Tiến tới Giải thưởng Văn học Nghệ thuật (VHNT) TP HCM 2012-2016, trong thời gian qua, các đơn vị sân khấu xã hội hóa đã tích cực hưởng ứng việc chọn lọc, dàn dựng kịch mục theo đúng tiêu chí của giải thưởng. Tuy vậy, việc chọn lựa tác phẩm xứng tầm, có cơ sở để các nhà chuyên môn đề cử, xét tặng Giải thưởng VHNT TP HCM 2012- 2016 cũng gặp nhiều khó khăn.
Giải thưởng cần công chúng
Sân khấu TP HCM 5 năm qua đã có một số tác phẩm đỉnh cao thu hút công chúng. Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang có "Chiến binh" và "Hiu hiu gió bấc", Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP HCM có vở "Đào Duy Từ", Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam có chương trình "Bạch Tuyết và bảy chú hề", Nhà hát Kịch TP HCM có tác phẩm "Vòng xoáy nghiệt ngã". Theo NSND - đạo diễn Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM: "Tác phẩm sân khấu đủ tầm thôi chưa đủ, tiêu chí đề cử giải thưởng 5 năm một lần là tác phẩm đó thu hút được công chúng" .
Cảnh trong vở kịch “Con nhà nghèo” của Sân khấu Kịch Phú Nhuận
NSND - đạo diễn Trần Ngọc Giàu cho biết: "Hiện nay, chúng tôi đã lập danh sách một số tác phẩm đủ sức đề cử nhưng việc tổ chức biểu diễn, đưa tác phẩm đến với công chúng vẫn còn hạn chế. Nỗ lực của sân khấu TP HCM nhiều năm qua chính là cố gắng sáng đèn, tổ chức biểu diễn bán vé, không có việc tặng vé mời, do vậy tác phẩm được đề cử lên hội đồng chuyên ngành lần này có phần bảo chứng từ công chúng đến rạp".
NSƯT Trần Minh Ngọc nhận định: "Tất cả đều tạo được sức hút và có những thủ pháp mới trong dàn dựng. Tính văn học thẩm thấu trong đời sống sàn diễn nhờ vào sự tương tác của giải thưởng, nâng chất lượng các vở diễn, định hướng thẩm mỹ người xem. Vở "Chiến binh" (tác giả Chu Lai, chuyển thể Hoàng Song Việt, đạo diễn: NSND Trần Ngọc Giàu) là một điển hình của tác phẩm mang tính tư duy mới cho hình thức thể hiện của nghệ thuật cải lương; tiết tấu nhanh, gọn, chặt chẽ, chất mùi mẫn không bị mất đi dù chuyện kể về những người lính; chất liệu cuộc sống ngồn ngộn những vấn đề mà người xem quan tâm. Tôi cho rằng đây là tác phẩm xứng đáng đoạt giải. Vở còn được bảo chứng bằng huy chương vàng Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc 2015 tại Bạc Liêu. Chương trình xiếc "Bạch Tuyết và 7 chú hề" của Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam cũng là một điển hình cho sự tìm tòi, sáng tạo mang hơi thở mới cho nghệ thuật xiếc".
Các diễn viên trong vở “Một thời để nhớ” của sân khấu kịch Trịnh Kim Chi
Với NSND Đinh Bằng Phi, ông nhận xét: "Vở hát bội "Đào Duy Từ" (tác giả: NSƯT Hữu Danh, đạo diễn: nghệ sĩ Hữu Nhi) cũng là một đề cử xứng tầm. Thủ pháp dàn dựng hát bội không đi vào lối mòn, tạo đất diễn cho nhiều nghệ sĩ, bằng chứng tại Liên hoan Tuồng toàn quốc 2015, vở mang về cho nhà hát 1 huy chương vàng, 3 huy chương bạc".
NSƯT Ca Lê Hồng nhận xét về tác phẩm "Vòng xoáy nghiệt ngã" của nhà văn Bích Ngân được đạo diễn - NSƯT Đoàn Bá dàn dựng cho Nhà hát Kịch TP HCM đã chạm đến trái tim người xem, tạo được sức hấp dẫn với thủ pháp dàn dựng mới. Còn với vở "Hiu hiu gió bấc" (tác giả Nguyễn Ngọc Tư, chuyển thể Hoàng Song Việt, đạo diễn Quốc Kiệt), theo NSND Ngọc Giàu: "Đạo diễn trẻ Quốc Kiệt đã có nhiều tiến bộ, chất trẻ trong dàn dựng vở này là một dấu son mới cho sàn diễn cải lương hôm nay".
