Mới đây, việc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) Chi nhánh phía Nam triển khai thu phí bản quyền âm nhạc ở khách sạn tại Đà Nẵng gặp phải phản ứng của một số chủ khách sạn ở đây, khiến công luận quan tâm, đặt ra nhiều câu hỏi xung quanh sự việc thu phí này. Ngày 26-5, Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) đã có buổi làm việc với VCPMC yêu cầu dừng ngay việc tổ chức thực hiện thu tiền tác quyền âm nhạc tại các phòng nghỉ khách sạn cho đến khi VCPMC xác định tác phẩm âm nhạc được khai thác, sử dụng của tác giả hoặc chủ sở hữu là thành viên của VCPMC.
Phải thực hiện đúng quy trình
Theo ông Bùi Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, việc VCPMC thực hiện bảo vệ quyền tác giả âm nhạc là đúng với quy định pháp luật nhưng phải thực hiện đúng quy trình và có lộ trình phù hợp với từng hình thức khai thác, sử dụng tác phẩm. VCPMC chỉ được phép đưa ra mức tiền tác quyền đối với tác phẩm âm nhạc của thành viên mình khi được khai thác, sử dụng tại khách sạn. Trung tâm này cũng phải xây dựng mức phí tác quyền phù hợp và thương thảo để nhận được sự đồng thuận của tổ chức, cá nhân khai thác sử dụng tác phẩm âm nhạc. Trước yêu cầu của Cục Bản quyền tác giả, ông Phó Đức Phương, Giám đốc VCPMC, cho hay sẽ nghiêm túc chấp hành ý kiến chỉ đạo này.
Ca sĩ Thu Minh trình diễn trong lễ trao Giải Mai Vàng 21, truyền hình trực tiếp trên HTV9, thu hút đông đảo khán giả truyền hình Ảnh: Hoàng Triều
Ngày 25-5, Cục Bản quyền tác giả cũng đã có buổi gặp gỡ báo chí để giải đáp thắc mắc về việc thu phí bản quyền của VCPMC tại khách sạn. Nhạc sĩ Phó Đức Phương nêu quan điểm: "Khách sạn nào cũng có
tivi và chắc chắn có nhiều chương trình ca nhạc, sử dụng âm nhạc trên truyền hình nên việc thu tác quyền là đương nhiên!".
Theo nhạc sĩ Phó Đức Phương và nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn - Giám đốc VCPMC Chi nhánh phía Nam - trung tâm này đã thu tiền sử dụng âm nhạc ở các khách sạn tại Đà Nẵng hơn 3 năm nay, riêng Hà Nội và TP HCM đã thu 10 năm nay.
Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn cung cấp thư của ông Ang Kwee Tiang, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Hiệp hội Các nhà soạn nhạc và soạn lời quốc tế (CISAC), về việc thu phí ở khách sạn, nhà hàng. "Căn cứ văn bản của tổ chức CISAC thì việc sử dụng âm nhạc thông qua các chương trình phát sóng trong khuôn viên khách sạn, trong các phòng nghỉ được coi là hoạt động biểu diễn công cộng (ở bất cứ nơi nào mà công chúng có thể tiếp cận được), do đó khách sạn phải trả tác quyền âm nhạc cho VCPMC là tổ chức đại diện tập thể quyền tại Việt Nam" - nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn khẳng định.
"Từ năm 2008, trung tâm đã ký kết Biên bản ghi nhớ với tổ chức VAFIE (Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài). Theo đó, các khách sạn 4-5 sao tại Việt Nam hầu như đã thực hiện nghĩa vụ về quyền tác giả từ thời điểm đó, cách đây gần 10 năm" - nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn cho biết.
Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả giải thích thêm: "Theo Luật Sở hữu trí tuệ và các điều ước quốc tế mà Việt Nam cam kết thì việc thu tác quyền âm nhạc trên tivi là hợp pháp".
Thu, chi chưa khoa học
Trước câu hỏi truyền hình đã nộp phí tác quyền âm nhạc, nếu khách sạn tiếp tục trả thì thành phí chồng phí, luật sư Lê Thị Mai Hương, Trưởng Ban Pháp chế VCPMC Chi nhánh phía Nam, giải đáp: "Theo quy định tại điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ và điều 23 Nghị định 100/2006/NĐ-CP, các đài phát thanh - truyền hình trả tác quyền theo "quyền truyền đạt tác phẩm đến công chúng" nhằm mục đích phát sóng, còn người kinh doanh trả tác quyền theo "quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng".
Ông Bùi Nguyên Hùng lý giải: "Khoản 1, điều 23 Nghị định 100/2006/NĐ-CP hướng dẫn Luật Sở hữu trí tuệ quy định điều này rồi. Tuy vậy, hình thức thu thế nào, mức phí bao nhiêu là vấn đề khác".
Câu hỏi được nhiều người đặt ra là tại sao lại thu ở mức 25.000 đồng/tivi/năm? Ông Hoàng Văn Bình, Phó Giám đốc VCPMC Chi nhánh phía Nam, cho biết: "Để ấn định ra mức thu này, chúng tôi phải đàm phán song phương với các tổ chức quốc tế và các tổ chức bản quyền quốc tế, trong đó quan trọng nhất là đạt được thỏa thuận. Đây là mức áp dụng chung đối với tác phẩm âm nhạc nước ngoài cũng như tác phẩm âm nhạc của Việt Nam khi sử dụng tại lãnh thổ Việt Nam. Mức này do các tổ chức song phương cùng quyết định, được căn cứ bởi tình hình kinh tế tại Việt Nam; căn cứ hình thức và tần suất sử dụng nhạc thực tế đối với từng lĩnh vực. Chúng tôi hy vọng thu được số tiền này để động viên các nhạc sĩ có thêm nguồn thu khi tác phẩm được công bố".
Trước dư luận cho rằng khó có thể "đổ đồng" tác phẩm nào cũng như nhau, nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn giải đáp: "Liên quan đến tần suất sử dụng âm nhạc trên tivi ở trong phòng khách sạn, rất khó đo đếm chính xác tác phẩm nào được nghe, nghe ở mức nào, nên quy định 25.000 đồng/tivi/năm là dựa trên sự thống nhất với tất cả tổ chức song phương quản lý về tác quyền âm nhạc và chỉ là mức tương đối dựa trên tần suất thấp nhất so với các kênh giải trí. Số tiền thu được sẽ chia đều cho các nhạc sĩ có tác phẩm được nhà đài mua bản quyền phát sóng. Danh sách các tác phẩm này năm nào các đài cũng cập nhật cho chúng tôi nên các nhạc sĩ không phải lo không nhận được đúng tiền tác quyền của mình".
Tuy nhiên, sau khi xem xét cân nhắc, Cục Bản quyền tác giả đã có yêu cầu dừng thực hiện việc thu phí nói trên vì chưa thể hiện được tính công bằng và minh bạch của nó.
Tiền tác quyền thu từ phòng ngủ còn rất thấp
Theo ông Hoàng Văn Bình, số liệu tổng kết năm 2016 cho thấy số tiền thu được từ các khách sạn ở khu vực phía Nam là hơn 3,5 tỉ đồng nhưng trong đó chủ yếu là tác quyền biểu diễn nhạc sống, bật nhạc nền trong bar, khách sạn; tiền thu được từ các phòng ngủ chỉ khoảng 220 triệu đồng.
"Điều đáng mừng là khu vực phía Nam đã có 376 khách sạn hợp tác, vui vẻ đóng phí" - ông Bình nói.
Bình luận (0)