1. Tôi không dùng từ "cố" với anh, bởi có cảm giác nụ cười hiền hậu của anh vẫn phảng phất đâu đây trong thế giới này. Ngày anh mất, có báo đặt tôi viết bài về anh. Tôi nói với họ: "Riêng với Thanh Tòng, tôi chỉ muốn viết tặng anh ấy bài thơ". Bài thơ "Chia tay nhé" sau được in trên báo, với những câu: "… Sài Gòn đang mưa đấy, Thanh Tòng/ Nhớ những chiều xưa anh em mình hay ngồi uống bia/ Chỉ nói với nhau về nghề không một câu tiền bạc…".
Ai cũng tưởng Thanh Tòng không biết bia rượu. Nhưng ngày đó, đâu cứ khoảng mươi ngày, khi thì anh đến một mình, khi đi cùng chị Nhung, vợ anh, đến bấm chuông và chúng tôi lại kéo nhau ra quán cóc, bên góc đường Ngô Thì Nhiệm lai rai một vài chai bia. Câu chuyện loanh quanh chỉ nói về nghề và nỗi đau đáu của anh khi sân khấu tuồng cổ cải lương đang trên đà sa sút. Giống như cố đạo diễn Nguyễn Đình Nghi, anh yêu nghề đến mức, ngoài những câu chuyện buồn vui sân khấu, anh cứ ngồi tròn mắt ngớ ra, hồn nhiên như đứa trẻ.
NSND Thanh Tòng trong trang phục cải lương tuồng cổ Ảnh: THANH HIỆP
Đó là khoảng thời gian 10 năm đầu chúng tôi cộng tác với nhau làm Giải thưởng Trần Hữu Trang cho sân khấu cải lương. Tôi lo các công việc tổ chức giải, còn Thanh Tòng vừa trong tổ đạo diễn vừa là thành viên hội đồng tuyển chọn. Cùng với các NSND Huỳnh Nga, Diệp Lang, Bạch Tuyết, Thanh Vy… trong tổ đạo diễn, anh luôn say sưa, sống hết mình với tiết mục của các em diễn viên tham dự giải. Đến khi bước ra hội đồng tuyển chọn thì công minh, sáng suốt, không phân biệt diễn viên thành phố hay các đoàn tỉnh, không có khái niệm "gà nhà", để chọn ra những gương mặt vàng cho sân khấu cải lương lúc bấy giờ. Sự đánh giá của hội đồng tuyển chọn và hội đồng báo chí, hội đồng khán giả thường đưa ra mẫu số chung tuyệt đối. Thành công rực rỡ của Giải thưởng Trần Hữu Trang trong 10 năm đầu, như một dấu son không thể xóa mờ trên sân khấu cải lương miền Nam, sau năm 1975. Hơn ai hết, các nghệ sĩ Huỳnh Nga, Diệp Lang, Bạch Tuyết, Thanh Tòng, Thanh Vy… cần được trao giải thưởng cống hiến về phát triển nghệ thuật dân tộc.
Tuy nhiên, Thanh Tòng có một lần chấm rất "bậy " trước ống kính truyền hình trực tiếp, tại sân khấu Nhà hát Hòa Bình. Chẳng là diễn viên nào dự giải anh cũng xăng xái lo như con nhưng đến con gái mình thì anh... bỏ mặc. Anh thì thào bảo tôi: "Bạn ơi, đêm nay con bé Quế Trân thi, bạn cho tôi bỏ chấm". Tôi giãy nảy: "Anh buồn cười. Làm như thế mới là đem cái cá nhân của mình áp đặt lên bọn trẻ. Nếu con anh xứng đáng thì anh cứ chấm cho nó".
Sau trích đoạn biểu diễn và bốc thăm trả lời phần thi kiến thức sân khấu, các thành viên hội đồng giám khảo đều cho Quế Trân điểm tuyệt đối, riêng Thanh Tòng giơ lên bảng điểm 8. Rồi cứ thế anh ôm mặt khóc rưng rức trước ống kính truyền hình. Cả khán phòng hơn 2.000 người ngơ ngác nhìn anh, rồi xúc động vỗ tay ầm ầm. Họ thấu hiểu tấm lòng, sự nghiêm khắc của một người cha đối với con và thấy ở anh nhân cách lớn của một người nghệ sĩ. Sau này, anh tâm sự với tôi: "Mong bạn thông cảm. Nhìn Quế Trân trưởng thành, mình không sao kìm được cảm xúc nhưng mình không muốn nó chủ quan, tự mãn". Tôi im lặng. Dường như chưa kịp nói với anh, đó là nét đẹp của một thời mà chúng tôi chỉ biết sống và lãng đãng hồn bướm mơ tiên trong nghệ thuật.
