Trên đường sách TP HCM, sân khấu được dựng lên trước cửa quán Đẹp Café. Bên cạnh những hàng ghế khán giả là triển lãm áo dài của nhà thiết kế Trịnh Hoàng Diệu và triển lãm ảnh, tượng các cuốn sách viết về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Ca sĩ - nhạc sĩ Thanh Bùi cũng có mặt tại hàng ghế khán giả trên đường sách
Khán giả ngồi kín đường sách, đón chờ sự xuất hiện của tiếng hát đặc biệt của Trịnh Vĩnh Trinh - em gái cố nhạc sĩ. Ca sĩ Đức Tuấn khiến khán giả lặng đi trong ca khúc Xin cho tôi và sau đó lại sôi nổi vỗ tay hát cùng Nối vòng tay lớn, nhóm Soul Club thiết tha Hãy yêu nhau đi, saxophonist An Trần - con gái của nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn lắng đọng với bản Diễm xưa mang lại những dư âm đặc biệt cho khán giả.
Trong gần 500 ca khúc nhạc Trịnh, bất cứ khán thính giả nào cũng có thể bắt gặp chính mình ở một vài ca khúc, bởi vậy, ai cũng bùi ngùi, khắc khoải với những trải nghiệm về thân phận con người trong nhạc Trịnh, cho dù là những ca khúc nồng nàn hay ngây thơ nhất.
Đêm nhạc là một sân khấu mở, nên trong phần 2 của chương trình, rất nhiều khán giả lên hát giao lưu, mà mỗi giọng ca đều có màu sắc riêng biệt và tràn đầy cảm xúc. Một bạn sinh viên năm thứ 3 khoa tiếng Nhật (Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn) đã thể hiện ca khúc Diễm xưa bằng tiếng Nhật khiến khán giả ngây ngất.
Mọi người hát cùng ca sĩ Đức Tuấn ca khúc "Nối vòng tay lớn"
Một khán giả tên Huỳnh Hồng Liên cho biết cô là bạn của nhà thiết kế Trịnh Hoàng Diệu. Với tình yêu tha thiết những ca khúc nhạc Trịnh, cô Liên xuất hiện với tà áo dài tha thướt, hát ca khúc Cuối cùng cho một tình yêu, được Trịnh Công Sơn phổ nhạc từ bài thơ của họa sĩ Trịnh Cung. Cô Hồng Liên trao đổi thêm rằng đã hát bài này từ hồi thiếu nữ, còn sống ở Huế, sau đó chuyển vào Sài Gòn sống. Năm 16 tuổi, đang là nữ sinh Đồng Khánh và quen biết với gia đình Trịnh Công Sơn, cô có kỷ niệm không thể quên với bài hát này. Hôm đó, đi sinh nhật nhà thiết kế Trịnh Hoàng Diệu, Hồng Liên hát Cuối cùng cho một tình yêu, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn khen là hay nhưng hơi run. Hôm đó cô về trễ, bị cả nhà ngồi chờ, rồi ba má vụt cho mấy roi. “Hồi đó, tình yêu mơ mộng lắm, chỉ có yêu hình yêu bóng, yêu gió yêu mây thôi, tình yêu đẹp lắm nhưng chỉ là trong mộng” - cô Liên tự sự.
Một khán giả khác, cô Hồng Châu năm nay đã 78 tuổi đã hát ca khúc Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui, niềm lạc quan của cô đã truyền lửa cho khán giả ngồi phía dưới. Cô chia sẻ việc hát nhạc Trịnh khiến cô cảm thấy yêu đời hơn, cảm thấy cuộc sống mến yêu và ý nghĩa hơn từng ngày.
Ca sĩ Đức Tuấn cũng cho biết rằng tuổi thơ của anh gắn bó mật thiết với những ca khúc nhạc Trịnh. Theo Đức Tuấn, nhạc Trịnh Công Sơn thật sự rất gần gũi với tâm tư và cảm xúc của con người, những buồn vui, hạnh phúc, mất mát hay đau thương đều được chuyên chở một cách khéo léo, mượt mà trên từng khuông nhạc.
Sau chương trình, ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh chia sẻ: “Anh Sơn vẫn luôn hiện diện trong nỗi nhớ của hàng triệu người yêu nhạc, thật xúc động khi cứ đến ngày này là tôi lại thấy có rất nhiều đêm nhạc Trịnh được mọi người tổ chức và hát cho nhau nghe, tình yêu dành cho âm nhạc đã kết nối mọi người lại với nhau, đó là điều mà gia đình tôi rất trân trọng và biết ơn”.
Bình luận (0)