Không chỉ có “Nối vòng tay lớn” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được trình diễn trong rất nhiều chương trình lớn nhỏ bao lâu nay vẫn chưa hề có tên trong danh sách những bài hát trước năm 1954 và 1975 (ở miền Nam) được cấp phép phổ biến của Cục Nghệ thuật Biểu diễn (NTBD) mà là hàng ngàn ca khúc thuộc dạng này đang có số phận phải làm hồ sơ xin Cục NTBD cấp phép lại.
Chẳng ai tin mình làm “lậu”
Ông Huỳnh Tiết, nguyên Giám đốc Bến Thành Audio- Video, nói rằng ông quá bất ngờ khi báo chí đưa tin ca khúc “Nối vòng tay lớn” mà đơn vị ông đã sản xuất trong nhiều chương trình lại là ca khúc chưa được xem có giấy phép phổ biến. Vậy lâu nay các đơn vị sản xuất băng đĩa, chương trình biểu diễn đã làm lậu sao?
Thực tế, có hàng ngàn ca khúc nhạc xưa đã được các sở cấp giấy phép công diễn và giấy phép sản xuất, phát hành băng đĩa cho các hãng sản xuất, các công ty tổ chức biểu diễn trước khi có quy định Cục NTBD là cơ quan duy nhất cấp phép phổ biến cho các ca khúc ra đời tại các tỉnh phía Nam trước năm 1975 hoặc tác phẩm của người Việt Nam đang sinh sống và định cư ở nước ngoài.
Một đơn vị sản xuất karaoke ước tính có khoảng 3.000 bài hát phổ biến ở miền Nam trước năm 1975 đã được cấp sở cấp phép phổ biến không có trong danh mục ca khúc được phép phổ biến của Cục NTBD hiện nay. Như vậy, theo quy định hiện hành mà Cục NTBD đang áp dụng, số ca khúc này phải làm hồ sơ xin phép lại.
Không phải đến bây giờ mới phát lộ sự bất cập trong quản lý, cấp phép biểu diễn, sản xuất băng đĩa có các bài hát ra đời trước năm 1975 của các cơ quan quản lý. Dù không có trong danh mục của Cục NTBD nhưng hàng ngàn ca khúc đã được Sở Văn hóa - Thông tin (nay là Sở Văn hóa - Thể thao) TP HCM cấp phép biểu diễn và sản xuất trước đây vẫn được lưu hành hợp pháp. Tuy nhiên, vì không có trong danh mục bài hát cho phép của Cục NTBD nên các địa phương khác khi xét duyệt nội dung chương trình vẫn xem đó là bài hát chưa được phép phổ biến, như các chương trình biểu diễn nhạc Trịnh Công Sơn diễn ra ở nhiều địa phương trong thời gian qua. Điều này gây không ít khó khăn, nhiêu khê cho ca sĩ và đơn vị tổ chức chương trình.
Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam cho biết họ căn cứ cả danh mục ca khúc được phép phổ biến của Cục NTBD và cả của các sở để ký kết hợp đồng khai thác sử dụng và thu phí tác quyền cho các tác giả.
Theo một cán bộ của Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội, sở này từng bị nhắc nhở khi cấp phép biểu diễn cho chương trình của Chế Linh với lý do trong chương trình có những bài hát chưa được cấp phép phổ biến. “Kỳ thực là những bài hát đó đã được cấp phép rồi. Khi chúng tôi gửi quyết định cấp phép lên thì vấn đề được giải quyết. Có một thực tế là nhiều ca khúc đã được cấp phép nhưng Cục NTBD không cập nhật thông tin” - cán bộ này cho hay.
Hoang mang
Các nhà sản xuất băng đĩa nhạc và tổ chức biểu diễn tại TP HCM cho rằng tình trạng cấp phép rồi thu hồi, hủy bỏ, sửa đổi diễn ra những ngày gần đây của Cục NTBD ảnh hưởng rất lớn đến các chương trình đã thu âm, thu hình và phát hành của họ. Bà Trương Thị Thu Dung (Giám đốc Trung tâm băng nhạc Rạng Đông) nói: “Chúng tôi thật sự hoang mang. Làm sao có thể làm hồ sơ đi xin cấp phép lại cho hàng trăm ca khúc đã được phổ biến lâu nay của mình nếu muốn tiếp tục kinh doanh?”.
