Nhiều nữ diễn viên sân khấu kịch Việt Nam nổi tiếng như Lê Khanh, Lan Hương, Thu Hà, Ái Như… cũng vật vã sống chết với nghề. Họ dám hy sinh nhiều thú vui, bước qua những cám dỗ vật chất đời thường, chỉ mong được dâng hiến và thăng hoa phiêu bồng trong từng vai diễn. Nhưng tôi chưa thấy ai đơn độc, cuồng tín, âm thầm khắc khoải, thậm chí nghiệt ngã với chính mình để bám theo con đường nghệ thuật. Tôi từng nói với Hoàng Yến: "Không biết tình yêu nghệ thuật của em có từ đâu mà nhiều đến thế!".
Như một con thiêu thân
Đối với Hoàng Yến, không phải là "đi" theo bởi không có con đường thênh thang trước mặt dành cho cô, chỉ có một mình vùng vẫy trong bóng tối với niềm tin không bị đời lãng quên, như một con thiêu thân hướng bay ra vùng ánh sáng.
Hoàng Yến hay tâm sự với tôi: "Biết đâu, đây sẽ là vai diễn cuối cùng của em". Bởi Hoàng Yến có vấn đề về sức khỏe và trời không phú cho cô cái nhan sắc một "đào thương" để công chúng có thể dễ dàng bỏ qua những khiếm khuyết nghệ thuật. Hơn 2 tháng trời đổ lên đổ xuống, hết giận dỗi, lại mâu thuẫn về các quan niệm nghệ thuật, có những lúc cả ê-kíp làm vở "Mê Đê" chỉ biết chua chát, thất vọng nhìn nhau trước nguy cơ tan đàn xẻ nghé. Khi Hoàng Yến chỉ vì niềm đam mê đã tự bỏ tiền túi, mời gọi cả diễn viên không chuyên tham gia vở diễn dự liên hoan sân khấu quốc tế thử nghiệm, tôi cảm thấy có cái gì hơi xót xa cho tài năng của cô.
NSƯT Hoàng Yến trong vở “Mê Đê”. (Ảnh do nghệ sĩ cung cấp)
Sau nhiều buổi tập ròng rã, mà tất cả xám đen mờ mịt không biết đường nào ra, tôi đã nói với Hoàng Yến: "Em điên vừa thôi. Để dành sức đến khi ra biểu diễn. Em cứ như con điên tập vở kiểu này, gục ngã ngay trên sân khấu thì sao". Hoàng Yến chỉ cười. Trong những lúc khó khăn nhất, cô vẫn luôn cố nở nụ cười: "Em đang phải thắp niềm tin cho nhiều bạn diễn. Hơn nữa, khi đã sống hết mình với nhân vật, em không có cách nào thoát ra". Nghe Yến nói, tôi vừa thương, vừa nhớ câu tâm đắc nhất của NSND Đoàn Dũng - một trưởng lão của sân khấu Việt Nam, nhất là với kịch cổ điển: "Người diễn viên sân khấu không diễn nhân vật mà sống trong nhân vật ".
Tôi không bất ngờ khi Hoàng Yến đoạt huy chương vàng, được chấm thang điểm cao nhất và ẵm luôn giải nghệ sĩ "Ngôi sao" duy nhất của các nhà hát Việt Nam tại Liên hoan Sân khấu quốc tế thử nghiệm Hà Nội 2016 (một trong 2 giải thưởng nghệ sĩ "Ngôi sao" của 18 đoàn Việt Nam và quốc tế tham dự). Các đoàn bạn là đại diện của những nền sân khấu phát triển đỉnh cao như Pháp, Đức, Đan Mạch, Nhật Bản, Trung Quốc... Không ảo tưởng, ngộ nhận trong ánh hào quang nhưng có một nam diễn viên nhà hát kịch Việt Nam cũng dự thi và đoạt huy chương vàng trong liên hoan này đã nói với tôi: "Sự thành công của Hoàng Yến và phong cách nghệ thuật cách tân của vở diễn "Mê Đê" cũng là cách cho người nước ngoài biết nền sân khấu của chúng ta đang đứng ở đâu".
