Giải thưởng Văn học Nghệ thuật (VHNT) TP HCM 2012-2016 đang bước vào giai đoạn đề cử xét giải từ cấp cơ sở hội chuyên ngành. Giải thưởng tổ chức 5 năm một lần này nhằm tôn vinh các tác phẩm VHNT của TP HCM có giá trị nghệ thuật cao, tác động sâu rộng đến đời sống công chúng nên được người trong giới và công chúng quan tâm.
Tìm kiếm tác phẩm đủ tầm
Nhiều tác phẩm sẽ được Hội Nhà văn TP HCM chọn lựa vào danh sách đề cử cho giải thưởng lần này. Một số người trong giới vẫn băn khoăn: Liệu những tác phẩm theo họ là nổi bật, được giới chuyên môn đánh giá cao và rơi vào đúng giai đoạn sáng tác theo thể lệ có được xét giải, như truyện vừa "Người yêu dấu" của nhà văn Dạ Ngân?
Nhà văn Dạ Ngân đã ấp ủ và sáng tác truyện vừa này trong hơn 2 năm 2015 và 2016. Cuối năm 2016, truyện được NXB Phụ Nữ ấn hành, giới thiệu tới công chúng vào những ngày đầu tiên của năm mới 2017. Vậy "Người yêu dấu" có được nằm trong khung thời gian xét giải?
"Nhà văn Dạ Ngân không phải là thành viên Hội Nhà văn TP HCM. Chị cũng không chủ động gửi tác phẩm tới Hội Nhà văn TP HCM dự giải mặc dù đang sống tại TP. Đối với chị, người viết chỉ có trách nhiệm viết ra tác phẩm tốt nhất, còn chuyện có được ghi nhận bằng giải thưởng hay không chưa hẳn đã là điều nhất thiết phải quan tâm. Vậy thì, Hội Nhà văn TP HCM cần có trách nhiệm tìm kiếm, giới thiệu các tác phẩm "nặng ký" như vậy để đề cử lên hội đồng cấp trên" - nhà phê bình, tiến sĩ ngữ văn Trần Hoài Anh nêu ý kiến.
Nhà văn Trầm Hương và nhân vật chính của bộ tiểu thuyết 2 tập "Trong cơn lốc xoáy"
Bìa sách "Người yêu dấu" của nhà văn Dạ Ngân
Nhà phê bình Trần Hoài Anh đề cử thêm những trường hợp như bộ tiểu thuyết 2 tập "Trong cơn lốc xoáy" của nhà văn Trầm Hương - câu chuyện có thật kể về cuộc đời của Jeanne Anna Villarialle (tên thân mật là Jeannette), người phụ nữ hiện tuổi đã tròn 90, trải qua gần một thế kỷ sống với rất nhiều biến cố lịch sử khác nhau. "Câu chuyện gần 1.000 trang sách đã dựng nên chân dung cả một xã hội trải dài từ những năm đầu thế kỷ XX tới giai đoạn sau năm 1975, nhìn lịch sử cách mạng không qua những trận đánh mà bằng thân phận con người, khiến chúng tôi đánh giá cao, coi đây là tác phẩm nặng ký" - ông nhận xét.
Nhà văn Trần Văn Tuấn, Chủ tịch Hội Nhà văn TP HCM, cho biết tiểu thuyết "Trong cơn lốc xoáy" của Trầm Hương đã được trao giải thưởng Hội Nhà văn TP HCM 2016, cùng 2 tập truyện ngắn: "Mười năm và bảy ngày" của Ngô Thị Ý Nhi, "Khỏa thân trắng" của Nguyễn Thu Phương. Giải thưởng của Hội Nhà văn TP HCM năm 2015 được trao cho tác giả Nguyễn Vũ Tiềm với tập thơ "Minh triết đất đai" và Nguyễn Ngọc Thuần với tập truyện dài "Về cô gái này"…
"Hội Nhà văn TP HCM sẽ gửi các đề cử lên hội đồng chuyên ngành cấp trên cơ sở các tác phẩm đã đoạt giải thưởng văn học hằng năm. Hội cũng rất hy vọng vào việc phát hiện thêm từ các nhà văn ngoài hội, thậm chí cả các bản thảo còn chưa xuất bản để có thể tìm kiếm được các tác phẩm đủ tầm" - ông Tuấn mong mỏi.
Kéo gần khoảng cách với công chúng
Nhiều người trong giới cho rằng tác phẩm văn học bán chạy và tác phẩm của giới trẻ mang ý nghĩa đại chúng lại thường không được các hội đoàn đánh giá cao, rất ít khi các ban xét giải chú ý tới.
Chẳng hạn, rất nhiều cuốn sách của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh rơi vào tốp được bạn đọc yêu thích nhất, được chuyển thể thành phim và đưa lên sân khấu kịch. Các nhà văn phía Nam có Trần Nhã Thụy với tác phẩm "Những đứa trẻ mắc zịch" (2016), Nguyễn Ngọc Thuần với truyện dài "Cơ bản là buồn" (2014), Nguyễn Danh Lam - tiểu thuyết "Cuộc đời ngoài cửa" (2014) hay Nguyễn Ngọc Tư… Với kiểu trao giải chỉ chú trọng yếu tố lịch sử hoặc mang tầm cỡ, chiều kích vĩ mô thì liệu các tác phẩm của người trẻ và hướng đến giới trẻ có thể được xem xét? Nên chăng, Giải thưởng VHNT TP HCM cần nghiên cứu và đưa ra thêm hạng mục dành cho sáng tác của các tác giả trẻ?
