xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Kiều Tấn nâng âm nhạc Nam Bộ bay cao

Bài và ảnh: LÊ CÔNG SƠN

Nhờ tấm lòng đam mê nghệ thuật truyền thống và đi tiên phong trong lĩnh vực mới mẻ này, nhạc sĩ Kiều Tấn đã góp phần đào tạo, hình thành một thế hệ nghệ sĩ cải lương trẻ cùng nền âm nhạc tài tử miền Nam hùng hậu

Nói đến Kiều Tấn, khán giả trong và ngoài nước đã trở nên quá quen thuộc với tên tuổi người nhạc sĩ tài hoa và... đẹp trai này. Ông tạo nên thương hiệu và sức sống cho những chương trình truyền hình rất được yêu thích: “Chuông vàng vọng cổ”, “Vầng trăng cổ nhạc”, “Những cánh chim không mỏi”, “Ngân mãi chuông vàng”, “Giọt nắng phù sa”, “Tiếng đàn tri âm”, “Thơ ca giao hòa”...

Từ ngọn lửa đam mê

Gặp nhạc sĩ Kiều Tấn ở ngoài đời, ai cũng thấy ông ít nói và hiền lành nhưng “đồng cam cộng khổ” mới thấy ông không phải là dạng người chịu khuất phục. Nếu như một số người thích an nhàn, muốn mọi thứ tìm đến nhẹ nhàng thì với Kiều Tấn, ông chỉ muốn lao vào những nơi khó khăn nhất để khám phá đam mê, tìm con đường riêng để tự khẳng định tài năng của mình.


Nhạc sĩ Kiều Tấn

Nhạc sĩ Kiều Tấn

Nhạc sĩ Kiều Tấn tên khai sinh là Kiều Văn Tấn (hội viên Hội Âm nhạc TP HCM, Hội Nhạc sĩ Việt Nam). Ông sinh năm 1954 tại Long An. Do gia đình có nhiều biến cố lúc nhỏ nên ông phải theo mẹ lưu lạc ra Bình Định sinh sống, rồi quay trở về Đồng Tháp học cấp 2-3 tại Trường THCS - THPT Sa Đéc. Năm 14 tuổi, vì có “máu” văn nghệ nên ông tham gia vào ban nhạc Hoa Tím và bắt đầu tập tành sáng tác với bút danh: Nhất Mộc, Vũ Kiều. Ông lên Sài Gòn học luật khoa năm 1973. Sau giải phóng, ông về công tác tại Viện Nghiên cứu âm nhạc do nhạc sĩ Lưu Hữu Phước làm viện trưởng. Và chính những chuyến được lãnh đạo phân công đi sưu tầm âm nhạc dân gian của người Mạ ở Lâm Đồng đã đúc nên những viên gạch đầu tiên đưa Kiều Tấn đến với ngôi nhà âm nhạc truyền thống.

Vào thời điểm này, trong lúc đờn ca tài tử vẫn còn là khái niệm hết sức mới mẻ và rất ít người quan tâm thì năm 1982, nhạc sĩ của “Dòng kênh quê em” là người đầu tiên đã phác thảo ra Phương pháp ký âm nhạc tài tử và cải lương kết hợp giữa Đông và Tây (Hò Xự Xang Xê Cống - Đồ Rê Mi...) gây tiếng vang rất lớn. Ông tốt nghiệp “bằng đỏ” cử nhân Lý luận âm nhạc tại Nhạc viện TP HCM với khóa luận “Đàn ghita phím lõm trong âm nhạc tài tử và cải lương” và xuất sắc nhận học bổng DAAD sang CHLB Đức du học. Môi trường mới, chân trời âm nhạc trở nên bao la mở ra trước mắt nhạc sĩ Kiều Tấn, ông như cánh chim không mỏi bay vào khoảng không xanh bao la. Được nhiều “cây đa cây đề” của thế giới dạy bảo tận tình, ông lao vào nghiên cứu, viết sách. Các công trình lớn của Kiều Tấn phần lớn ra đời trong giai đoạn này, như: Điệu thức nhạc tài tử Nam Bộ, Cây đàn ghita phím lõm, Hệ thống bài bản nhạc tài tử Nam Bộ, Bảo tồn vốn bài bản âm nhạc tài tử Nam Bộ... được giới chuyên môn trong nước và quốc tế đánh giá cao. Năm 1997, ông cũng là người miền Nam đầu tiên đoạt giải nhì (không có giải nhất) về Lý luận âm nhạc do Hội Nhạc sĩ Việt Nam trao tặng.

Công trình “Cây đàn ghita phím lõm” của ông được xuất bản và phát hành tại Đức và châu Âu. Kiều Tấn cũng là nhạc sĩ trẻ đầu tiên được mời nói chuyện về âm nhạc tài tử trên sóng phát thanh của Đài Deutschlandradio (CHLB Đức) vào thời điểm này. Trong những năm 1985-1995, ông cũng là người đầu tiên hệ thống lại lĩnh vực tài tử cải lương bằng những chuyên đề Dây đàn giao duyên, Từ Dạ cổ hoài lang đến vọng cổ, Hệ thống bài bản nhạc tài tử và cải lương... và đăng đàn bàn luận, trao đổi về lĩnh vực mới mẻ này trên sóng Đài Tiếng nói Nhân dân TP HCM, Đài Truyền hình TP HCM.