Nghịch cảnh trớ trêu
Suốt mấy chục năm làm nghề, tôi chưa từng theo chân các đoàn đi lưu diễn hợp đồng bán vé. Quá lắm cũng chỉ là tâm trạng thấp thỏm lo âu, như người nông dân nhìn đất nhìn trời, khi có vở đang diễn tại sân khấu 5B hay Sân khấu Kịch Phú Nhuận. Cứ đến buổi chiều mà trời vần vũ đổ mưa là rầu rĩ lắm. Tôi cũng biết cảnh cơm ghe bè bạn, vất vưởng, long đong, hát đình hát miếu một thời của các gánh hát cải lương, hát bội khi không thể sáng đèn tại các điểm diễn trong TP. Nhưng đi cùng ê-kíp vở "Mê Đê" lưu diễn tỉnh xa là điều tôi không sao tưởng tượng nổi. Có đêm diễn tại Nhà Văn hóa tỉnh Long An chỉ loe ngoe hơn chục khán giả mà đa phần là trẻ con, ngồi chồm hổm trên những chiếc ghế sắt ngoài trời. Đêm diễn ở Vĩnh Long chỉ có mấy khán giả, trong khi bên dưới đang tiệc tùng đám cưới, ầm ầm nhạc nhẽo, karaoke. Các diễn viên chính như Hoàng Yến, Ngọc Ý Vân, Xuân Hồng… sau khi hóa trang biểu diễn, đã phải để nguyên son phấn chạy xuống đám cưới, toe toét, năn nỉ người ta ăn nhậu xong thì lên xem kịch. Năn nỉ một hồi cũng đành tiu nghỉu nhìn nhau vì chẳng có ai lên. Rồi một buổi chiều mùa hè, diễn viên phải còng lưng kê bàn biểu diễn ngay trong nhà ăn, tại nhà máy chuyên sản xuất giày ở Đồng Nai. Nóng nực, ngột ngạt, không âm thanh, ánh sáng, không micro, không dám mở quạt vì sợ tiếng ồn. Ai dè diễn chưa tới nửa vở thì đến giờ ăn toàn nhà máy, mấy trăm công nhân kéo nhau vào, vừa tranh thủ chuyện trò ăn uống, kéo bàn ghế sắt rầm rầm. Chính họ cũng ngơ ngác, không hiểu mấy ông bà nghệ sĩ kia đang diễn trò gì trên sân khấu.
Tôi tự hỏi thánh đường nghệ thuật là đây ư? Tâm huyết một đời làm nghệ thuật tử tế của các diễn viên, mà hầu hết là thầy cô đang đứng trên giảng đường trường đại học sân khấu - điện ảnh, lại rơi vào nghịch cảnh trớ trêu như thế này sao?
Hôm diễn trong góc nhà ăn ở Đồng Nai, còn có đoàn làm phim của Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật TP HCM. Khi trả lời phỏng vấn, được phát trong chương trình của HTV ngày 28-5 và 22-6, tôi đã phải rỉ tai Hoàng Yến: "Dẫu sao doanh nghiệp đã đồng hành, chân thành mời mình xuống đây biểu diễn. Thôi thì em cứ nói chúng tôi cũng đang đến một thánh đường sân khấu khác - thánh đường của những giọt mồ hôi người công nhân".
Tôi chưa bao giờ coi mình là kẻ môi mép nhưng trong hoàn cảnh như vậy, không lẽ lại oán trách những người công nhân, hay bắt họ phải từ bỏ bữa ăn để xem sân khấu?
Không có thánh đường sân khấu, không phải do công chúng quá thờ ơ, hay chính bản thân những người nghệ sĩ, cho dù họ cũng ít nhiều tự đánh mất ước mơ, để bươn chải mưu sinh trên các nẻo đường nghệ thuật.
