Trước sự bùng nổ của nhiều phương tiện, hình thức giải trí mới, các nhà hát kịch và sân khấu kịch xã hội hóa tại Việt Nam đang gặp phải sự cạnh tranh gay gắt trong quá trình tìm kiếm khán giả. Nền sân khấu nước nhà đang lâm vào tình trạng thiếu trầm trọng kịch bản sân khấu hay, hấp dẫn. Chính vì thế, một số nhà tổ chức đã nghĩ đến việc mua tác quyền kịch bản nước ngoài để Việt hóa và dàn dựng, phục vụ công chúng trước nhu cầu hưởng thụ những tác phẩm mới. Thế nhưng, vấn đề tác quyền đã khiến không ít đơn vị có ý định thực hiện gặp phải nhiều khó khăn.
Đau đầu với bản quyền
Từ số tiền 50 triệu đồng phải trả tác quyền cho 4 suất diễn tại TP HCM, nay đơn vị nắm giữ bản quyền kịch bản nhạc kịch Chicago đòi phía sử dụng phải trả đến 80 triệu đồng; đồng thời phải tuân thủ một số điều kiện mà công ty này đề ra. Điều đó khiến nhóm thực hiện vở nhạc kịch khá đình đám này chùn tay.
Chicago (kịch bản: Freb Ebb và Bob Fosse, âm nhạc: John Kander) là vở nhạc kịch nổi tiếng của sân khấu Broadway, dựa theo vở kịch nói cùng tên của nhà báo Maurine Dallas Watskin, đề cập số phận của những nữ tội phạm cũng như sự hào nhoáng và mặt trái của thành phố danh vọng Chicago. Phiên bản Việt hóa của Nguyễn Khắc Duy được phía công ty nắm giữ bản quyền xác nhận là phiên bản chuyển ngữ thứ 21 trên toàn thế giới của tác phẩm này.
Đạo diễn Nguyễn Khắc Duy, người dàn dựng vở nhạc kịch Chicago tại TP HCM, cho biết: “Phía công ty nắm giữ bản quyền đã cảm thông với chúng tôi khi biết chương trình được dàn dựng mang tính chất học đường của một đạo diễn trẻ tham dự cuộc thi dành cho đạo diễn sân khấu trẻ do nhà nước tổ chức. Thế nhưng, ngoài các suất diễn phúc khảo và dự thi, trong 4 suất bán vé của vở diễn dự kiến diễn ra vào tháng 6 tới, chúng tôi phải trả 80 triệu đồng tiền bản quyền”.
Công ty nắm giữ bản quyền nhạc kịch Broadway ở Mỹ còn yêu cầu đạo diễn Duy không được sử dụng nhạc nền các ca khúc nhạc kịch bằng MD được phối sẵn mà phải dùng dàn nhạc sống với đầy đủ nhạc cụ, được phân bổ đúng như kịch bản. Điều này thật khó thực hiện khi kinh phí đầu tư không cho phép.
“Khi chúng tôi trình bày khó khăn, họ cho phép dàn nhạc tinh giản, gọn nhẹ nhưng phải bảo đảm chất lượng nghệ thuật như tinh thần của nhạc kịch Broadway. Với chúng tôi, 4 suất diễn tới đây sẽ hết sức nặng nề. Việc bố trí dàn nhạc sống trên sân khấu rạp Công Nhân và bố cục cảnh trí mới hoàn toàn đã ngốn rất nhiều chi phí. Giá vé vì thế sẽ tăng, với mức 250.000- 300.000 đồng/vé” - đạo diễn Duy cho biết.
Chưa biết công chúng đón nhận Chicago Việt hóa của đạo diễn này như thế nào nhưng anh và ê kíp thực hiện cảm thấy tự hào. Lần đầu tiên, một vở nhạc kịch của Broadway được Việt hóa và xuất hiện danh chính ngôn thuận tại Việt Nam với hợp đồng thỏa thuận bản quyền được ký kết hết sức nghiêm túc.
Qua rồi thời “làm chui”
Hầu hết các nhà hát thuộc khối quốc doanh cũng như sân khấu xã hội hóa đều cho rằng “làm chui” kịch bản nước ngoài tại Việt Nam không còn đơn giản, nhất là khi sân khấu không nằm ngoài việc kiểm soát của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cũng như Hiệp hội Quản lý các tác phẩm nghe nhìn quốc tế (AGICOA).
NSƯT Anh Tú, Nhà hát Kịch Tuổi Trẻ, nhìn nhận: “Hiệp hội Quản lý các tác phẩm nghe nhìn quốc tế là tổ chức quản lý tập thể, thực thi quản lý các quyền liên quan tới truyền thông, biểu diễn những tác phẩm sân khấu và phát thanh, truyền hình. Ngoại trừ những tác phẩm có tuổi thọ trên 50 năm, là tài sản chung của nhân loại, còn lại đều phải thanh toán tiền bản quyền”.
Cách đây không lâu, khi vừa phải đương đầu với bối cảnh đìu hiu của sân khấu kịch phía Bắc, Nhà hát Kịch Việt Nam đã gặp nhiều khó khăn trong việc liên kết sử dụng bản quyền các vở kịch nước ngoài được dàn dựng chính danh tại Việt Nam. Theo NSND Doãn Châu, vì khan hiếm kịch bản nội địa hay nên nhà hát phải chọn vở nước ngoài để làm phong phú sàn diễn.
Sau Trăng soi sân nhỏ, Ca sĩ đười ươi (Trung Quốc) là vở Ider Lander của nhà soạn kịch hiện thực Ipsen (Na Uy). Thế nhưng, việc liên kết để có được bản quyền hết sức phức tạp. Phía đối tác buộc phải thông qua lãnh sự quán để duyệt kịch bản Việt hóa. Nếu dựng đúng bản quyền của nước bạn thì ê kíp thực hiện của họ phải sang Việt Nam tham gia.
Không riêng Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Kịch Hà Nội khi dàn dựng những kịch bản nước ngoài như: Đêm cuối cùng (Tây Ban Nha), Người đàn bà sau tấm cửa song (Nga), Âm mưu và tình yêu (Đức)... đều phải làm đủ các thủ tục để có được sự đồng ý của công ty nắm giữ bản quyền.
NSƯT Chí Trung cho biết: “Với Nhà hát Tuổi Trẻ, ngoài các kịch bản ăn khách Đời cười 1-2-3-4 cũng còn nhiều tiểu phẩm phóng tác từ truyện ngắn của nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ Azit Nexin. Thế nhưng, với cách làm chuyên nghiệp, chúng tôi vẫn xin phép và phải được sự chấp thuận để làm vở một cách nghiêm túc. Đụng vào bản quyền của quốc tế không còn là chuyện đơn giản”.
Khó sử dụng y nguyên Sân khấu Kịch IDECAF - TP HCM có nhiều vở diễn nước ngoài được Việt hóa. Từ 10 năm nay, ông bầu Huỳnh Anh Tuấn đã làm đủ các thủ tục để có được sự chấp thuận của những công ty nắm giữ bản quyền cho dựng các vở: Cô chủ quán xinh đẹp, Cậu Đồng (Pháp), Trùm lừa (từ kịch bản Tên bịp bợm thành Venice), Học làm sang (từ kịch bản Trưởng giả học làm sang) ra mắt khán giả một cách nghiêm túc.
Ông Huỳnh Anh Tuấn nhìn nhận: “Kịch bản là khâu đầu tiên quyết định sự thành công của vở diễn. Chọn kịch bản nước ngoài rất ít khi bị “cháy” vở bởi tính văn học, triết lý cao và sự hấp dẫn, táo bạo về tư tưởng. Tuy nhiên, khi Việt hóa thường phải biên tập, sửa chữa rất nhiều nên giữ được cốt lõi của câu chuyện là điều khó.
Phía nắm giữ bản quyền không quan trọng việc hư cấu thêm cho đúng tính chất, ngôn ngữ, văn hóa của Việt Nam. Họ chỉ ngại nhất việc sử dụng y nguyên như cách làm của vở Chicago vừa qua vì sợ bản dựng không tương xứng với danh tiếng của thương hiệu vở diễn gốc”. |
Bình luận (0)