Nếu điều này với khán giả Việt còn xa lạ thì ở phương Tây, ngay khi còn học phổ thông, quy trình ra đời của một bộ phim đã được nhiều nước đưa vào giáo trình giảng dạy như một môn học chính thức bởi điện ảnh cũng chính là văn hóa.
Khoảng vài năm gần đây, việc lưu trữ tư liệu hậu trường khi làm phim mới bắt đầu được chú ý. Các phim được làm bằng kinh phí nhà nước thường viện cớ không có tiền để bỏ qua khâu quảng bá phim, nhưng thực tế cho thấy đây chỉ là thói quen làm việc: không chia kinh phí cho công tác này khi bắt tay vào dự án.
Cũng nhờ dòng phim tư nhân mà việc ấy mới không còn là việc “có thì tốt không có cũng không sao”. Việc quảng bá phim bắt đầu được chú ý từ khi phim chưa trình chiếu, thậm chí từ lúc các nhà làm phim mới chỉ bàn bạc về ý tưởng, bộ phim chưa hình thành đã được nhắc đến trên báo.
Êkip làm phim Cánh đồng bất tận, từ trái qua: Dustin Nguyễn, đạo diễn Quang Bình, Tăng Thanh Hà
và quay phim Nguyễn Tranh tại trường quay ở Mộc Hóa, Long An Ảnh: Gia Tiến
Phô bày hậu trường - chuyện đương nhiên!
Những nụ hôn rực rỡ đã gây chú ý cho khán giả ngay từ khi chưa quay cũng chính bởi cách quảng bá: diễn viên được chọn từ một cuộc thi ca hát trên sóng truyền hình, một resort đẹp như mơ chưa từng mở cửa kinh doanh ở Cam Ranh và nhất là tên phim - dù chẳng mấy liên quan đến phim thì nó đã là một phần đáng kể tăng độ “nóng” cho phim chiếu rạp mùa tết vừa rồi.
Mùa hè năm nay, trước khi bộ phim Để Mai tính đang làm mưa gió ở các rạp chiếu, nhiều người khẳng định việc quảng bá phim đã góp một phần không nhỏ cho thành công đó.
Khi dự án Để Mai tính bắt đầu cũng là lúc xuất hiện dày đặc những bài báo hé mở tên phim, việc chọn diễn viên, những chuyện không may, những chuyện lùm xùm... nhưng có thể nói cái “đinh” của chiến dịch quảng bá này chính là gần 20 tập phim hậu trường được phát sóng trên truyền hình trước khi phim ra rạp.
Những sự kiện báo chí đã nhắc đến loạt phim này được khai thác lại kỹ càng, có phỏng vấn diễn viên, đạo diễn, nhà sản xuất... đồng thời cố ý hé lộ một số cảnh nhạy cảm để khán giả thỏa sức tò mò.
Với một êkip chuyên nghiệp, phim hậu trường Để Mai tính đã được tính toán kỹ lưỡng để không thể ảnh hưởng đến cảm xúc của khán giả khi xem phim mà ngược lại, kích thích họ nôn nóng chờ đợi phim trình chiếu.
Đạo diễn Charlie Nguyễn cho biết các cảnh nhạy cảm sau đó không thấy xuất hiện trên phim là vì khi dựng, anh thấy không cần thiết cho mạch phim chứ không phải đoàn phim đã mất công dựng các cảnh đó chỉ phục vụ mục đích quảng bá.
Nhưng không là cách ai cũng chọn
Tuy nhiên một số phim lại chọn cách khác. Họ cố gắng giấu biệt thông tin về dự án của mình, về đoàn phim, về kịch bản và tất nhiên là cả diễn viên nữa. Cụ thể là trường hợp của Cánh đồng bất tận.
Đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình dù bị hỏi ráo riết thì sát ngày quay anh vẫn lấp lửng như thể dự án có thể chẳng diễn ra, vai diễn cô gái điếm tên Sương mà diễn viên Kiều Trinh vội vã tuyên bố với báo chí cũng không phải là lựa chọn cuối cùng...
Để rồi thông tin Hải Yến vào vai Sương mới được công bố do tình cờ từ những bức ảnh chụp ở miền Tây được Yến đưa lên Facebook, hé lộ thông tin Yến đang quay Cánh đồng bất tận (khi dự án đã khởi quay được hơn 10 ngày).
Rõ ràng với kinh nghiệm của mình, đạo diễn đã cố ý tránh cho dự án khỏi những lời bàn ra tán vào không cần thiết, diễn viên không bị áp lực khi nhận vai.
Phạm Linh Đan, cô Cầm của Chơi vơi, cũng từng thổ lộ rằng áp lực mà cô chịu là không hề nhỏ khi Phan Đăng Di đã đưa kịch bản nguyên gốc lên mạng Internet, và quá nhiều khán giả đọc nó cho rằng Linh Đan hoàn toàn không giống với hình dung của họ về Cầm.
Thông thường, quảng bá phim bằng chuyện hậu trường chú trọng đến những yếu tố sau: |
Bình luận (0)