Một thể loại tác phẩm văn học nữa rất gần với công chúng là tự truyện - hồi ký. Theo người trong giới, giải Nobel Văn học năm 2015 trao cho tác phẩm phi hư cấu của nữ nhà báo Svetlana Alexievich và năm 2016 trao cho ca sĩ - nhạc sĩ Bob Dylan chỉ vì tính thơ của tác phẩm. Nếu chúng ta vẫn lựa chọn theo cách cũ, theo kiểu đến hẹn lại lên, chỉ mặt đặt tên, thấy cái tên quen quen và đã có vị thế trong "làng" thì mới có thể vào giải thì giải thưởng sẽ tiếp tục xa rời công chúng.
"Rất nên phá vỡ biên độ của tác phẩm, mở ra những lối chơi mới, hướng đến các tác phẩm mang những thông điệp nhân văn, khiến người đọc giật mình, thậm chí thay đổi suy nghĩ định kiến và tác động đến hành động của nhiều lớp người trong xã hội. Làm được như thế vừa tôn vinh giá trị của giải thưởng vừa có lợi ích thực tế cho công chúng" - nhà phê bình Trần Hoài Anh nhìn nhận.
Tác phẩm được giải, công chúng ít quan tâm?
Dường như thời gian gần đây, tác phẩm đương đại đủ tầm vóc để tôn vinh rất khó tìm được. Với thời gian sáng tác từ năm 2012 đến 2016 mà tác phẩm vẫn chưa được công diễn, xuất bản thì liệu đó có thực sự là tác phẩm tốt? Khi chưa công bố và chưa biết phản ứng của công chúng với tác phẩm thế nào thì dựa vào đâu để khẳng định đó là tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng, nghệ thuật và có ảnh hưởng sâu rộng?
Người trong giới băn khoăn rằng nếu chỉ chú trọng tính tư tưởng mà coi nhẹ tính nhân văn, tác phẩm đoạt giải sẽ không đi vào đời sống của người đọc. Nếu tác phẩm không tới tầm mà được trao giải thưởng có thể còn làm hỏng ngòi bút, khiến tác giả ảo tưởng, vĩ cuồng. Ngược lại, sẽ rất buồn nếu các tác phẩm đủ tầm nhưng vì một lý do nào đó mà không được ghi nhận.
Rất nhiều ý kiến của những người làm nghề cho rằng tác phẩm được giải nhiều năm nay thường không được công chúng chú ý, đón đọc. Nhiều tủ sách trưng bày, thậm chí phát không các tác phẩm loại này nhưng vắng người tham khảo.
"Ngoài việc thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo TP HCM đối với VHNT, giải thưởng không thể tạo ra được cơ sở vững chắc nào để lan tỏa tác phẩm trong công chúng một cách rộng rãi nếu vẫn cứ xét trao giải theo cách cũ" - nhà phê bình văn học Lê Thiếu Nhơn nhận xét.
Giải thưởng VHNT TP HCM lần thứ hai (2012-2016) dành cho các tác phẩm VHNT xuất sắc thuộc các ngành: Văn học, sân khấu, mỹ thuật, âm nhạc, điện ảnh, nhiếp ảnh, kiến trúc và múa; nhằm tôn vinh các tác giả, tác phẩm tiêu biểu có ảnh hưởng sâu rộng trong quần chúng, động viên khích lệ các văn nghệ sĩ phát huy tính năng động, sáng tạo nghệ thuật.
Đối tượng dự giải là công dân Việt Nam, là hội viên của các hội thành viên (gồm: Hội Nhà văn, Hội Âm nhạc, Hội Sân khấu, Hội Điện ảnh, Hội Nhiếp ảnh, Hội Mỹ thuật, Hội Nghệ sĩ Múa, Hội Kiến trúc sư, Hội VHNT các dân tộc thiểu số TP).
Hội đồng thẩm định sơ khảo do Ban Thường vụ các hội thành viên quyết định thành lập, từ 5-7 người. Thời gian nhận tác phẩm từ ngày 1-7 đến hết 30-9; thẩm định sơ khảo từ ngày 1 đến hết 31-10.
Từng thành viên trong hội đồng được cung cấp đầy đủ tác phẩm để nghiên cứu. Sau đó, tập thể hội đồng thẩm định của các hội thành viên tiến hành xem, đọc, khảo sát thực tế và bỏ phiếu kín bầu chọn tác phẩm; lập biên bản giới thiệu lên hội đồng chung khảo. Các tác phẩm được lựa chọn vào vòng chung khảo phải có 2/3 số phiếu thuận trở lên của tổng số thành viên hội đồng thẩm định có mặt. Mỗi hội thành viên được chọn tối đa 7 tác phẩm của hội mình để giới thiệu tham dự xét giải, có phân loại A, B, C và khuyến khích.
Thành phần hội đồng chung khảo sẽ do một phó chủ tịch UBND TP HCM làm chủ tịch; các ủy viên gồm: đại diện Ban Tuyên giáo Thành ủy, đại diện Ban Thi đua - Khen thưởng TP, đại diện Sở Văn hóa và Thể thao TP. Thời gian thẩm định chung khảo trong tháng 11-2017; dự kiến công bố và trao tặng thưởng trong tháng 12-2017.
Bình luận (0)