Nơi mộ vua Lê Dụ Tông được tìm thấy tại vườn nhà ông Đỗ Văn Lương, làng Bái Trạch, xã Xuân Giang, huyện Thọ Xuân - Ảnh: Ngọc Minh
Về chốn cũ...
Xin được nhắc lại, ngay sau khi nhận được sự đồng thuận của các cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương, những người trong gia tộc họ Lê Việt Nam đã xây dựng kế hoạch, phối hợp với chính quyền địa phương để tổ chức lễ an táng cho nhà vua.
Sự việc tưởng chừng đã đến hồi kết, thì bất ngờ ngày 20-10-2009, 60 công dân xã Xuân Giang, huyện Thọ Xuân đã cùng nhau về gặp ông Phan Văn Hải - Thường trực tiếp công dân của Thanh tra Chính phủ, đồng thời khoảng 50 người khác kéo lên Huyện ủy Thọ Xuân để phản đối việc làm trên.
Đơn kiến nghị khẩn cấp gửi tới các cơ quan cấp cao của người dân xã Xuân Giang viết ngày 19-10 có nêu: Ngày 18-10-2009, đoàn công tác của UBND tỉnh Thanh Hóa do ông Vương Văn Việt - Phó chủ tịch UBND tỉnh dẫn đầu đã về làm việc với Đảng ủy, UBND xã Xuân Giang (đây là địa phương đã phát hiện thấy lăng mộ của vua Lê Dụ Tông vào năm 1958, sau đó khai quật cuối năm 1963 - đầu năm 1964 tại gia đình ông Đỗ Văn Lương, làng Bái Trạch).
Đoàn công tác khẳng định: Mộ vua Lê Dụ Tông thực tế nằm tại làng Bái Trạch, xã Xuân Giang, không phải nằm tại làng Bàn Thạch, xã Xuân Quang như các văn bản của tỉnh đã nêu.
Cán bộ xã Xuân Quang cũng thừa nhận mộ vua Lê Dụ Tông không nằm tại địa phương mình. Người dân biết có đoàn cán bộ về xã làm việc nên đã kéo rất đông đến UBND xã để nghe ngóng tình hình với mong muốn cơ quan chức năng sẽ có quyết định đúng với lịch sử và hợp lòng dân. Song, do không nhận được câu trả lời thỏa đáng nên bà con tiếp tục kéo nhau ra trung ương để phản đối ý định đưa thi hài vua Lê Dụ Tông về an táng tại xã Xuân Quang.
Trước tính chất phức tạp của vụ việc, ngày 23-10, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng mới có cuộc họp chính thức đầu tiên với các ngành liên quan về việc hoàn táng thi hài vua Lê Dụ Tông. |
Hiện nay, tại vườn nhà bà Đỗ Thị Kính (77 tuổi) là vợ ông Đỗ Văn Lương chủ phần đất phát hiện thấy mộ vua Lê Dụ Tông vẫn còn nguyên chiếc quách của nhà vua.
Bà Kính kể: “Khi ông nhà tôi đào hố rào vườn đụng phải ngôi mộ đã báo cáo lên chính quyền địa phương để có biện pháp xử lý. Tôi còn sống đây và tận mắt chứng kiến cảnh các ngành chức năng khai quật ngôi mộ đưa về Hà Nội bảo quản và nghiên cứu. Vậy mà sao các cấp chính quyền lại có ý định đưa thi hài người đi nơi khác hoàn táng? Nếu như đưa về khu di tích Lam Kinh hay để ở Hà Nội, chúng tôi không phản ứng. Nhưng đã gọi là hoàn táng thì phải đưa về đúng nơi cũ ngài nằm trước đây chứ! Tại sao lại đưa sang làng Bàn Thạch, xã Xuân Quang - cách nơi tìm thấy mộ vua 2 km?”.
