Đúng một năm sau khi ra mắt bộ phim tài liệu cảm động về cậu bé Phùng Thiện Nhân, đạo diễn Đặng Hồng Giang tiếp tục phát hành chùm phim “Đáng sống”, gồm 3 tác phẩm “Mầm sống”, “Đáng sống” và “Một con đường”.
Khó khăn nào cũng có lối thoát
Ba bộ phim độc lập với 3 tuyến nhân vật khác nhau, 3 nội dung câu chuyện với cách giải quyết khác nhau đã được đạo diễn Đặng Hồng Giang sắp xếp hợp lý để chùm phim “Đáng sống” thực sự đáng xem.
Mỗi bộ phim chỉ có thời lượng 30 phút nhưng đã lấy đi của đạo diễn Đặng Hồng Giang 4 năm ấp ủ. Anh bền bỉ chờ đợi để lựa chọn 3 câu chuyện điển hình ở ba miền Bắc - Trung - Nam, cũng là 3 tuyến nhân vật trong 3 tầng lớp xã hội khác nhau (trí thức - doanh nhân - nông dân) để gửi thông điệp “đáng sống” đến khán giả. Ở đó, có nỗi niềm của người mẹ trẻ - cũng là giảng viên của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội Hoàng Thị Kim Dung. Bằng tình yêu vô bờ với người chồng đã mất vì tai nạn giao thông, thay vì vật vã than khóc số phận hẩm hiu như bao người khác, Dung vượt qua những đau đớn tột cùng để tìm thấy mầm sống ấm áp yêu thương. Hồ Sĩ Hoàng Hải, Hồ Sĩ Hoàng Đức, 2 bé trai được sinh ra từ tinh trùng của người cha qua đời, được gọi là “thành tựu của tình yêu và y học”, khiến người xem vô cùng xúc động. Không chỉ ở Việt Nam, “Mầm sống” còn là câu chuyện nhân văn hiếm hoi trên thế giới với những quyết định “xé rào thủ tục” của bác sĩ Lê Vương Văn Vệ để mang đến những mầm sống cho Kim Dung.
11 năm trước đây, các bác sĩ từng nói với Tăng A Pẩu, một doanh nhân ở TP HCM, rằng anh chỉ còn sống được 8 tháng vì khối u trong gan. Chiến đấu với bệnh tật trong tinh thần suy sụp, tuyệt vọng, doanh nhân Tăng A Pẩu đã tìm cho mình một lối thoát để không phải đối mặt với cả “chiếc xe tăng và bức tường”. Khi vào rừng với chiếc máy ảnh trên vai, anh không còn là một bệnh nhân yếu ớt, thay vào đó, trở thành nhiếp ảnh gia chuyên ghi hình các loài chim quý hiếm, thậm chí đang sở hữu bộ sưu tập ảnh chim giá trị nhất Việt Nam với khoảng 500 loài. Chính câu chuyện của anh Tăng A Pẩu đã tạo cảm hứng cho đạo diễn Đặng Hồng Giang theo chân nhiếp ảnh gia này thực hiện bộ phim “Đáng sống” để xóa đi nỗi ám ảnh, mỗi ngày đang có 200 người Việt Nam chết vì bệnh ung thư.
30 phút cuối cùng của chùm phim là những hình ảnh một vùng quê nghèo ở Quảng Trị, nơi người dân không có ruộng để đi cày. Hằng ngày, họ chỉ biết thu lượm những mảnh vỡ còn sót lại của bom đạn sau chiến tranh để bán cho các cơ sở thu mua phế liệu với giá rẻ mạt, trong khi tương lai thật mịt mù. Nhưng anh Nguyễn Ngọc Triệu, một người trong số họ, đã tìm cho mình và gia đình một lối thoát bất ngờ từ những đồng bạc ít ỏi có khi được đánh đổi bằng cả mạng sống.
Đạo diễn Đặng Hồng Giang tâm sự rằng cuộc sống hằng ngày có quá nhiều điều bất trắc, rủi ro. Mỗi câu chuyện trong phim, tuy mang đậm dấu ấn cá nhân nhưng dù họ ở địa vị hay vùng miền nào cũng đều khiến chúng ta phải suy ngẫm. “Đã gọi là tai ương thì không thể nói trước được điều gì, cho nên mục đích của tôi là mang những câu chuyện này đến công chúng để mỗi người dù ở hoàn cảnh khó khăn nào cũng tư duy tích cực nhằm tìm ra lối thoát chứ không chỉ biết ôm mặt kêu trời. Tôi tin khi mỗi chúng ta vượt qua được khó khăn sẽ đều ngẩng mặt lên, đáng sống, vui tươi trong cuộc đời” - đạo diễn Đặng Hồng Giang nói.
Tín hiệu mừng cho phim tài liệu
Chùm phim “Đáng sống” được thực hiện từ tháng 11-2012, bắt đầu từ “Một con đường”, sau đó là “Mầm sống” và “Đáng sống”. Cũng giống như “Lửa Thiện Nhân”, cách kể chuyện của Đặng Hồng Giang trong “Đáng sống” rất đời thường, gần gũi chứ không giáo điều, khô khan. Chính nhờ điều này mà chùm phim đã chinh phục được BHD để được nhận chiếu thương mại trên toàn bộ hệ thống 7 cụm rạp của BHD tại Hà Nội và TP HCM. Ngoài ra, phim cũng được trình chiếu tại cụm rạp Tháng Tám (Hà Nội) với tối thiểu 3 suất mỗi ngày. Đây là tín hiệu vui không chỉ đạo diễn Đặng Hồng Giang mà còn với các nhà làm phim độc lập Việt Nam, đặc biệt là thể loại phim tài liệu hiện thực.
Trên thực tế, phim tài liệu có mặt tại hệ thống rạp chiếu lớn vẫn là hiện tượng hiếm hoi ở Việt Nam. Trước “Đáng sống”, “Lửa Thiện Nhân”, bộ phim tài liệu “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng” của đạo diễn Nguyễn Thị Thắm cũng làm nên điều hiếm hoi là gây cơn “sốt nhẹ” tại một số rạp chiếu.
“Đáng sống” do hãng phim Oriental Pictures sản xuất, khởi chiếu tại Hà Nội và TP HCM từ ngày 18-11.
Bình luận (0)