Cánh chim không lẻ loi
Sở dĩ tôi nói Hoàng Yến là kẻ cuồng tín bởi cô không chấp nhận những vai diễn không đẩy cô đi đến tận cùng. Nghệ sĩ Việt Anh cũng từng nói với tôi: "Nội lực con nhỏ này ghê gớm lắm. Mấy diễn viên làng nhàng không sánh nổi đâu". Tôi không giấu Hoàng Yến, thoạt đầu tôi biên soạn mới tác phẩm "Mê Đê" là theo đơn đặt hàng của NSND Lê Khanh. Chẳng là một hôm, hai anh em ngồi quán cà phê bên hồ Hoàn Kiếm, Lê Khanh bảo tôi: "Anh cứ đi viết cho con nảo con nào, mà không đo ni đóng giày cho em gái một vai". Tôi hỏi: "Vậy em thích nhất loại vai nào?". Khanh nói ngay: "Em muốn mang đi thế giới vai diễn Mê Đê". Tôi viết xong, gửi cho Lê Khanh nhưng vì một số nguyên do trong nhà hát, Lê Khanh không làm được. Lê Khanh là người rất chu đáo, tế nhị, dù không dựng được cô vẫn gửi cho tôi một bao thư cảm ơn.
Còn Hoàng Yến như lên cơn cuồng sau khi đọc kịch bản. Nếu dùng đúng từ thì có thể nói cô đã vật vã, quằn quại suốt mấy tháng trời để thực hiện bằng được vai diễn này. Đến nỗi chồng cô - một vị giáo sư, bác sĩ nổi tiếng - đã nhiều lần quăng cuốn kịch bản ra khỏi phòng ngủ vì không muốn vợ mình phát điên. Vậy mà sau nhiều đêm xem vợ mình biểu diễn, nhất là hôm được thành phố vinh danh mời lên trao phần thưởng, ông bác sĩ chuyên về mổ xẻ lại say sưa nhảy lên sân khấu hát nghêu ngao và nói chưa bao giờ được vui đến thế. Dường như chính những người thân của nghệ sĩ đã phải hy sinh, chịu đựng quá nhiều nhưng trong lòng họ luôn tự hào vì có cả những đóng góp của mình cho những đỉnh cao nghệ thuật.
Hoàng Yến trong vở "Mê Đê"
Hoàng Yến - cánh chim không lẻ loi là vì thế. Bởi phía sau cánh gà sân khấu còn có đạo diễn Trần Ngọc Giàu đã tìm ra chìa khóa rất hay trong quá trình dàn dựng. Là những bạn diễn trung thành, đáng yêu của cô như Ngọc Ý Vân, Vũ Hữu Lợi, Xuân Hồng, Huy Thục, Phạm Hồng, Lý Kim Dung…; là Hằng, là Việt, họa sĩ Vân… và cả những đổ vỡ trong ngày đầu dựng vở, đã thôi thúc khát vọng sáng tạo, cùng siết chặt tay nhau vì một nền sân khấu tử tế.
Cần có quyết sách quản lý ở tầm vĩ mô
Tôi vẫn nghĩ ở những nước có nền văn minh kém phát triển, nói riêng trong lĩnh vực nghệ thuật, chúng ta luôn thiếu tự tin khi bước ra "biển lớn". Học hỏi nhưng tại sao chúng ta không hiểu và tự tin về mình? Tại sao chúng ta không có những quyết sách quản lý ở tầm vĩ mô, khoa học, bài bản để đầu tư, tài trợ cho bộ mặt văn hóa quốc gia? Tại sao cái gọi là "xã hội hóa" vẫn ơ hờ mặc định đầy cảm tính chủ quan, không phải là sự chung tay của toàn xã hội, huy động các nguồn lực xã hội để phát triển văn hóa, nghệ thuật?
(*) Xem Báo Người Lao Động số chủ nhật từ ngày 21-5
Bình luận (0)