Không phải ngẫu nhiên mà Sân khấu Kịch IDECAF lại chọn kịch bản 12 bà mụ để hoạch định xu hướng đưa kịch cũ ra rạp lớn. Theo ông Huỳnh Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Sân khấu và Giải trí Thái Dương, tìm vở đủ lực đưa ra sân khấu lớn là một vấn đề nan giải hiện nay. Trước hết là phải đo được lượng khán giả yêu thích vở diễn, bên cạnh đó xét lại mặt kỹ thuật dàn dựng, biểu diễn và nội dung xem có còn phù hợp với thời đại hiện nay không.
Cả trăm triệu đồng cho một vở
Sự thật, 12 bà mụ để lại nhiều ấn tượng cách đây 10 năm trên sân khấu IDECAF không chỉ nhờ vào dàn diễn viên gạo cội của thương hiệu kịch này mà còn vì câu chuyện dân gian Việt Nam được viết và dàn dựng rất có duyên. Tứ kịch không hề cũ theo thời gian khi cho rằng mỗi con người sinh ra đều có 12 bà mụ dạy dỗ, rèn luyện để hình thành nhân cách. Các bà mụ quan tâm đến việc đứa con mà mình nâng đỡ sẽ thành một tác phẩm hoàn hảo. Thế nhưng, trong quá trình rèn luyện vẫn có nhiều yếu tố chủ quan khiến những đứa trẻ biến thành “sản phẩm” bị lỗi, tính cách không tốt, gây ra nhiều hệ lụy cho bản thân, gia đình và xã hội. Từ nhiều tình huống bi hài đan xen, vở đã gửi thông điệp đến người xem: “Con người phải chịu trách nhiệm với chính việc làm của mình”.
Điều quan trọng nhất khiến xu hướng kịch cũ ra rạp lớn cuốn hút khán giả chính là sự đầu tư hoàn toàn mới từ cảnh trí, âm thanh, đạo cụ, phục trang. Theo ông Huỳnh Anh Tuấn, trang phục mới của vở 12 bà mụ đã ngốn hơn 100 triệu đồng. Từ phục trang mang tính Á Đông với nhiều nét kết hợp giữa Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản ở bản dựng cũ, nay với toàn bộ phục trang Việt, 12 bà mụ mang một sắc thái mới khi ra rạp lớn. Vở Trùm lừa cũng sẽ được đầu tư mới phục trang và cảnh trí để đưa ra Nhà hát Bến Thành.
“Lớn thuyền, lớn sóng”
Dù đang là xu hướng và được một số sân khấu kịch xã hội hóa học hỏi trong thời buổi khan hiếm kịch bản hay nhưng với một số sàn diễn thì chiến lược này có vẻ không mấy khả thi. NSND Hồng Vân (Giám đốc Sân khấu Kịch Phú Nhuận) cho biết: “Cách đây 4 năm, khi tôi đưa vở Giếng lạ ra Nhà hát TP HCM, kinh phí đội lên gấp 3 lần. Giá vé không thể tăng quá cao , do vậy sau mùa Tết huề vốn, không lỗ là may. Đưa kịch cũ ra rạp lớn hiện nay nhìn tới, nhìn lui cũng chỉ có ba điểm: Nhà hát TP HCM, Nhà hát Bến Thành và Nhà hát Hòa Bình. Việc dựng lại vở cũ vốn đã in sâu trong tâm trí khán giả nhưng dàn diễn viên phải tăng cường thêm ngôi sao; cảnh trí, âm thanh, âm nhạc, trang phục phải đầu tư mới. Cách làm này “5 ăn, 5 thua”.
Sân khấu Kịch Sài Gòn đã có chiến lược tái diễn các vở: Lò heo quay, Đoạn trường, Mẹ yêu… tại Nhà hát Hòa Bình trong thời gian tới, nhân kỷ niệm 30 năm thành lập Nhà hát Hòa Bình. Theo ông bầu Phước Sang, việc đầu tư mới không ngại, chỉ sợ quy tụ đúng dàn diễn viên gạo cội của 30 năm trước quá khó. Vở Đoạn trường được yêu thích nhất qua diễn xuất của NSƯT Bảo Quốc (vai Bao Công), nghệ sĩ Nguyễn Dương (vai Trần Thế Mỹ); vở Mẹ yêu phải có NSND Ngọc Giàu, nghệ sĩ Hồng Nga, Việt Anh, Minh Nhí, Thúy Nga, Việt Hương…; vở Lò heo quay phải có bộ ba Ngọc Giàu, Hồng Nga, Hữu Châu thì mới tạo được hiệu ứng. Thay đổi dàn diễn viên mới khó tạo nên dấu ấn mới, thậm chí có thể thất bại.
Nghệ sĩ Hồng Nga khẳng định vở Mẹ yêu của đạo diễn NSƯT Đoàn Bá là một tác phẩm để đời của Sân khấu Kịch Sài Gòn. “Bản thân tôi nhờ vai diễn này mà được khán giả yêu mến hơn khi từ sàn diễn cải lương bước sang sân khấu kịch nói. Vì vậy, nếu tái diễn mà không quy tụ đủ thành phần thì rất khó. Còn thay đổi dàn diễn viên mới sẽ khó mà được khán giả chấp nhận” - nghệ sĩ Hồng Nga nói.
Nằm trong xu hướng tìm kiếm kịch bản cũ để “canh tác” với thị phần lớn ở các sân khấu tụ điểm như: 126, Trống Đồng, Lan Anh… sân khấu Nụ Cười Mới và một vài nghệ sĩ hài đã nhắm đến việc tái diễn các vở: Ra giêng anh cưới em, Cổ tích tình yêu, Sui gia đại chiến… Tuy nhiên, theo nghệ sĩ Hoài Linh: “Diễn tại các sân khấu tụ điểm phần lớn chỉ lắp ghép cảnh trí, mức đầu tư không cao. Khán giả vào xem chỉ để cười với những câu chuyện hài, còn nhu cầu khẳng định thương hiệu với tác phẩm nghệ thuật thì không như mong muốn”.
Sáng tạo và nghiêm túc Tác giả Lê Duy Hạnh, Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM, nhận xét: “Làm mới kịch cũ đưa ra rạp lớn là phương thức cứu nguy trong thời khan hiếm kịch bản. Tuy nhiên, cần sự sáng tạo và đầu tư nghiêm túc, không thể làm cho có và cố để đạt doanh thu. Nâng chất lượng một tác phẩm cũ để đạt đến đỉnh cao sẽ là một xu thế mới cho làng kịch để từ đó kích thích đội ngũ tác giả, đạo diễn trẻ sáng tạo kịch bản mới, mang hơi thở cuộc sống hôm nay”. |
Bình luận (0)