Trong khuôn khổ Festival Cồng chiêng Quốc tế Tây Nguyên năm 2009 (chính thức khai mạc tại TP Pleiku, Gia Lai tối 12-11), tiết mục tái hiện Lễ Bỏ mả của đồng bào dân tộc Raglai, tỉnh Ninh Thuận trong buổi trình diễn cồng chiêng tại Khu Du lịch sinh thái Về Nguồn - TP Pleiku vào sáng 13-11 đã tạo nên sự chú ý đặc biệt bởi không chỉ có các nghệ nhân tham gia biểu diễn mà còn có sự góp mặt của các nhạc công “nhí”.
Đội cồng chiêng “nhí” say sưa gõ cồng chiêng trong tiết mục Lễ Bỏ mả của đồng bào dân tộc Raglai
Dưới nắng trưa gay gắt, Katơr Duyệt vẫn đánh chiêng say sưa, đầy khí thế dù mồ hôi ướt đẫm trên trán. Khuôn mặt Katơr Duyệt có phần căng thẳng, mãi sau em mới chịu tiết lộ “vì run và mắc cỡ quá” do đây là lần đầu tiên tham gia biểu diễn tại một lễ hội lớn như festival này.
Duyệt 12 tuổi, hiền lành và rụt rè, ai hỏi gì em cũng chỉ cười lỏn lẻn, trả lời nhát gừng. Em và những nhạc công “nhí” thuộc dòng họ Katơr như Katơr Thoan, Katơr Bình, Katơr Nuôn và Patau Asah Ngâm có mặt tại buổi trình diễn cồng chiêng sáng 13-11 là những thành viên trong đội cồng chiêng được rèn từ “lò” đào tạo của tỉnh Ninh Thuận. Các em học văn hóa vào ban ngày, buổi tối tham gia lớp đào tạo. Katơr Thoan, đang học lớp 7 Trường Tiểu học Lê Lợi (xã Phước Thắng, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận), theo học tại “lò” từ lúc 5 tuổi, đến nay đã thành thạo các điệu múa, điệu nhảy của dân tộc mình. Thoan cho biết em rất thích được đi biểu diễn. Nghệ nhân Pi Năng Thính (Đoàn Nghệ thuật Mã La, Ninh Thuận) nói người già trong pa-lây (buôn làng) luôn ủng hộ thế hệ cháu con theo học các khóa đào tạo, các nhạc công “nhí” cũng được tham gia Lễ Bỏ mả, mừng lúa mới của pa-lây.
Ông Hồ Hoài Sơn, Trưởng Phòng Nghiệp vụ Văn hóa tỉnh Ninh Thuận, cho biết tỉnh đã chú trọng đào tạo các em thiếu nhi học âm nhạc, nhạc cụ truyền thống, đặc biệt là học cách đánh Mã La - một nhạc cụ độc đáo, chỉ dân tộc Raglai mới có. Đối với người Raglai, Mã La (còn gọi là Char, một loại chiêng có núm) là bảo vật vô giá. Đây là nhạc cụ thiêng do tổ tiên để lại, luôn được đặt ở nơi trang trọng nhất trong nhà sàn. Mã La thường được dùng trong các lễ hội truyền thống của người Raglai. Tuy nhiên, cũng như nhiều nhạc cụ gõ bằng đồng của Tây Nguyên, Mã La cũng đang trong tình trạng thất lạc, suy tàn dần. Vì vậy, việc bảo tồn cũng như đào tạo đội ngũ kế thừa sử dụng nhạc cụ quý này là điều cấp bách.
Chính quyền địa phương đã cử cán bộ xuống từng pa-lây để vận động đồng bào dân tộc cho con em theo học nhạc cụ dân tộc tại các lớp buổi tối. Đội cồng chiêng “nhí” của Raglai đến nay có hơn 10 thành viên, sẵn sàng tham gia các lễ hội truyền thống trong buôn làng, cũng như dự các liên hoan, lễ hội về cồng chiêng. “Dù vậy, nhiều em đăng ký nhưng lại bỏ lớp vào rừng vì mưu sinh. Đó là một vấn đề nan giải trong việc duy trì giá trị văn hóa truyền thống - niềm tự hào của dân tộc Raglai” - ông Hồ Hoài Sơn ưu tư, nói.
Trong khi đa phần thành viên của các đoàn nghệ nhân đến từ các dân tộc thiểu số có cồng chiêng là các già làng, những người lớn tuổi thì sự xuất hiện của đội cồng chiêng “nhí” Raglai đã góp phần tạo nên sức sống mới, một mầm kỳ vọng về việc bảo tồn, phát triển và kế thừa văn hóa cồng chiêng.
Gắng giữ không gian nguyên sơ
|
Bình luận (0)