Toán học là một phần của triết học - triết học về những con số, về hình học giải tích, về dạng thứ...; có lý luận diễn giải biện chứng. Một định nghĩa lý thú về điểm: Điểm là vòng tròn không kích thước, nếu có kích thước, dù là một chấm vô cùng nhỏ (epsilon) thì nó vẫn là vòng tròn, một định nghĩa tưởng chừng không thực lại mở ra hiện thực, “qua một điểm nằm ngoài đường thẳng ta vẽ được một và chỉ một đường thẳng song song với đường thẳng đã cho” (Định đề Euclid)...
Từ điểm xuất phát vẽ quỹ đạo cho vệ tinh bay ra không gian, từ một điểm rơi tự do xuống mặt đất theo phương thẳng đứng ứng dụng cho thợ nề. Toán học khởi đầu là khái niệm trừu tượng, người thầy giáo làm cho những khái niệm ấy thành thực thể đưa vào trường học thành môn học khoa học, đưa vào đo đạc, đưa vào kinh tế, phục vụ cho đời sống muôn màu muôn vẻ; từ một điểm tưởng như không trở thành có.
Trong cuốn “Thế giới của Sophie” của Jostein Gaarder, do dịch giả - nhà văn Huỳnh Phan Anh dịch từ bản tiếng Pháp, có nhân vật chính là Sophie. Để cho câu chuyện triết học dễ hiểu, tác giả đã đưa người đọc vào một cuộc phiêu lưu kỳ thú của 3.000 năm triết học, từ thời cổ đại đến Sartre, bằng một câu chuyện thần tiên của thời văn minh điện toán với hư ảo và hiện thực đan xen nhau tạo thành một thế giới hấp dẫn và đầy ấn tượng, mượn nhân vật này chuyển tải chiều dài lý luận triết học, từ cổ chí kim. Cuốn sách lôi cuốn, trở thành best-seller, ở Đức chỉ 5 năm đã bán ra hàng triệu bản, được dựng thành phim. Mới đây, “Ai và Ky ở xứ sở những con số tàng hình” của giáo sư đoạt giải thưởng Fields Ngô Bảo Châu và Nguyễn Phương Văn - cuốn tiểu thuyết toán học nhập môn, tương tự như triết học nhập môn “Thế giới của Sophie”, có nội dung vui tươi dễ đọc, làm toát lên vẻ đẹp kỳ diệu của toán học, phát hành 10.000 bản, bán cái vèo đã hết.
Và mới đây, thầy giáo Nguyễn Minh Sơn (Hiệu trưởng Trường THPT Tạ Quang Bửu; quận 8, TP HCM) đã trình làng “Cổ tích toán học” (NXB Thuận Hóa, 2016). Cũng như “Thế giới của Sophie” hay “Ai và Ky ở xứ sở những con số tàng hình”, “Cổ tích toán học” cũng đi theo hướng tương tự - một cuộc dạo chơi hay một hành trình vừa học vừa chơi. Bằng lối hành văn giản dị và hóm hỉnh, tác giả đã đưa toán học khô khan vào thực tế sinh động và vui tươi làm cho điều tưởng như bí mật được bật mí một cách lý thú, hợp với bản tính sôi động của các em học sinh bậc phổ thông. Các vấn đề như lý luận về số hoàn chỉnh, số thiếu, số dư, phương pháp tính bán kính và chu vi địa cầu, dùng lượng giác tính khoảng cách từ địa cầu đến nguyệt cầu, ma phương, dùng số học để tính tuổi của một người, những trò chơi điền số, các số nguyên tố Mersenne và Fermat... được trình bày lạ, độc đáo, hấp dẫn. Với tác phẩm này, có thể hiểu tác giả đã đưa môn toán vào truyện cổ tích. Đó là cuộc hôn phối giữa sự chính xác và thần thoại.
Sách không chỉ dành cho học sinh phổ thông mà cho tất cả các bậc phụ huynh, mọi giới - ngành…
Bình luận (0)