Theo các đơn vị này, những ca khúc đã từng được cấp phép trước đây từ các sở cần được tôn trọng bởi việc chối bỏ của Cục NTBD sẽ tạo ra sự phi lý và bất bình.
Ca sĩ Vi Thảo - một trong những nạn nhân của việc bị thu hồi album nhạc xưa vì có bài hát chưa được Cục NTBD cấp phép phổ biến- nói: “Một ca khúc mà cơ quan A cấp rồi cơ quan B cấm khiến cho người làm nghề thực sự hoang mang. Sự bất nhất trong cách làm việc của cơ quan quản lý như hiện nay chỉ khiến cho người trong giới nản chí mà thôi”.
Tại sao không chủ động cấp phép?
Nói về quy định cấp phép đối với các ca khúc trước 1975, một cán bộ của Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội cho rằng cơ quan quản lý là Cục NTBD cần chủ động cấp phép chứ không phải người ta xin thì mới cho. Những bài hát đã quá quen thuộc suốt hàng mấy chục năm qua như “Nối vòng tay lớn”, “Lên đàng”, “Tự nguyện”... đã trở thành những bài hát của nhân dân, Cục NTBD phải chủ động cấp phép chứ không phải làm máy móc, có xin thì mới cho như vậy. “Nếu không ai xin thì những bài hát này mãi mãi không được phép phổ biến sao? Tôi thấy Cục NTBD quá cứng nhắc và ôm đồm. Cứ bảo họ làm theo nghị định của Chính phủ nhưng nghị định này do Cục NTBD tham mưu soạn thảo chứ ai. Những gì bất cập với thực tế cuộc sống cần phải chỉnh sửa cho phù hợp” - chuyên viên này nêu ý kiến.
Một chuyên viên Phòng Nghệ thuật Sở Văn hóa - Thể thao TP HCM thắc mắc rằng tại sao Cục NTBD không chịu thừa nhận các ca khúc thuộc diện các sở cấp phép trước đây để bổ sung vào danh mục bài hát trước năm 1975 đã được cấp phép mặc dù Nghị định 79/2012/NĐ-CP ngày 5-10-2012 “Quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu” không có quy định nào phủ nhận tính pháp lý của những ca khúc này?
“Con đường xưa em đi” vẫn được hát?
Trên website chính thức của Cục NTBD, ở danh mục các bài hát sáng tác trước năm 1975 được cấp phép phổ biến, không xuất hiện bất cứ sáng tác nào đề tên nhạc sĩ Văn Cao. Tuy nhiên lại có tới 7 ca khúc là sáng tác của nhạc sĩ Văn Cao nhưng đề tác giả Văn Chung. Đó là các ca khúc: “Buồn tàn thu”, “Chiều buồn trên bến Bạch Đằng”, “Cung đàn xưa”, “Đàn chim Việt”, “Suối mơ”, “Thiên thai”, “Trương Chi”. Cả 7 ca khúc này được chú thích là “Quyết định cấp phép theo thông báo số 01, ngày 15-10-1989”. Nếu chiếu theo danh mục này thì quả thật nhạc sĩ Văn Cao chưa có sáng tác nào được phép lưu hành và phổ biến rộng rãi.
Một bất ngờ đáng nói là dù ca khúc “Con đường xưa em đi” và “Cánh thiệp đầu xuân” đã bị Cục NTBD quyết định cấm vĩnh viễn nhưng chiều 13-4, trên website của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, 2 ca khúc này vẫn tồn tại trong danh mục các bài hát, bản nhạc sáng tác trước năm 1975 của tác giả phía Nam và của tác giả là người Việt Nam định cư ở nước ngoài sáng tác được phép phổ biến. Tại cuộc họp báo ngày 12-4, ông Lê Minh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục NTBD, cho rằng danh sách ca khúc được lưu hành trên website của bộ là chính xác. Nếu đúng như vậy thì “Con đường xưa em đi” và “Cánh thiệp đầu xuân” vẫn được phép hát bình thường?
Bình luận (0)