Festival Cồng chiêng Quốc tế Tây Nguyên 2009 đã chính thức khép lại vào tối qua, 15-11, bằng lễ bế mạc, mang chủ đề Cồng chiêng Tây Nguyên và thông điệp đoàn kết các dân tộc.
Cồng chiêng vang lên khắp nơi trên phố núi trong suốt 4 ngày diễn ra lễ hội, nhưng tiếc là chưa đủ sức làm nên một không gian văn hóa của kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể. Bởi tiếng cồng tiếng chiêng đã thoát ra khỏi không gian thật sự của buôn làng.
Vắng bóng khán giả du khách
Ngoại trừ hai đêm khai mạc và bế mạc, những buổi trình diễn cồng chiêng, chỉnh chiêng trong lễ hội không có nhiều người đến thưởng thức, dù các điểm diễn rất gần trung tâm TP Pleiku. Ngay cả lễ mừng lúa mới tổ chức vào ngày chủ nhật cũng không lôi kéo được công chúng đến xem.
Khán giả của những buổi trình diễn không quá 200 người, còn chủ yếu là người của ban tổ chức và các đoàn nghệ nhân đến biểu diễn. Ở đâu cũng chỉ có cánh... báo chí là nhiệt tình hết mức!
Đêm dạ hội cồng chiêng tổ chức ở Công viên Văn hóa Đồng Xanh vào tối 14-11 cứ ngỡ sẽ thu hút đông đảo khán giả đến xem. Nhưng rồi cũng chỉ có “lực lượng hùng hậu” là các đoàn nghệ nhân. Chỉ duy nhất lễ hội đâm trâu là thu hút được đông đảo người dân đến từ các huyện của tỉnh Gia Lai. Du khách chỉ có thể lên đến hàng chục, bởi Pleiku những ngày diễn ra lễ hội không còn trống phòng khách sạn. Tất cả khách sạn đều được dành bố trí chỗ ăn ở cho khách mời.
Duy nhất lễ hội đâm trâu là có đông khán giả
Khách mời của ban tổ chức đã lên đến con số hơn 3.000 người gồm đại biểu và các đoàn nghệ nhân trong và ngoài nước. “Du khách” đến hội làng nghề tiểu thủ công nghiệp, hội chợ thương mại và khu vui chơi trước Quảng trường 17 -3 vào những tối không có hoạt động biểu diễn cũng chỉ là diễn viên, nghệ nhân của các đoàn tỉnh bạn.
Có vẻ festival cồng chiêng quốc tế lần này chỉ tổ chức cho các nghệ nhân diễn giao lưu với nhau. Lịch trình diễn cồng chiêng, các lễ hội phục dựng cùng các hoạt động trong khuôn khổ festival được sắp xếp dày đặc trong cùng một thời điểm. Các đoàn nghệ nhân được phân công diễn luân phiên. Đôi khi buổi trình diễn cồng chiêng trở thành “đày ải” khi nghệ nhân phải diễn dưới cái nắng gay gắt đến cháy da, nhưng khán giả chỉ loe ngoe vài người thuộc... ban tổ chức.
Vẫn chỉ “diễn” là chính
Những tiết mục trình diễn cồng chiêng cũng không thấy đâu cái hồn của Tây Nguyên khi hầu hết các tiết mục đều mang chất “diễn”. Chỉ duy nhất lễ mừng lúa mới là tự nhiên, đậm đà bản sắc hơn cả. Các đoàn nghệ nhân đến từ các dân tộc có cồng chiêng vốn dĩ là các đơn vị nghệ thuật của tỉnh và tham gia festival bằng những tiết mục “diễn” là chủ yếu.
Đoàn nào diễn xong thì về. Linh hồn của cồng chiêng chỉ phảng phất thấp thoáng trong những điệu nhảy, tiếng hú hét thể hiện được chút ít hồn thiêng núi rừng của các nghệ nhân đến từ các buôn làng.
Lễ khai mạc festival cồng chiêng quốc tế ít nhiều làm nức lòng hàng triệu khán giả cả nước, khi bức tranh tổng hòa về đời sống của đồng bào Tây Nguyên được tái hiện trong không khí hoành tráng, hào hùng. Tuy vậy, vẫn phải nhìn nhận rằng chương trình đã quá lạm dụng những tiết mục đồng diễn khiến cho nhiều tiết mục đông đúc diễn viên nhưng không thật sự tạo nên bản sắc.
Gương mặt các diễn viên tham gia đồng diễn – vốn là lực lượng được dàn trải đến rất gần khán giả - cũng không có lấy một nụ cười, kiểu “diễn ép buộc” đã làm cho đêm hội Tây Nguyên mất đi một phần ý nghĩa. Ở lễ hội đâm trâu phục dựng cũng vậy. Lễ hội mừng chiến thắng với niềm vui của cả buôn làng nhưng khuôn mặt các thiếu nữ trong vòng xoang “lạnh tanh” và nhăn nhó khi phải biểu diễn trong cái nắng gay gắt.
Chưa kể, “tính hiện đại” cũng góp phần làm mất “hồn chiêng”. Tại lễ đâm trâu, nhiều người đã không nhịn được cười khi có nghệ nhân trong trang phục đóng khố gõ cồng chiêng nhưng lại làm... rớt điện thoại di động. Các thiếu nữ dân tộc má đỏ môi hồng, mặc trang phục truyền thống với... giày cao gót. Còn lễ bế mạc thì không hơn một chương trình ca múa nhạc tổng hợp. Có vẻ như tất cả ý tưởng và sức lực đã dồn hết vào chương trình khai mạc.
Giữ không gian cho cồng chiêng Sự thay đổi về môi trường, cũng như điều kiện sống của đồng bào dân tộc trong hàng trăm năm qua đã ảnh hưởng rất nhiều đến không gian văn hóa cồng chiêng. Festival cồng chiêng quốc tế cũng chỉ là dịp để khơi dậy sức sống của núi rừng, nhưng những tinh hoa của giá trị văn hóa truyền thống vẫn không được hội tụ trong không gian cần có của nó. |
Bình luận (0)