Vậy là đã 50 năm, kể từ ngày cô bé Hương Lan được cha, cố nghệ sĩ Hữu Phước dẫn đến nhờ nhạc sĩ Châu Kỳ dìu dắt trong những bước đi đầu tiên trên con đường nghệ thuật. Ơn đời một khúc dân ca là chủ đề live show mà ca sĩ Hương Lan muốn mang đến công chúng yêu mến chị trong ba đêm diễn được tổ chức tại TPHCM trên Sân khấu ca nhạc Cầu Vồng, 126 Cách Mạng Tháng Tám vào tối 9-4 và tại Nhà hát Bến Thành TPHCM vào tối 10, 13-4. một chương trình mà theo chị là để “tri ân công chúng đã yêu mến Hương Lan từ sân khấu cổ nhạc đến tân nhạc”.
Vẫn thanh khiết một phong cách
Đạo diễn Trần Ngọc Giàu cho biết anh có nhiều cảm hứng khi nhận được lời mời của Sân khấu Nụ cười mới, đơn vị đứng ra tổ chức live show cho ca sĩ Hương Lan, bởi “ngoài trách nhiệm là một đạo diễn của chương trình, tôi còn là một khán giả hâm mộ chị. Tiếng hát Hương Lan luôn mang lại sự thanh bình, yên lành cho những ai yêu dân ca, yêu âm nhạc ngũ cung ”.
Điều này cũng đã minh chứng cho sự tồn tại lâu bền của giọng ca Hương Lan suốt 50 năm qua. Trong khi có khá nhiều ca sĩ của dòng nhạc này phải loay hoay tìm kiếm lối đi mới thì Hương Lan vẫn thong dong, vững chãi gửi gắm tâm tình của mình qua nhiều ca khúc dân ca, âm hưởng dân ca bằng phong cách mộc mạc, thuần khiết. Lý giải về tên gọi của chủ đề chương trình, chị cho biết: “Tôi là ca sĩ thành danh từ cổ nhạc và dân ca. Tôi thừa hưởng từ ba tôi tình yêu âm nhạc dân tộc. Tôi được học tân nhạc (nhạc âm hưởng dân ca) từ nhạc sĩ Châu Kỳ và học ca vọng cổ từ nghệ sĩ Ngọc Giàu, nghệ sĩ Út Bạch Lan... Âm nhạc ngũ cung đã ngấm vào tâm hồn tôi từ thuở còn thơ (chị được mệnh danh là “thần đồng Hương Lan” - PV). Và tôi cảm thấy mình còn nợ cuộc đời quá nhiều”.
Sống trọn đạo với nghề
Ở chương trình live show lần đầu tổ chức trong nước, Hương Lan đã chọn 16 ca khúc để thể hiện, những bài hát mang nhiều nỗi niềm của một người con xa xứ luôn hướng về quê mẹ. Mỗi bài hát gắn với tên chị là một kỷ niệm đong đầy những tâm tư, đôi lúc khiến chị phải rơi nước mắt mỗi khi liên tưởng đến bản thân mình. Những ca khúc mà khán giả chỉ thoáng nghe giai điệu đã chợt nghĩ đến Hương Lan, như: Còn thương rau đắng mọc sau hè, Dạ cổ hoài lang, Đêm nghe bài vọng cổ, Ai ra xứ Huế, Hoa mười giờ, Anh về kẻo mưa, Chín đợi mười thương...
Một live show trong nước của Hương Lan mà thiếu phần cổ nhạc, cải lương là một điều thiếu sót rất lớn. Từ ý tưởng dàn dựng mới lạ của đạo diễn Trần Ngọc Giàu, chị đã chọn hai trích đoạn tiêu biểu đã được khán giả yêu mến khi nhắc đến một Hương Lan trên sàn diễn cải lương: Trích đoạn Lan và Điệp của soạn giả Loan Thảo (vai Lan) cùng với NSƯT Ngọc Giàu, nghệ sĩ Trọng Phúc và trích đoạn Võ Tắc Thiên (vai Thái Bình công chúa) của tác giả Bạch Mai với phần phụ diễn của NSƯT Thoại Mỹ”.
NSƯT Ngọc Giàu tâm sự: “Tôi dõi theo từng bước trưởng thành của Hương Lan từ những năm còn bé. Hương Lan sống hiếu thảo, biết kính trên nhường dưới nên rất được lòng đồng nghiệp. Điều quan trọng là Lan luôn học hỏi để làm giàu nghề nghiệp. Tôi quý Hương Lan vì cảm xúc chân thật của cô và là một ca sĩ sống trọn đạo với nghề”.
Riêng với Hương Lan, chị chỉ mong khán giả đến với chương trình để cùng chia sẻ cảm xúc với chị.
Cha và con trên sân khấu Đạo diễn Trần Ngọc Giàu cho biết MC của chương trình chính là danh hài Hoài Linh và diễn viên trẻ Văn Long. Hoài Linh sẽ hóa thân vào nhiều nhân vật, xuất hiện trong một bức tranh tổng thể của chương trình. Lúc là một ông già Nam Bộ, lúc là một bà thím khó tính của miền Trung, lúc là một anh xích lô bình dân yêu tiếng hát Hương Lan. 16 ca khúc Hương Lan trình diễn sẽ có 16 câu chuyện kể minh họa, bằng hình tượng sân khấu, do đạo diễn NSƯT Trần Ngọc Giàu dàn dựng và diễn viên sân khấu Nụ cười mới thể hiện. Nhóm Mặt trời đỏ sẽ sử dụng nhạc cụ dân tộc để đệm cho ca sĩ Hương Lan trong một vài ca khúc, còn lại âm nhạc sử dụng phần phối âm mới. Khách mời của đêm diễn còn có ca sĩ Quang Linh.
|
Bình luận (0)