Con cũng là bạn
Trước đây, Đức Hải nổi danh là “trùm nhậu”, nhất là những ngày anh mới đặt chân vào Sài Gòn. Anh nhớ lại với một chút xấu hổ: “Hồi đó, có ngày xách xe ra khỏi nhà là nhậu. Nếu không ai rủ, mình rủ người ta”.
Đức Hải giờ đã khác. Anh vẫn còn nhậu, nhưng mức độ không còn “đậm đặc" như trước. Nếu có nhậu, anh cũng chọn chỗ gần nhà để có gì dễ chạy về. Nguyên nhân là: “Bà xã mới học xong cao học. Buổi tối có ô-sin nhưng vẫn phải về sớm. Trẻ con bây giờ sợ lắm, sểnh ra là nguy to”.
Với Đức Hải, con cái là niềm tự hào. Anh tự nhận mình thật may mắn khi có tới bốn đứa con sau khi lập gia đình không lâu. Sự nghiệp với anh bây giờ là hàng thứ, gia đình quan trọng hơn nhiều. Đó là cái “được” anh tìm thấy khi “muộn” về đường vợ con.
Cũng vì biết cảnh cha già con cọc mà Đức Hải có cách dạy con đúng mực. Anh bảo: “Chiều con ai cũng chiều nhưng nếu chiều quá, mất con như chơi. Tôi đang dạy đứa lớn cách làm chị. Điều đó quan trọng lắm nhé! Nếu con bé xác định mình là chị thì việc nó quan tâm tới em cũng khác, không còn đành hanh nữa, biết trông em, dạy em. Những đứa còn lại tôi đang quan sát tâm tính để có “yếu sách” cho từng “ca” một”.
Có đến nhà Đức Hải mới thấy, cách anh trò chuyện với con thật… dí dỏm. Anh vừa về đến nhà, bốn nhóc tì chạy lại, từng đứa một ôm hôn bố. Anh dắt xe vào nhà, nhẹ nhàng lấy chiếc giẻ đậy ống pô đề phòng con bị bỏng. Anh hỏi chuyện từng đứa một, những chuyện kiểu như hôm nay con đi học ngoan không, có đánh bạn không, ăn được mấy bát cơm…
Cách Đức Hải ngồi khoanh chân giữa nhà, ba đứa bé sinh ba ngồi bên lòng, đứa lớn đứng sau lưng trò chuyện rôm rả làm tôi có cảm giác anh là ông bố tốt.
Lát sau anh đưa các con lên nhà, bật phim hoạt hình, đem nước ngọt, đậu phộng cho bốn cục cưng. Nhiệm vụ canh giờ và giục em đi ngủ lúc chín giờ được giao cho cô chị cả.
Không chủ quan với con
Đức Hải tâm sự: “Mỗi đứa một tính và đứa nào cũng “đáng sợ”. Đứa thứ hai trong chùm sinh ba nhà tôi là con bé nhạy cảm. Hôm trước tôi đi diễn lâu ngày ở Hà Nội. Khi chào bố những đứa khác dặn dò bố mua cái này, cái kia. Riêng đứa thứ ba lùi lại, ngồi thụp xuống, khóc to: “Bố đi luôn đi, đừng về nữa! Sao bố đi suốt thế?”. Tôi bàng hoàng vì hình như mình ít quan tâm tới nó. Tôi phải xem lại vì đã chủ quan vì tâm sinh lý của lũ trẻ khi nghĩ chúng còn nhỏ. Thằng con trai duy nhất cục tính thấy rõ, không ưng ý là nó đánh ngay, bất kể bố mẹ hay chị em. Nó thích “ngọt” cứ thủ thỉ nó lại nghe lời”.
“Nói thế nhưng mà vui lắm! Có lần đi lưu diễn, ở khách sạn năm sao mà tôi chẳng ngủ được, trằn trọc suốt bốn đêm ở đó. Đêm thứ năm về nhà ngủ ngon lành. Lúc đó mới biết mình nhớ mùi nước tiểu của các con”.
Chỉ cần bấy nhiêu cũng đủ hiểu người nghệ sĩ này thương con tới mức nào. Tôi lấy ví dụ một diễn viên nổi tiếng, ông bố trẻ sẵn sàng xa con cả năm trời để theo phim. Đức Hải khiêm tốn hơn: “Tôi nghĩ đó là cái giá phải trả cho những ai tham vọng, nhất là người trẻ thường muốn khẳng định mình, muốn thành công”.
Về chuyện chuẩn bị tương lai cho “đàn con”, Đức Hải hóm hỉnh: “Tôi đã chuẩn bị đâu vào đấy. Mỗi đứa sẽ có một ngôi nhà để ít nhất chúng có thể an cư. Nhà tôi có sáu người nhưng sẽ dừng lại ở năm ngôi nhà, vì nếu sáu ngôi nhà sẽ chia đều cho sáu người. Điều đó không ai muốn”.
Đức Hải nói rất nghiêm túc và tôi không cho rằng đó là những lời bông phèng.
Cuộc gặp diễn ra trong giờ nghỉ trưa. Sau đó, Đức Hải chạy về trường chấm thi tiếp. Với anh, cuộc sống mưu sinh luôn vất vả, tất tả ngược xuôi, nhưng gia đình luôn là chốn bình yên nhất để anh trở về sau mỗi ngày cực nhọc. Đó hẳn nhiên là niềm hạnh phúc của đời người.
Bình luận (0)