xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hiện thân Tổ nghiệp: Không cầu danh lợi

Bài và ảnh: Thanh Hiệp

Những sáng tạo sáng chói trên sân khấu cải lương của họ luôn là bài học được hậu thế chiêm nghiệm, noi theo

Được xem là thần tượng của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng, “đệ nhất sân khấu cải lương” song cuộc đời của nghệ sĩ Năm Phỉ là một minh chứng “tài hoa bạc mệnh”. Còn NSND Ba Vân là một quái kiệt xuất chúng.

Cô đào không biết chữ

Lúc còn sống, NSND Bảy Nam thường nhắc tới thần tượng trong sự nghiệp nghệ thuật của bà - người chị quá cố - nghệ sĩ Năm Phỉ. Trong quyển hồi ký Trôi theo dòng đời của bà cũng như hồi ký đang được thực hiện của NSND Kim Cương, 1/3 câu chuyện đời của nghệ sĩ được gọi là “kỳ nữ” đã nhắc đến người mẹ thứ hai trong đời mình - nghệ sĩ Năm Phỉ.
 
 

img

Nghệ sĩ ngày xưa không cầu danh lợi từ Tổ nghiệp bằng lễ vật đắt tiền dâng lên trong ngày giỗ Tổ như nghệ sĩ ngày nay mà chỉ biết phụng sự
Tổ nghiệp bằng cách sống hết lòng cho nghệ thuật. Trong ảnh: Lễ vật heo quay của nghệ sĩ tại lễ giỗ Tổ ở Sân khấu Nụ Cười Mới trong ngày 15-9
img
Nghệ sĩ Năm Phỉ (Ảnh do gia đình nghệ sĩ cung cấp)

Được xem là hiện thân Tổ nghiệp sân khấu bởi bà là một cô đào tài sắc, bước ra sàn diễn luôn sáng đẹp lung linh. Tên thật của bà là Lê Thị Phỉ, sinh năm 1906, tại Mỹ Tho, nơi được xem là cái nôi của nghệ thuật cải lương. Cùng với Năm Phỉ, 3 người anh em khác trong gia đình như: Bảy Nam, Chín Bia, Mười Truyền đều trở thành những nghệ sĩ thành danh trong lĩnh vực cải lương và kịch nghệ.

NSND Kim Cương kể: “Ông ngoại tôi là người rất dị ứng với nghề hát, còn má Năm tôi thì năm 10 tuổi đã đam mê nghệ thuật. Ngăn cấm con không được, ông ngoại tôi xem như từ mặt má Năm. Thậm chí, ông cấm mọi người trong nhà không được nhắc tới tên Năm Phỉ. Thế nhưng, điều không thể chối cãi là chính sự say mê sân khấu cải lương của má Năm đã tác động trực tiếp đến má tôi - NSND Bảy Nam và các dì của tôi sau này. Dứt áo theo nghề hát khi chưa kịp học hết các con chữ, má Năm tôi chỉ biết ký mỗi cái tên. Bà là một cô đào không biết chữ nhưng đặc biệt được trời phú cho một trí nhớ phi phàm. Những lần tập tuồng, chỉ cần nghe bạn diễn đọc qua một lượt là bà thuộc ngay. Má Năm tôi theo gánh hát Nam Đồng Ban. Tại đây, bà đã kết duyên với nghệ sĩ Hai Giỏi, người chuyên đóng các vai kép chính. Ông Hai Giỏi sớm khẳng định được tài năng của mình trước bàn dân thiên hạ song ông lại là người đoản mệnh. Ông qua đời sớm không chỉ chấm dứt một sự nghiệp đầy hứa hẹn mà còn đẩy má Năm tôi vào cảnh góa bụa. Nhưng má Năm là người giàu nghị lực. Bà một mình tiếp tục con đường nghệ thuật đầy gian khó… Má Năm từng trổ tài xuất sắc các vai: Lý Ngọc Nương (vở Trà hoa nữ), Bàng Quý Phi (vở Xử án Bàng Quý Phi), Điêu Thuyền (vở Lã Bố hí Điêu Thuyền), Mộng Hoa (vở Mộng Hoa vương), Lan (vở Lan và Điệp)… Đặc biệt, riêng với vai Bàng Quý Phi, năm 1931, má Năm tôi đã nhận 4 huy chương nghệ thuật. Tôi học từ má Năm rất nhiều vai diễn, bà truyền dạy cho tôi nhiều bài học quý. Khi dựng vở Lá sầu riêng, tôi đã sáng tác dựa theo các tình huống, lớp diễn của má Năm đã diễn trong vở Lan và Điệp trước đó”.

