quê thơm nức, cả mùi ngòn ngọt món cá kho tương vào trong lán học nửa chìm nửa nổi, dạ dày cồn cào, chẳng đứa nào muốn nghe thầy giảng. Buổi chiều, lớp tôi thường ra sông, quẩn quanh bên bến nhỏ, nơi có mấy bè nứa đang chờ giao cho hợp tác xã. Dân bè nấu nướng ngay trên mặt mảng, các cô lom khom thổi lửa. Có hôm đi dọc đê, đùa thỏa thích để cỏ may bám đầy quần cho đám con gái có việc. Rồi lũ con trai rủ nhau tắm sông, sợ thuồng luồng nên chỉ bơi gần bờ. Lũ trẻ trong xã chế giễu bằng cách bơi ra giữa sông, lặn xuống rồi trồng cây chuối, để mặc dòng nước cuốn đi. Chúng tôi lên bờ, quần đùi thùng thình dán chặt vào người, gió heo may làm khô lớp phù sa mỏng, nắng nhạt chiếu vào da óng ánh, lũ con gái khen giống thổ dân da đỏ trong phim “Những đứa con của gấu mẹ vĩ đại”.
Chỉ có cái Ngọc quay mặt đi
Lớp võ của tôi học vào chiều chủ nhật và học xong tôi thường xuống nhà anh. Chưa bao giờ tôi thấy mẹ anh, chỉ thấy người cha. Ông hiền lành, ít nói. Tôi bạo dạn hỏi, anh quay mặt nhìn sông. Chắc có chuyện gì đó kinh khủng. Lần nào về anh cũng cho cá, khi là những con cá bống bẹt đầu, loại cá ngon nhất trong các loại cá sông. Khi anh cho cá nheo, con cá da trơn này thịt chắc và ngọt. Anh cũng đến nhà tôi, mẹ tôi quý anh, khen chững chạc. Anh xin phép cho tôi theo anh đi đánh cá.
Thuyền của hai cha con anh không giăng lưới cố định, vào mùa lũ thì vây lưới quanh bãi bồi ngập nước vì cá dồn về đây ăn côn trùng, mùa cạn lại giăng khúc nước sâu, vừa sẵn mồi lại tránh cái nóng. Có ngày ngược lên Việt Trì (Phú Thọ); ngày khác xuôi Nam, cách “nhà” vài chục cây số. Sông Hồng rộng lớn nhưng với anh nó chỉ như cái ao. Có một khúc cha con anh không bao giờ thả lưới, đó là khúc sông Hồng chảy vào sông Đuống, nơi mẹ anh đang hái rau lang trên bãi thì đẻ, tên Rơi là kỷ niệm. Cũng nơi này, mẹ anh và 3 đứa em trúng bom, chết mất xác. Một lần, tôi thấy cha anh mổ bụng con cá chép, bụng nó đầy trứng, rồi ông lẩm bẩm: “Lũ tiểu mãn rồi mà trứng còn non quá”. Tôi không hiểu, anh giải thích: Trứng còn non thì có thể lũ năm nay về muộn và không lớn. Thường khi có lũ tiểu mãn, các loài cá ngược dòng lên đầu nguồn, nơi dòng nước chảy xiết, chúng ép mình cho ra trứng. Những hạt trứng bé xíu kết thành dây bám vào bọt nước, bọt lẫn trứng này theo dòng về xuôi, dân gột cá bột hớt bọt cho vào bể, trứng sẽ nở ra cá con. Dân gột cá bột cũng có kinh nghiệm riêng, nhìn nước sông đỏ đậm, họ biết lũ đã về. Các ông già đi xem ễnh ương đẻ trứng, nếu bọc trứng ở trên cành cây, năm đó lũ sẽ to, còn trứng ở gốc cây thì năm đó lũ sẽ nhỏ. Dân chài và cánh gột cá bột hỏi nhau để biết chính xác lũ thế nào.
