Bà Thân Thị Thư, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM, đã đọc điếu văn tiễn biệt người nhạc sĩ tài hoa, người thầy đáng kính của nhiều thế hệ nghệ sĩ âm nhạc.
NSƯT đạo diễn Ca Lê Hồng đọc lời cảm tạ của gia đình trước tấm lòng thương yêu của lãnh đạo, văn nghệ sĩ và công chúng đối với sự ra đi của PGS - nhạc sĩ Ca Lê Thuần
NSND Đinh Bằng Phi xúc động: “Tôi và anh Thuần cùng tuổi. Tôi lớn hơn anh ấy 2 tháng tuổi nhưng lần nào gặp nhau tại Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TPHCM, anh ấy vẫn nhắc đến bộ môn hát bội mà tôi đã dành trọn cả đời để nghiên cứu. Anh là người con của đất Bến Tre - nơi sinh sống và an nghỉ của nhiều danh nhân văn hóa như Nguyễn Đình Chiểu, Phan Thanh Giản, Võ Trường Toản…, chiếc nôi của phong trào Đồng Khởi kiên cường.
Thân sinh của anh là giáo sư Ca Văn Thỉnh nổi tiếng, anh là anh ruột của nhà thơ Lê Anh Xuân (tên thật Ca Lê Hiến). Mang truyền thống văn hóa của quê hương và gia đình, nhạc sĩ Ca Lê Thuần đã sớm thành danh trong giới nhạc sĩ Việt Nam hiện đại.
Sự ra đi của anh để lại biết bao thương tiếc đối với các thế hệ nghệ sĩ âm nhạc và giới sân khấu. Tôi còn nhớ mãi tác phẩm sân khấu “Thái hậu Dương Vân Nga” do anh viết phần âm nhạc giao hưởng, đưa vào tác phẩm cải lương rất ngọt ngào, nâng giá trị nghệ thuật lên cao. Công lao của anh Thuần rất lớn, anh đã đặt nền tảng đạo đức và nhân cách để các thế hệ sau anh noi theo mà làm công tác quản lý văn hóa, công tác tuyên giáo”.
NSƯT Vân Khánh và ca sĩ Anh Bằng thắp nén hương tiễn biệt PGS - nhạc sĩ Ca Lê Thuần
Hình ảnh NSƯT Mỹ An, người vợ hiền của PGS – nhạc sĩ Ca Lê Thuần, xúc động khi nghe lại những ca khúc của ông đã làm nhói tim nhiều nghệ sĩ, khán giả có mặt trong giờ phút tiễn biệt tại Nhà Tang lễ TPHCM.
Theo NSƯT đạo diễn Ca Lê Hồng, đến lúc tròn 19 tuổi, nhạc sĩ Ca Lê Thuần được học sáng tác ở Trường Âm nhạc Việt Nam tại Hà Nội. Ba năm sau đó, lại tiếp tục được cử sang Liên Xô (cũ), học lý luận và sáng tác âm nhạc tại Nhạc viện Odessa.
Từ năm 1960, một loạt tác phẩm khí nhạc ông đã sáng tác như Những ngày qua (1960) viết cho violon và piano, Quê hương đồng khởi (1962) viết cho piano, đã được giới chuyên môn đánh giá cao. Điều đáng quý là ngay từ khi bắt đầu tiếp cận với âm nhạc hiện đại, ông đã đưa vào tác phẩm khí nhạc đầu tay của mình âm hưởng dân ca quê hương Nam bộ.
NSƯT Bích Hồng và Văn Minh Hương thắp hương tiễn biệt PGS - nhạc sĩ Ca Lê Thuần
Từ năm 1965-1968, ông đã viết trên 20 tiểu phẩm khí nhạc Prélude (khúc mở đầu), Polyphonie (phức điêu), Fugue (dối vị)… đều trở thành những bài học trong giáo trình giảng dạy về piano của Nhạc viện Hà Nội và Nhạc viện TPHCM.
Sau đó, các tác phẩm khác tiếp tục ra đời như Chủ đề và biến tấu cho piano (1973), giao hưởng Dáng đứng Việt Nam (1974)…
"Trong gia đình, đối với các em, anh đã động viên rất nhiều để tất cả đều phát huy tinh thần trách nhiệm, ý thức chính trị trong mỗi tác phẩm, từ sân khấu cho đến hội họa, âm nhạc. Anh tôi ra đi là một mất mát lớn đối với gia đình” – NSƯT Ca Lê Hồng nói.
Bà Thân Thị Thư - Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy đọc điếu văn tiếc thương PGS - nhạc sĩ Ca Lê Thuần
Trong số các nghệ sĩ, ca sĩ đến tiễn đưa PGS – nhạc sĩ Ca Lê Thuần, NSƯT Vân Khánh đã khóc. “Đối với tôi, thế hệ học trò của thầy, nhân cách và trí tuệ của thầy mãi mãi khắc ghi trong tim tôi, cho tôi nghị lực để phấn đấu trong sự nghiệp nghệ thuật”.
Nhạc sĩ Trần Long Ẩn và NSƯT Tạ Minh Tâm
Ngoài các bản giao hưởng, hợp xướng và dàn nhạc giao hưởng, song tấu, tứ tấu, concerto cho piano, NS Ca Lê Thuần còn hoạt động sang nhiều lĩnh vực khác của khí nhạc. Nhiều kịch múa của ông ra đời như: Miền đất mới, Dưới cờ Đảng quang vinh, Người con gái đất đỏ… Ông còn viết nhạc cho các vở kịch như: Bông hồng trắng, Duyên dáng Cuba, Trước một chuyến đi… và tham gia viết nhạc cho nhiều bộ phim như: Bài học đáng nhớ, Con heo đất, Chúng tôi vào đại học, Sống với quê hương, Giữa hai làn nước, Đêm nước rong, Phượng.
Bà Thân Thị Thư - Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM, bà Nguyễn Thị Thu - Phó Chủ tịch UBND TPHCM và ông Nguyễn Văn Đua - nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy - thắp hương tiễn biệt PGS - nhạc sĩ Ca Lê Thuần
Riêng với NSƯT Tạ Minh Tâm – Phó giám đốc Nhạc viện TPHCM, anh vẫn luôn nhớ đến người thầy của mình với dòng suy tư rất riêng: “Thầy chuyên sáng tác về khí nhạc hơn là thanh nhạc nhưng ông cũng đã viết một số ca khúc và hợp xướng giá trị mà tôi vinh dự được thể hiện như: Chào Sài Gòn - thành phố chiến thắng, Việt Nam tiếng hát trái tim ta, Dòng sông quê hương… và đặc biệt trong ca khúc Đất của ta trời của ta ông đã mở đầu bằng mấy câu đầy ấn tượng: “Từ Hà Nội ta thấy cả Việt Nam yêu thương/ Từ Sài Gòn ta thấy cả trời mây quê hương/ Ta ngước nhìn trời cao bao la/ Trời mây của Việt Nam ta của sông Hồng, của dòng Cửu Long…”.
Bình luận (0)