Nghệ sĩ Năm Phỉ sớm qua đời vì bạo bệnh khi ở tuổi 48, để lại nỗi tiếc thương đau xót trong lòng bạn bè, người thân. “Danh cầm Chín Trích đã vừa đờn vừa khóc ròng rã mấy ngày liền rồi đập vỡ cây đàn, quyết không song hành cùng ai khác trên sân khấu” (trích lời kể lại của gia đình nghệ sĩ).

Quái kiệt - NSND Ba Vân

NSND Ba Vân (tên thật Lê Long Vân) sinh ra trong một gia đình khá giả ở làng An Bình Đông, xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Từ nhỏ, gia đình đã mời thầy về dạy nhạc, Ba Vân được học đánh trống, đàn tranh, đàn kìm... Mới 9 tuổi, ông đã đi hát cho các đám tiệc trong làng. Năm 12 tuổi, ông theo hẳn nghiệp diễn cùng gánh hát Kiều Vân Tiên. Đến năm 30 tuổi, tài năng của ông tỏa sáng lẫy lừng sau khi gia nhập gánh hát cải lương Đại Phước Cương, biến các vai phụ với đời sống lẽ ra rất ngắn trên sân khấu trở nên hiển hách, thành ngôi sao tỏa sáng. Khán giả bắt đầu gọi ông là quái kiệt từ đó.

Từ những bài vọng cổ đến các thể điệu Nam - Bắc - Oán, ông đều ca nổi trội. Ông là một trong ba nghệ sĩ: Hữu Phước, Ba Vân, Diệp Lang ca Nam đảo đặc sắc nhất. Những bản Phụng hoàng, Xàng xê, Mái ai, Ngựa ô Nam... đều được ông thể hiện rất ấn tượng.

Nói ông là hiện thân của Tổ nghiệp không sai vì khi ông xuất hiện trên sàn diễn, sân khấu bỗng rực sáng, mạch kịch bỗng hào hứng, sôi nổi. NSND Ngọc Giàu hồi tưởng: “Ông bước lên sân khấu tưởng chừng mang theo “từ trường” khiến không gian sàn diễn trở nên sinh động hơn. Giọng thoại của ông nghe rất lạ, chất giọng trong trẻo nhưng đậm tính chân quê. Ông diễn vừa tự nhiên vừa “thật” nên mỗi khi cất lên tiếng nói, lời ca, dù bất chợt không hề dụng ý vẫn đạt được sự thăng hoa”.

Mỗi vai dù lớn hay nhỏ, NSND Ba Vân đều nghiên cứu kỹ tâm lý, giai tầng, tình huống nhân vật tồn tại. Khi đã chuẩn bị bước ra sân khấu là ông hết sức nhập tâm, hóa thân vào nhân vật. Vai diễn để đời của ông là vai Phê (vở Khi người điên biết yêu, tác giả Trần Hữu Trang - Nguyễn Thành Châu - Lê Hoài Nở). NSƯT Nam Hùng kể: “Nếu vai Phê là vai điên kinh điển thì Tám Khỏe cũng tiêu hao nhiều năng lượng của NSND Ba Vân. Vai diễn này đã trở thành vai diễn để đời, đưa bài bản Ái tử kê (Gà mẹ thương con) đi vào huyền thoại sân khấu. Độc đáo của bài Ái tử kê qua ca diễn, sáng tạo của quái kiệt Ba Vân đã trở nên thông dụng trong một số vở diễn. Không chỉ ở các vai hài, tài năng của quái kiệt Ba Vân còn ở khả năng diễn xuất đa dạng, tài tình với các vai hề, lão, độc, văn, võ...”.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 18-9
Kỳ tới: Gương sáng đức độ

Ươm mầm tài năng

Nghệ sĩ Ba Vân không chỉ tỏa sáng trên sân khấu, ông còn miệt mài truyền đạt kinh nghiệm cho học trò để phụng sự nghiệp Tổ, không cầu danh lợi mà xác định đã ươm mầm thì tài năng phải lớn.

NSƯT Nam Hùng khẳng định: “Ông chính là bài học cho sự kiên nhẫn rèn luyện thế hệ nghệ sĩ trẻ sau này, trong đó có tôi”. Còn NSƯT Út Bạch Lan kể: “Khi tôi hóa trang vai già, chính thầy vẽ những nếp nhăn ở đuôi mắt cho tôi. Ông dạy đừng nên sợ xấu vì đã vào vai diễn thì phải đúng, phải thật”.

NSƯT Út Bạch Lan tâm sự mỗi khi đến ngày cúng Tổ hằng năm, mâm cơm dâng lên bàn thờ là những món ăn bà nấu dành riêng để cúng thầy: “Người thầy tôi tôn kính nhất trong đời chính là ông. Vì ông không chỉ dạy nghề mà còn dạy tôi đạo đức làm người”.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo