Sự tự trọng của một người viết chân chính, tâm hồn thanh sạch của một công dân vốn dị ứng với các biểu hiện thiếu lành mạnh làm vấy bẩn môi trường văn hóa đã khiến nhiều bạn đọc cùng có cái nhìn tương tự về các trang viết nhầy nhụa, đọc đến rùng mình của tác giả Sợi xích.
Như một phản xạ từ ý thức bảo vệ môi trường sống quanh mình, công chúng quyết liệt bày tỏ thái độ ngạc nhiên và phẫn nộ trước sự hiện diện của một sản phẩm vừa tầm phào vừa làm uế tạp không gian văn hóa mà cả xã hội đang ra sức gìn giữ.
Cảm giác bị sỉ nhục từ phía công chúng có lẽ bắt nguồn từ nỗi ngạc nhiên: Vì sao một sản phẩm dị dạng như thế vẫn nghiễm nhiên xuất hiện trên thị trường sách, lại còn được phép quảng bá rầm rộ với đủ chiêu tiếp thị rình rang?
Mặt bằng văn hóa đọc của công chúng VN xuống thấp đến mức độ như vậy hay các nhà quản lý xuất bản không đủ trình độ, năng lực, ý thức và cả tấm lòng để nhận ra chất dung tục bậy bạ của Sợi xích nhằm ngăn chặn nó từ khi còn nằm trên bản thảo?
Một trong những tấm ảnh của Lê Kiều Như in trong Sợi xích và trang cuối của cuốn sách
Lẽ nào những người có trách nhiệm thẩm định Sợi xích trước khi đưa nó vào kế hoạch xuất bản và cấp phép cho nó hiện diện trên các quầy sách không nhìn thấy đây chỉ là một sản phẩm ba xu chỉ nhằm phục vụ việc “đánh bóng” tên tuổi bằng thứ văn chương huỵch toẹt chuyện phòng the.
Chính tác giả Lê Kiều Như, khi trao đổi với phóng viên Báo VietnamNet, từng thừa nhận mình phải tìm sự nổi tiếng qua các thủ pháp liên quan đến sex dựa trên bí quyết “có cởi đồ ra người ta mới biết đến mình”.
Ý đồ này hiện rõ không chỉ trong gần 200 trang viết mà còn lồ lộ trong hơn 10 bức ảnh kèm theo của chính tác giả chụp trong đủ tư thế khêu gợi. Xin các nhà biên tập, xuất bản chỉ giúp chất văn chương nằm ở đâu trong cái sản phẩm pha tạp kệch cỡm, lố bịch này!
Cho nên, hơn cả sự sỉ nhục, sự xuất hiện đường đường chính chính của Sợi xích trở thành nỗi thách thức nhức buốt với công chúng, những người có lương tri ngày đêm thao thức với chuyện làm sao bảo tồn các giá trị văn hóa đúng nghĩa, xây dựng môi trường lành mạnh trong đời sống tinh thần của các thế hệ - đặc biệt là lớp trẻ - qua các trang sách.
Nỗi thách thức đó có bóng dáng cái buồn mà mấy chục năm trước, thi sĩ Nguyễn Bính đã chỉ ra trong mấy câu “Trọc phú ti toe bàn thế sự/Đĩ già tập tễnh nói văn chương...”.
Công chúng chờ đợi những người quản lý, chịu trách nhiệm việc xuất bản cuốn sách này lên tiếng về suy nghĩ và hành động của mình khi tiếp tay cho Sợi xích ra đời.
Chiêu đánh bóng tên tuổi rẻ tiền ! (Trích ý kiến bạn đọc) “Văn chương hiện đại ngày nay có quyền và thừa điều kiện để khai thác về mọi loại đề tài, bao gồm cả sex. Nhưng xin những “nhà văn” kiểu như Lê Kiều Như nhớ cho, cái cốt lõi trong văn, hoặc là nghệ thuật kể, tạo tình huống, tạo nút thắt và cởi nút, dẫn dắt người đọc theo câu chuyện, hoặc là dựa trên nền câu chuyện để miêu tả đặc thù diễn biến tâm lý con người (theo phong cách của Murakami- dựa trên sex nhưng không thuần là sex). (Dương...) “Đọc những lời trả lời phỏng vấn của Lê Kiều Như trên các báo điện tử, tôi thấy cô này cạn nghĩ quá và cũng thắc mắc là đã học hết THPT chưa? (Nguyễn Thị Loan) “Tôi cũng là người viết. Mỗi khi cho ra đời một đứa con tinh thần, người sáng tác phải đầu tư chất xám, cảm xúc và vốn sống rất nhiều. Riêng cô ca sĩ trẻ này, cứ “hứng” lên là... cởi, “hứng” lên là... kể chuyện sex. Phải chăng một chiêu PR rẻ tiền để thiên hạ để ý đến mình? Không phải cứ dùng chiêu PR bằng sex là độc giả đón nhận được...”. (Bùi Trường Trí) |
Bình luận (0)