Cuộc thi "Tìm kiếm biên kịch tài năng" mùa đầu tiên do Công ty CJ CGV Việt Nam (CGV) tổ chức được nhiều biên kịch trẻ hưởng ứng. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là sự kiện nhỏ trong hành trình xây dựng đội ngũ "biên kịch vàng" cho thị trường phim Việt.
"Có bột mới gột nên hồ"
2017 là năm bùng nổ phim làm lại kịch bản nước ngoài cả truyền hình lẫn điện ảnh. Đó là điều đáng buồn. Nhiều người trong giới sản xuất cho biết nếu có được kịch bản tốt, họ đã không chọn lựa giải pháp này. "Trong hàng trăm kịch bản gửi đến, hiếm khi chúng tôi tìm được kịch bản ưng ý để đưa vào sản xuất" - nhà sản xuất Trương Ngọc Ánh chia sẻ.
Biên kịch của Việt Nam không thiếu nhưng yếu chuyên môn. Đa phần, trong các phim điện ảnh, biên kịch đứng tên chung với đạo diễn hoặc kết hợp với một số biên kịch khác.
Bao giờ Việt Nam có được biên kịch vàng như Kim Eun Sook - người tạo ra linh hồn những tác phẩm phim truyền hình ấn tượng của xứ Hàn: “Hậu duệ mặt trời”, “Yêu tinh” Ảnh: KORSERIES
"Tôi, Nhật Linh, Đức Thịnh, Thanh Sơn... tuy là đạo diễn nhưng cũng là biên kịch. Chúng tôi phải làm công việc này vì chẳng tìm được biên kịch giỏi, có kịch bản đưa ra là nhà sản xuất có thể gật đầu ngay. Một số kịch bản gửi đến, tôi đọc đến trang thứ hai đã thấy chán. Theo quan điểm của tôi, muốn làm biên kịch, họ phải viết được từ 5-6 kịch bản và mất khoảng 7-8 năm trau dồi tay nghề. Nhiều biên kịch trẻ mới viết 1-2 kịch bản thấy bán không ai mua là ngừng lại" - đạo diễn Charlie Nguyễn cho biết.
Điện ảnh Việt chưa có đội ngũ biên kịch vàng vì chưa ai tạo niềm tin cho nhà sản xuất bằng những tác phẩm ăn khách, chinh phục giới chuyên môn. Nhiều người trong giới cho rằng muốn điện ảnh phát triển bền vững cần bắt tay đào tạo ngay thế hệ biên kịch trẻ. Nhưng ngoài các chương trình lý thuyết ở các trường, họ cần sân chơi thực tế, vừa giao lưu vừa tạo cơ hội cọ xát thực tiễn. "Khi doanh thu phim Việt chững lại và sụt giảm trong năm 2016, chúng tôi tìm kiếm nguyên nhân, biết được thực trạng khan hiếm kịch bản hay nên nghĩ đến việc góp phần thay đổi bằng cuộc thi kịch bản. Chúng tôi hy vọng kéo dài cuộc thi này sang các năm khác, thành hoạt động thường niên" - ông Dong Won Kwak, Tổng Giám đốc CGV, cho biết nguyên nhân hình thành cuộc thi "Tìm kiếm biên kịch tài năng" mùa đầu tiên.
Tập trung đào tạo thế hệ trẻ
Ông Dong Won Kwak lý giải việc giới hạn độ tuổi cho người trẻ là vì sân chơi này có một khoảng thời gian dành cho việc huấn luyện. Những thí sinh tranh tài sẽ được học tập, rèn luyện cùng nhà sản xuất, đạo diễn trong ban huấn luyện. Những hoạt động thực tiễn giúp biên kịch chuyên nghiệp lẫn người không chuyên hiểu biết rõ hơn về nghề biên kịch.
"Ý tưởng, tôi nghĩ ai cũng có. Bạn ra đường hỏi anh xe ôm hay chị bán hàng rong họ đều có ý tưởng và sẵn sàng kể cho bạn nghe. Tuy nhiên, từ ý tưởng, chúng ta phát triển thành một kịch bản hoàn chỉnh là quá trình không dễ dàng. Một kịch bản cuốn hút nhà sản xuất và sau đó chinh phục khán giả lại càng khó" - nhà sản xuất, đạo diễn Charlie Nguyễn nhận định. Theo anh, sân chơi này sẽ giúp các biên kịch trẻ trau dồi kinh nghiệm nhưng điện ảnh Việt cần nhiều sân chơi hơn cho mục tiêu xây dựng đội ngũ biên kịch vàng.
Xây dựng đội ngũ biên kịch là một hành trình dài nhiều khó khăn. Dẫu vậy, đi mãi sẽ thành đường. Nếu không bắt đầu, chúng ta sẽ không gặt hái được thành quả. Nhà sản xuất Charlie Nguyễn cho biết mức thù lao hiện tại cho một kịch bản phim điện ảnh được đánh giá tốt, đáng đặt niềm tin là 35.000 USD (800 triệu đồng). So với các nước trong khu vực như Hàn Quốc, con số này không đáng bao nhiêu nhưng đã tăng nhiều so với thị trường trong nước. Đó sẽ là động lực thu hút giới trẻ tham gia công việc này.
Không được xem trọng
Ở Hàn Quốc có nhiều biên kịch vàng, vị thế cao như Kim Eun Sook. Bà là "mẹ đẻ" của nhiều kịch bản phim truyền hình ăn khách: "Hậu duệ mặt trời", "Secret Garden" (Khu vườn bí mật), "A gentleman’s dignity" (Phẩm chất quý ông), "The heirs" (Người thừa kế)... Những tác phẩm của các biên kịch vàng thường mới lạ, không trùng lặp. Khán giả Hàn Quốc đôi lúc không cần biết đạo diễn, diễn viên nào tham gia phim mà chỉ muốn biết ai là biên kịch bộ phim đó. Trong làng phim xứ Hàn lưu truyền khẩu ngữ: "Writer is the King!" - biên kịch là vua. Theo đó, công thức thành công của một bộ phim truyền hình dài tập nước này gồm: câu chuyện 50% + diễn viên 30% + các thành phần khác còn lại 20%.
PGS-TS Trần Luân Kim đưa ra cái nhìn tổng quan về việc thiếu biên kịch giỏi của cả lĩnh vực điện ảnh, truyền hình ở Việt Nam: "Tôi nghĩ phim Việt yếu và thiếu biên kịch giỏi vì thù lao chưa tương xứng, vị thế của họ trong cả ê-kíp sản xuất không được xem trọng. Nhiều biên kịch trẻ, trải nghiệm ít nhưng thường tự viết tác phẩm mà không đi thực tế. Họ cho ra các tác phẩm mang tính chủ quan, thiếu hơi thở cuộc sống". Các khóa đào tạo biên kịch hiện nay ở nhà trường cũng như các hãng sản xuất chủ yếu cung cấp lý thuyết. Số lượng biên kịch trẻ trụ nghề khi ra trường không nhiều và đây là trăn trở của nhiều người trong giới.
Bình luận (0)