Năm đó, Giải thưởng Trần Hữu Trang đã trao 2 huy chương vàng cho Quế Trân, Hữu Quốc. Tôi nghĩ, đó là 2 tấm huy chương vàng thật sự xứng đáng trong việc phát hiện tài năng trẻ của sân khấu cải lương. Tiếc rằng, sân khấu cải lương một thời đang trôi dần về quá khứ.
2. Công chúng đã biết nhiều về cuộc đời và sự nghiệp của một người nổi tiếng như NSND Thanh Tòng qua báo chí, chỉ cần nhấp chuột là có đầy đủ mọi thông tin. Nhưng đời nghệ sĩ và những vật vã, trăn trở trên con đường đi đến hoài bão lý tưởng của một người làm nghề tâm huyết như Thanh Tòng thì không phải ai cũng biết. Thanh Tòng hay bức xúc tâm sự với riêng tôi khi bị một số người kỳ thị, coi nghệ thuật của đoàn cải lương tuồng cổ Minh Tơ như một sản phẩm lai căng cải lương tuồng Tàu. Dường như anh mặc cảm vì không đủ lý luận và không thể vượt qua những định kiến thời cuộc, để bảo vệ di sản của cả dòng họ và bản thân anh cho một hướng đi khác trên sân khấu cải lương. Đó cũng là sự thiếu hụt lớn nhất về hệ thống nghiên cứu lý luận cho sân khấu cải lương miền Nam. Giờ người ta càng ít khi nhắc đến nó, nghiên cứu một cách bài bản về nó, thay vì đua nhau tìm kiếm những danh hiệu viển vông về các giá trị di sản.
3. Tôi quý Thanh Tòng, trước hết vì anh luôn nhân hậu với đời và những con đường anh đã đi qua. Tôi chưa từng nghe anh nói xấu ai, mọi ưu phiền đối với anh chỉ là do sức khỏe. Tại đại hội Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam gần nhất, tôi đã phải đỡ anh cắn răng tập tễnh từ nhà vệ sinh lên các bậc thềm Nhà hát Lớn Hà Nội. Tôi bảo: "Anh đau thế, ra đây làm gì". Anh nói ngay: "Không còn nhiều cơ hội đâu. Mình phải ráng đi chơi với anh em. Vui mà bạn". Giống như nhiều lần anh than thở vì bệnh đau khớp, bước đi không nổi, nhưng nhoáng một cái lại thấy anh xuất hiện trong các chương trình mà người ta mời anh đi diễn. Lại thấy một Thanh Tòng khác, cháy hết mình, thoăn thoắt múa may hóa thân trong các nhân vật.
Tôi giận Thanh Tòng vì lâu lâu tôi điện thoại hỏi anh đang ở đâu, anh đều nói ở tuốt trên Hóc Môn. Đến khi anh mất, đọc thông tin trên báo, tôi mới biết hơn một năm anh chuyển về ngay sát nhà tôi. Anh đã lẩn tránh tôi, như nhiều nghệ sĩ tự trọng là người của công chúng, không muốn ai bắt gặp mình trong hình hài tàn tạ.
Hôm thứ hai sau ngày anh mất, từ sáng sớm vợ chồng tôi qua viếng anh. Tôi đọc bài thơ "Chia tay nhé" trước bài vị của anh. Bỗng một con bướm đen rất to bay vào, lượn lờ trên nắp quan tài. Tôi nói với Quế Trân: "Ba con rởm đời, ông ấy sợ xấu với ai, tại sao về ở đây lại giấu chú. Đáng ra còn có thể trò chuyện với nhau. Đấy, chú mới mắng có một câu, ông ấy đã lảng vảng về kìa". Quế Trân cũng bảo: "Lạ quá chú ơi. Mấy bữa nay không có, liệu con bướm có phải là ba con?’’. Sau coi nhiều hình post trên mạng, cũng thấy có con bướm đen to đậu giữa trán, ngay trên đầu Quế Trân trong giờ đưa tang.
Tôi không kể lại câu chuyện khá hy hữu để truyền bá mê tín dị đoan, chỉ lờ mờ cảm thấy những ai thật lòng yêu thế giới này, họ sẽ lưu luyến mãi không muốn rời xa. Giờ đây, sáng sáng đi tập qua căn nhà anh luôn cửa đóng then cài, tôi vẫn thấy đâu đây thấp thoáng bóng dáng Thanh Tòng, như một thời anh rạng rỡ cười tươi cùng "Câu thơ yên ngựa" (một tác phẩm của đạo diễn Thanh Tòng).
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 21-5
Bình luận (0)