Nhằm hướng đến mục tiêu xây dựng một môi trường kinh doanh nội dung số lành mạnh, đẩy lùi nạn vi phạm bản quyền, hội thảo quốc tế về môi trường giải trí trực tuyến lành mạnh, an toàn do Liên minh Chủ sở hữu quyền và Hội Sở hữu Trí tuệ TP HCM tổ chức, diễn ra vào ngày 16-11 tại TP HCM.
“Cóc mò cò xơi”
Hội thảo được tổ chức trong khuôn khổ các hoạt động chung tay bảo vệ bản quyền của Liên minh Chủ sở hữu quyền, bao gồm VTV, BHD, CASBAA (Hiệp hội Truyền hình trả tiền khu vực châu Á - Thái Bình Dương), hãng Fox Century 21, MPA (Hiệp hội Điện ảnh Mỹ), K+ (Công ty TNHH Truyền hình số vệ tinh Việt Nam), KCC (Ủy ban Bản quyền tác giả Hàn Quốc). “Nói không với tác phẩm số không có bản quyền” là một chiến dịch lớn cần sự chung tay của nhiều phía liên quan như các đơn vị quảng cáo, chủ nhãn hiệu và đặc biệt là người sử dụng.
Không ít những câu chuyện “sạt nghiệp” của giới làm phim được nhắc đến như lời ta thán về hiện trạng vi phạm bản quyền tràn lan hiện nay trong môi trường kinh doanh nội dung số. Bởi “thực tế ở nền công nghiệp điện ảnh thế giới, 20% - 30% doanh thu của phim có nguồn thu từ kinh doanh trên internet” - ông Matt Kurlanzik, đại diện hãng Fox Century 21, chia sẻ. Trong khi đó, “ngoài doanh thu từ phòng vé nội địa, đơn vị sản xuất phim Việt hiện nay không có nguồn thu nào khác để bù lỗ” - bà Ngô Bích Hạnh, Giám đốc Công ty BHD, nói. Đó là lý do ở thị trường phim Việt không thiếu những đạo diễn bán nhà làm phim và mất trắng khoản đầu tư dù phim của họ có đến hàng triệu lượt xem trên internet.
Đạo diễn Đức Thịnh nói rằng phim vừa chiếu rạp đã bị ghi hình phát tràn ngập trên các trang phim miễn phí. Khi vừa ra mắt phim của mình, diễn viên - nhà sản xuất Ngô Thanh Vân tha thiết “mong người xem đừng quay phim rồi đưa lên các trang mạng xem miễn phí”. Ông John Medeiros (đại diện của CASBAA) nhận định: “Thực trạng những website hoạt động lậu, tức không trả tiền bản quyền cho các đơn vị chủ sở hữu quyền tác giả, hoành hành khắp thế giới chứ không riêng gì Việt Nam. Kết quả cuộc điều tra về lượng website hoạt động lậu trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương do CASBAA thực hiện, kéo dài trong 2 tuần, cho thấy Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan là những nơi có đến trên 30% các website lậu. Đây sẽ là một cuộc chiến dai dẳng và khó khăn của các đơn vị cung cấp bản quyền chống lại các cá nhân, đơn vị chỉ lấy cắp bản quyền”.
Thực tế, môi trường giải trí trên internet tiềm ẩn những mối nguy hại cho xu hướng thưởng thức của khán giả trẻ. Đây cũng là thực trạng nhức nhối lâu nay đối với xã hội. Những mẫu quảng cáo độc hại như ảnh khiêu dâm, đánh bạc, cá cược,… được đan xen trên các website vi phạm bản quyền. Tính đến nay, Việt Nam “có hơn 200 website đang hoạt động mà không có bản quyền. Những bộ phim mới của quốc tế và trong nước luôn được cập nhật (dưới dạng tải lậu, nói thẳng ra là ăn cắp) để thu hút người xem. Công chúng sẽ được xem miễn phí, website thu lợi quảng cáo. Cuộc chiến của những người thực thi nghiêm túc luật bản quyền với những trang mạng lậu luôn ở thế bất đối xứng” - bà Phan Cẩm Tú (đại diện của Hiệp hội Điện ảnh Mỹ) nói.
Có cầu ắt có cung
Quảng cáo chính là nguồn sống của các website cung cấp tác phẩm số không có bản quyền. Ông Neil Gane (đại diện của CASBAA) cho biết theo thống kê, thị trường quảng cáo trên internet toàn cầu đạt doanh thu 133 tỉ USD vào năm 2014. Con số này tiếp tục tăng theo từng năm. Trong đó, khu vực châu Á - Thái Bình Dương chiếm 27% tổng số doanh thu này. Theo bà Vũ Thị Thanh Tâm (Đài Truyền hình Việt Nam): “Chỉ tính riêng các website vi phạm bản quyền những nội dung của riêng Đài Truyền hình Việt Nam, chúng tôi đã mất doanh thu lên đến 10 tỉ đồng/tháng. Đó là điều hết sức bất công cho một đơn vị cung cấp bản quyền nhưng cũng phải thực thi bản quyền như chúng tôi. Chỉ tính riêng tiền bản quyền mà chúng tôi phải trả cho tác giả là nhạc sĩ mỗi năm cũng lên đến 2 tỉ đồng. Như vậy, chúng tôi đang bị đánh cắp một khoản thu lớn đáng lý thuộc về chúng tôi”.
Có cầu ắt có cung. Ước tính, các website cung cấp phim miễn phí cho khán giả đều đạt lượng người xem rất cao. Trung bình, một bộ phim mới luôn thu hút vài triệu lượt xem. Trung bình khoảng 2 - 4 triệu lượt người xem. Khi việc quảng bá thương hiệu còn phụ thuộc chủ yếu vào lượt người xem như hiện tại thì việc đặt quảng cáo trên các website này là khó thay đổi vì giá rẻ, chỉ số lượt người xem cao.
Điều này cho thấy mong muốn tạo nên môi trường giải trí “sạch” trên internet của những người tham gia hội thảo là khó hiện thực hóa. Bản thân Liên minh Chủ sở hữu quyền cũng tự tìm giải pháp bằng cách kêu gọi các thương hiệu dừng quảng bá sản phẩm trên các website lậu và ít nhiều nhận được sự đồng tình của cử tọa. Thế nhưng, liệu có nhà quảng cáo nào nghe theo lời kêu gọi này, trong khi hỏi đến những nguồn website chính thống, bảo đảm độ “hot” đúng yêu cầu thương mại của các thương hiệu thì chính liên minh cũng bế tắc?
Nguy cơ dính độc hại
“Quảng cáo độc hại có trên các trang web đánh cắp nội dung và giả mạo sẽ đem đến những nguy cơ có ảnh hưởng nghiêm trọng cho người tiêu dùng trực tuyến vốn hay tìm kiếm một thẻ giá “tốt đến khó tin” hoặc thứ gì đó miễn phí. Những người tiêu dùng như vậy cuối cùng cũng có thể nhận được điều mình mong muốn… nhưng thường phải trả giá” - ông Matt Kurlanzik đến từ hãng Fox khẳng định. Cái giá mà ông nói đến chính là virus đánh cắp thông tin cá nhân, có khi khiến người tiêu dùng phải bỏ tiền để chuộc lại mã khóa hay ít nhất là những khoảnh khắc khó chịu khi phải xem những mẫu quảng cáo độc hại.
Bình luận (0)