Tiếp đó, ngày 3-10, UBND xã Xuân Giang đã có báo cáo số 50/BC-UBND gửi Ban Thường vụ Huyện ủy, Thường trực HĐND, UBND huyện đề nghị xem xét để có ý kiến gửi cơ quan chức năng cấp trên. Nếu hoàn táng thi hài vua Lê Dụ Tông về vị trí cũ thì phải là làng Bái Trạch, xã Xuân Giang.
Người dân xã Xuân Giang và bia đá khắc tên vua Lê Dụ Tông - Ảnh: Ngọc Minh
...hay nằm gần cháu Lê Hiển Tông?
Thế nhưng theo những người trong dòng tộc họ Lê thì đất Bái Trang xưa vốn bao gồm cả làng Bái Trạch (xã Xuân Giang) và làng Bàn Thạch (xã Xuân Quang) huyện Thọ Xuân. Sau khi chính quyền đô hộ của Pháp đào con kênh nông giang ở giữa làng mới chia đôi hai xã như ngày nay. Vả lại việc đưa về táng tại đất cũ sẽ khó khăn hơn nhiều so với địa điểm tại xã Xuân Quang, nơi có lăng mộ của vua Lê Hiển Tông và vua Lê Chiêu Thống (là cháu, chắt của vua Lê Dụ Tông). Nếu đưa về xã Xuân Giang thì sẽ tốn nhiều thời gian, công sức vì liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng...
Ông Lê Công Minh - Bí thư Huyện ủy Thọ Xuân cho rằng, đưa về Xuân Quang là phù hợp. Nhưng cũng theo ông Minh thì: “Mong muốn của nhân dân xã Xuân Giang cũng là đúng đắn thôi. Song, không phải làm cho xong tay mà còn phải tính đến yếu tố phát huy tác dụng, tính đến lâu dài”.
Ông Minh tỏ rõ quan điểm nên đưa về xã Xuân Quang để nhà vua được nằm gần cháu (Lê Hiển Tông) là rất đẹp. Còn nơi tìm thấy mộ thì xây dựng nơi thờ vọng. Nhưng chính quyền và nhân dân xã Xuân Giang lại cho rằng: Vấn đề lịch sử phải trả lại đúng vị trí. Quyết định cuối cùng là của Chính phủ nhưng không có lý gì Xuân Giang là nơi phát hiện mộ lại không được đưa về mà lại đưa về địa phương bên cạnh!
Quan điểm của chính quyền địa phương là lắng nghe và tôn trọng ý kiến của nhân dân. Trao đổi với báo chí, ông Trương Quốc Đỉnh - Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân cho biết: Trước đây đề xuất đưa về Xuân Quang là do địa phương này có thế đất rộng và có mộ vua Lê Hiển Tông và đã được quy hoạch thành cụm di tích.
Chiều ngày 19-10, huyện Thọ Xuân mới có cuộc họp chính thức đầu tiên giữa Thường trực Huyện ủy và UBND huyện bàn chọn nơi hoàn táng nhưng vẫn chưa ngã ngũ về địa điểm. Đến cuối giờ chiều ngày 29-10, UBND huyện Thọ Xuân vẫn chưa ký bất kỳ một văn bản nào về việc hoàn táng.
Nếu không có phương án tối ưu cùng với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng ở trung ương thì có thể trong năm nay, nhà vua vẫn không thể trở về quê cha đất tổ... Thi hài quân vương đã phải dời đi, dời lại nhiều lần vẫn chưa được mồ yên, mả đẹp. Càng tìm hiểu, chúng tôi lại càng thấy xót xa, thương cảm cho một vị hoàng đế của vương triều Lê rực rỡ trong lịch sử nước nhà.
Thanh Niên sẽ tiếp tục theo dõi và thông tin đến bạn đọc những diễn biến liên quan đến việc hoàn táng này.
Trên cơ sở đề nghị của Bộ VH-TT-DL và UBND tỉnh Thanh Hóa, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý việc đưa thi hài vua Lê Dụ Tông về hoàn táng tại Thanh Hóa, theo Cổng TTĐT Chính phủ. |
Bình luận (0)