Năm ấy, tôi ngồi trên thuyền theo cha con anh xuống xã Hồng Châu, nơi có bãi cát hút tầm mắt. Tôi tò mò nhìn những bể đắp bằng đất sét tròn cỡ cái nong ngay trên bãi cát mềm mịn. Đó chính là lò gột cá. Đàn ông, đàn bà xuống sông dùng vợt sắt hớt bọt tụm bám ở mép nước, trên các cành củi đang trôi, họ cho thứ bọt màu phù sa ấy vào thùng gỗ gánh về đổ vào lò. Ở một bể, tôi thấy đàn cá li ti như dấu phẩy. Còn bể bên cạnh, một ông đang vợt những dấu phẩy cho vào cái thúng nước. Và người đàn bà gánh đi, vừa gánh bà vừa lắc thúng như làm xiếc, tạo không khí cho cá thở, nếu không nó sẽ chết.
Thích nhất vào mùa cá mòi. Vào mùa Xuân, nhất là ngày gió nồm thổi mạnh, mòi cái từ cửa sông ngược dòng vào đẻ trứng. Theo sau là những con đực, chúng bám đuôi con cái làm thành đàn và chỉ dân chài mới nghe được âm thanh rẽ nước của chúng. Đẻ xong, chúng quay ra cửa sông, bỏ mặc cho trứng tự nở, dòng nước lại đưa lũ mòi con trở lại vùng nước lợ. Một huyền tích kể rằng chim ngói là thủy tổ của cá mòi, bằng chứng là mề cá mòi giống hệt mề chim ngói. Mùa thu, chim ngói bay qua sông về cuối trời xa tít, chim biến thành cá mòi nên mùa Xuân cá mòi nhớ chốn cũ lại quay về.
Anh Rơi cho thuyền xuôi phía Nam, chọn khúc rộng thì dừng thuyền lại. Qua ánh sáng tù mù của chiếc đèn bão, tôi thấy cha anh luôn tay khua mái chèo cho thuyền khỏi trôi, còn anh đều tay rải lưới. Đêm trên sông thật khác lạ, những vạt rau bãi xanh rờn biến mất, con đê lừng lững bị bóng đêm giấu đi, tàu khai thác cát ngủ say, chỉ chập chờn những bí ẩn. Rải lưới xong, cha anh neo thuyền vào bờ hút thuốc lào còn anh nghiêng tai nghe ngóng, ánh sáng đủ cho tôi thấy mặt anh chăm chú. Đêm đó, nửa khoang thuyền là màu trắng cá mòi.
Tin buồn đến với chúng tôi, sau hơn 20 năm tập kết, ông Tỷ quyết định về với sông Côn quê ông. Lớp tan rã. Rồi tôi đi bộ đội. Hai anh em chia tay ở bãi giữa, không rượu, không đồ ăn, chúng tôi múa võ trong đêm tối. Phù sa như keo luôn kéo những cú nhảy của anh và tôi xuống mặt đất nhưng phù sa lại như tấm nệm thiên nhiên đỡ chúng tôi khi ngã. Tôi chẳng biết nói gì, chúc anh mở lớp võ ở ngay bãi giữa này. Anh gập đầu rồi dúi vào tay tôi mấy đồng bạc.
Tôi biền biệt. Lúc có thời gian muốn viết thư thăm anh nhưng chẳng có địa chỉ, nhà anh là cả con sông dằng dặc. Giải ngũ, tôi đạp xe ào ra chân cầu Long Biên, mặt sông vắng bóng những con thuyền nép vào nhau như rộng ra. Tôi chờ đến tối, vẫn không thấy cái nhà mái khum khum. Hôm sau, tôi đi ngược rồi đi xuôi, cả hai bờ, màu nước đỏ đậm cuồn cuộn vẫn không thấy cái nhà quen thuộc...
Bình luận (0)