Khi GS-TS Trần Văn Khê quyết định về nước sống trên quê hương để có điều kiện thực hiện những ước mơ hoài bão cuối đời mình, đã từng có lời ra tiếng vào. Nghe những lời này, ông bình thản nói: “Tôi không buồn. Mỗi người có con đường và lý tưởng riêng để cống hiến. Tôi chọn ra đi để học tập, mong có ngày mang những kiến thức đó về áp dụng trong việc truyền thụ âm nhạc và văn hóa dân tộc từ những hệ thống khoa học mà tôi đúc kết do phương Tây hướng dẫn. Đó cũng là cách tôi bày tỏ tấm lòng yêu nước của mình”.
Sống đúng với lý tưởng của mình
“Anh Khê cứng lắm, đâu có ngán những lời mỉa mai. Anh vẫn sống đúng với lý tưởng của anh và bằng chứng là từ năm 2006 đến nay, như chúng ta đã thấy, anh vẫn sống, nghiên cứu, quảng bá, vẫn làm đẹp thêm hơn việc truyền thụ cảm xúc, kiến thức, kinh nghiệm trong công cuộc bảo tồn di sản văn hóa của ông cha để lại. Anh chẳng một lần nào bào chữa hay phản bác những nhận xét không đúng về mình” - NSND Viễn Châu, người bạn chí cốt của GS-TS Trần Văn Khê, nói.
Năm 1941, GS-TS Trần Văn Khê tròn 20 tuổi, ông từng đứng trên sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội chỉ huy dàn nhạc, hát bài hát tiếng Pháp “Le petit doigt de maman”. Sau buổi biểu diễn, báo La Volonté Indochinoise đã viết bài khen ngợi: “Việt Nam có một sinh viên trẻ tuổi chỉ huy dàn nhạc với phong cách một nhạc sĩ nhà nghề”. Đó là một kỷ niệm đẹp về đêm nhạc sinh viên đầu tiên của GS-TS Trần Văn Khê, từ đó ông nung nấu tình yêu âm nhạc, đặc biệt là nhạc dân tộc và tìm đường tiếp cận phương pháp đào tạo, truyền bá và hệ thống một cách khoa học những hiểu biết về âm nhạc dân tộc vốn thấm sâu trong máu của người thanh niên sinh ra và lớn lên trong chiếc nôi âm nhạc truyền thống. Cách tốt nhất là phải ra nước ngoài, tìm hiểu phương pháp nghiên cứu âm nhạc phương Tây để vận dụng cho âm nhạc truyền thống của Việt Nam sau này.
GS-TS Trần Văn Khê sang Pháp du học từ năm 1949. Hè năm 1951, ông thi đậu vào Trường Chính trị Paris- Khoa Giao dịch quốc tế. Cuối năm 1954, GS-TS Trần Văn Khê theo học Khoa Anh văn và Âm nhạc học tại Trường ĐH Sorbonne (Paris), làm luận án tiến sĩ dưới sự hướng dẫn của các giáo sư: Jacques Chailley, Emile Gaspardone và André Schaeffner. Tháng 6-1958, ông đậu tiến sĩ văn khoa (môn nhạc học) của Trường ĐH Sorbonne.
“Trải qua thời sinh viên mà nhất là du học sinh ở xứ người, anh Khê sống kham khổ và phải đi làm thêm để có tiền ăn học. Những năm đầu thập niên 1950, anh đã phải đi đánh đàn thuê ở tiệm ăn La Paillote do ông Từ Bá Hòa làm chủ. Đánh đàn để kiếm sống nhưng anh chỉ sử dụng các nhạc cụ truyền thống và chơi các bản nhạc truyền thống Việt Nam. Ban đầu, chủ nhà hàng phản đối nhưng sau đó thấy thực khách đến ăn ngày một đông nên cũng đồng tình” - NSND Kim Cương kể.
GS-TS Trần Văn Khê bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ với đề tài chính “Âm nhạc truyền thống Việt Nam” và 2 đề tài phụ: “Khổng Tử và âm nhạc”, “Vị trí âm nhạc trong xã hội Việt Nam”. Từ đây, ông bắt đầu đi những bước đầu tiên trên chặng đường dài mà mình đã chọn: sưu tầm, nghiên cứu, quảng bá âm nhạc truyền thống Việt Nam. NSƯT Ba Tu có lần nói GS-TS Trần Văn Khê quá siêu khi nhớ vanh vách những thông số của từng cây đàn kìm, đàn tranh cổ bản có bao nhiêu cần, bao nhiêu dây, khi phát triển có thêm bao nhiêu trục…
Làm tròn trách nhiệm
Sau 50 năm gắn bó với sự nghiệp nghiên cứu, theo học có chứng chỉ từng môn ở 15 đại học danh tiếng nước ngoài, tham dự hơn 200 hội nghị quốc tế về âm nhạc tại 67 quốc gia; tham gia biểu diễn, thuyết trình, đối thoại tại 20 liên hoan âm nhạc thế giới…, GS-TS Trần Văn Khê trở về nước để truyền thụ âm nhạc dân tộc.
Sau khi về nước, GS-TS Trần Văn Khê không ngừng quảng bá âm nhạc. Tháng 8-2006, tại một nhà hát ở Torino (Ý) trong tuần lễ “Di sản âm nhạc Việt Nam” do các bạn Ý tổ chức, mỗi khi các nghệ sĩ Hải Phượng, Huỳnh Khải, Nhứt Dũng biểu diễn dứt một tiết mục nhạc tài tử và nhạc lễ Nam Bộ, GS-TS Trần Văn Khê lại lên sân khấu giới thiệu về ý nghĩa, những điểm chung và riêng của các loại hình âm nhạc này.
“GS-TS Trần Văn Khê còn tham gia các chương trình giảng dạy và giới thiệu âm nhạc dân tộc cho người trẻ; thực hiện dự án “Dạy âm nhạc dân tộc trong bậc tiểu học” ở Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo; lên truyền hình biểu diễn các bài dân ca Bắc, Trung, Nam cùng các cháu bé ở Nhà Thiếu nhi quận 1, TP HCM. Nhìn ông mặc áo dài khăn đóng, mái tóc bạc phơ say sưa hát với các em học sinh, tôi xúc động vô cùng” - NSƯT Ba Tu nhớ lại.
Những năm cuối đời, sức khỏe yếu, biết mình không còn sống được bao lâu, GS-TS Trần Văn Khê vẫn ngày đêm canh cánh bên lòng việc phải làm sao có thêm nhiều hậu bối thay ông tiếp tục giới thiệu những di sản văn hóa truyền thống của Việt Nam đến thế giới.
“Với tôi, hoài bão duy nhất phải làm là gieo thêm nhiều hơn nữa vào ý thức giới trẻ tình yêu say mê đờn ca tài tử Nam Bộ và những di sản văn hóa của nước Việt. Bởi có hiểu biết mới có đam mê, nâng niu gìn giữ và phát huy. Gìn giữ di sản thì phải biết cách truyền thụ di sản ấy đến với lớp trẻ” - GS-TS Trần Văn Khê tâm nguyện như thế.
Và ước nguyện trên sẽ được vun trồng từ thế hệ những học trò mà ông đã đặt kỳ vọng ở họ.
Kỳ tới: Nặng lòng với sân khấu học đường
Bình luận (0)