Theo các nhà chuyên môn, 5 tác phẩm đề cử của mùa giải năm nay đều có công chúng. Đó là điều mà giải thưởng VHNT TP HCM cần hướng tới.
Sân khấu xã hội hóa không thể đứng ngoài
Theo NSND Trần Ngọc Giàu, Giải thưởng VHNT TP HCM lần thứ hai (2012-2016) dành cho các tác phẩm VHNT xuất sắc nhằm tôn vinh tác giả, tác phẩm tiêu biểu có ảnh hưởng sâu rộng trong quần chúng thì không thể để các sân khấu xã hội hóa đứng ngoài cuộc.
NSƯT Trần Minh Ngọc nhận định: "Vở "Con nhà nghèo" (tác giả: Viễn Hùng, đạo diễn: NSND Hồng Vân - Minh Hoàng) là tác phẩm đã có hơn 200 suất diễn tại Sân khấu Kịch Phú Nhuận. Dựa theo tác phẩm văn học của Hồ Biểu Chánh, vở diễn tạo được tiếng vang khi dùng chuyện xưa nói chuyện nay".
NS Trung Dũng và NS Bạch Long trong vở “Giấc mơ” (Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ TP HCM)
Các vở: "Giấc mơ" (Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP HCM; tác giả: Nguyễn Đình Thi, đạo diễn: Thái Kim Tùng), "Đời Như Ý" (Nhà hát Thế Giới Trẻ; tác giả - đạo diễn: Bùi Quốc Bảo), "Trăng mơ bóng nước" (Sân khấu Kịch Hoàng Thái Thanh; tác giả: Nguyễn Thị Minh Ngọc, Hoàng Thái Thanh, đạo diễn: NSƯT Thành Hội), "Tía ơi má dìa" (Sân khấu IDECAF; tác giả: Nguyễn Thị Minh Ngọc - Minh Phương, đạo diễn: Vũ Minh), "Một thời để nhớ" (Sân khấu Trịnh Kim Chi; tác giả: Trang Trần, đạo diễn: NSƯT Trịnh Kim Chi - Hữu Tiến), "Hồn ma báo oán" (Sân khấu Kịch Sài Gòn; tác giả: Vương Huyền Cơ, đạo diễn: NSND Trần Ngọc Giàu) là những tác phẩm mà các nhà chuyên môn đề cử khi được hỏi về tác phẩm xứng tầm Giải thưởng VHNT 2012-2016. "Hầu hết đều là tác phẩm hướng đến những vấn đề trong cuộc sống đương đại, có sự đối thoại, phản biện của xã hội, đồng thời có thủ pháp dàn dựng sinh động, lột tả sự đổi mới cần thiết về hình thức biểu diễn hiện nay của nhiều sân khấu" - PGS-TS Trần Yến Chi nhận định.
"Mỗi đợt xét tặng giải thưởng cho tác phẩm VHNT, tại sao TP HCM không tổ chức quảng bá các tác phẩm được đề cử? Nhất là các tác phẩm được lựa chọn vào vòng chung khảo. Đời sống sàn diễn sẽ sôi động hơn và công chúng được định hướng nghệ thuật thông qua các đợt tổ chức biểu diễn, tạo khí thế cho sân khấu xã hội hóa" - NSND Hồng Vân đề nghị. Theo NSND Hồng Vân, thực tế có tác phẩm được trao giải nhưng số đông khán giả còn chưa được xem, thậm chí có vở chỉ diễn được vài suất rồi cất kho.
Để sân khấu có thể tác động tích cực tới đời sống, rất cần sự đồng hành của giải thưởng. Tuy nhiên, xét tặng và trao giải cũng mang tính nhất thời, còn việc tạo điều kiện để tác phẩm thực sự được sống, được đến với công chúng mới là việc làm cần thiết và lâu dài.
Tránh cách làm "cả làng vui vẻ"
"Từng thành viên trong hội đồng được cung cấp đầy đủ thông tin về tác phẩm, đồng thời tất cả đều phải xem để nhận định chính xác về vở diễn. Bởi 5 năm mới trao giải một lần, không thể cứ lấy tiêu chí các vở đã đoạt giải thưởng tại các kỳ liên hoan, hội diễn đưa vào. Cách làm "mặt trận hóa", đơn vị nào cũng có giải để vui vẻ cả làng, khiến giới chuyên môn bức xúc, đặc biệt là các nghệ sĩ buồn lòng. Theo tôi, năm nay việc xét giải nên hướng tới các vở diễn có khán giả" - NSND Đoàn Dũng nêu ý kiến.
Bình luận (0)