Người đi tiên phong…

Từ nhà nghiên cứu được đào tạo âm nhạc bài bản, cứ tưởng Kiều Tấn sẽ gắn bó với khoa học suốt cả cuộc đời. Năm 1995, bất ngờ ông rẽ sang nghề báo, chuyển công tác sang Đài Truyền hình (bộ phận FM). Từ đây, ông mạnh dạn khai sinh ra chương trình “Đờn ca tài tử và cải lương” đầu tiên trên hệ FM, tự mình làm diễn giả, MC... tất tần tật, lo từ A đến Z. Khán giả sung sướng, hồ hởi đón nhận như đón một làn gió mới trong lĩnh vực âm nhạc truyền thống. Khi Đài Truyền hình TP HCM tách khỏi Đài Phát thanh, ông được đề cử làm Phó Ban Ca nhạc rồi Trưởng Ban Văn nghệ của Đài Truyền hình TP HCM. Ở cương vị mới, ông tiếp tục làm “cha đẻ” cho nhiều chương trình mới, được công chúng đón nhận. Đặc biệt, với “Tiếng đàn tri âm”, lần đầu tiên ông đã đưa những “thầy đàn” lặng lẽ từ phía sau cánh gà ra trước sân khấu hoành tráng, giúp họ tạo được tên tuổi của mình trong lòng công chúng và có chỗ đứng để... chạy sô! Nhiều người mang ơn ông vì nhờ có Kiều Tấn mà họ kiếm được nhiều tiền, có điều kiện gặp gỡ học hỏi lẫn nhau trong nghề. Ông cũng là người góp phần rất lớn qua việc khai sinh cuộc thi “Chuông vàng vọng cổ” mà sau đó phát hiện một thế hệ nghệ sĩ cải lương trẻ, đình đám thành danh như hiện nay: Võ Minh Lâm, Lê Văn Gàn, Võ Thành Phê, Bùi Trung Đẳng, Thu Vân, Hồ Ngọc Trinh... Nhạc sĩ Kiều Tấn cũng là người đã chạy đua với thời gian để sưu tầm, xin Quỹ Văn hóa của Bộ Ngoại giao CHLB Đức hỗ trợ kinh phí thu âm lại toàn bộ những bài ca của các danh cầm nhạc tài tử: Năm Vinh, Giáo Thinh, Ba Trung, Sáu Xiếu, Mười Phú... đã già yếu và ký âm lại toàn bộ để gìn giữ và lưu lại cho đời sau.

Nhờ thành công ở nhiều chương trình và được đồng nghiệp tin tưởng, Kiều Tấn chính thức trở thành 1 trong 2 nhà báo đầu tiên của Đài Truyền hình trúng cử đại biểu HĐND TP, một vinh dự khi ấy mà không phải ai cũng dễ dàng có được.

Mãi mãi tình yêu cải lương và nhạc tài tử

Hiện nay, dù đã nghỉ hưu được 2 năm nhưng tình yêu cải lương và đờn ca tài tử trong nhạc sĩ Kiều Tấn vẫn còn... máu lửa lắm! Ông vẫn miệt mài với công việc viết sách, làm giám khảo cho các chương trình: “Liên hoan Âm nhạc tài tử khu vực miền Đông”, “Giọng hát tài tử thiếu nhi TP HCM”, “Tiếng hát 3 thế hệ” và đi nói chuyện âm nhạc tại các nhà văn hóa, trường đại học. Mỗi khi có lời mời là ông có mặt, dù nắng hay mưa, xa hay gần cũng không nề hà gì. Vì đơn giản với Kiều Tấn, “đờn ca tài tử và cải lương mãi mãi là người tình tri âm tri kỷ đã thấm vào tận máu thịt, xương tủy... không thể nào dứt được, dẫu cho có kiếp sau vẫn vậy thôi” - như lời tâm sự của chính ông.

Nhận xét về ông, PGS-TS-nhạc sĩ Thế Bảo khẳng định: “Kiều Tấn là một trong những nhạc sĩ phổ thơ nhiều nhất Việt Nam, có số bài hát được công bố trên phương tiện truyền thanh - truyền hình nhiều nhất, trong đó có nhiều ca khúc rất quen thuộc với công chúng như: “Sài Gòn nắng Sài Gòn mưa”, “Vùng đất rồng bay”, “Vạn Xuân”... Vốn là nhạc sĩ nắm vững âm vang tiếng đàn và nhạc lý âm nhạc tài tử và cải lương nên những sáng tác của Kiều Tấn vừa mang chất liệu dân ca vừa có tiết tấu của thời đại mới. Âm nhạc của Kiều Tấn vì thế dễ gần với lớp lớn tuổi và cũng không xa lạ với giới trẻ”.

Mong ước duy nhất của Kiều Tấn hiện nay là có thật nhiều sức khỏe để nghiên cứu, bảo tồn các giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử khi đã được UNESCO công nhận là di sản của nhân loại...

Người của nhiều… đặc biệt

Cùng với nhạc sĩ Lưu Hữu Phước và GS Tô Ngọc Thanh, năm 1995, nhạc sĩ Kiều Tấn vinh dự là người Việt Nam thứ ba, trẻ tuổi nhất trở thành hội viên Hội Quốc tế Âm nhạc truyền thống UNESCO (ICTM). Ông còn tham dự nhiều hội thảo âm nhạc quốc tế đặc biệt quan trọng ở Đức, Slovakia, Nhật… Các album CD đã phát hành của ông, gồm: “Vạn Xuân” (Vol.1), “Sài Gòn nắng Sài Gòn mưa” (Vol.2), “Tình yêu như giỏ hoa” (Vol.3), “Nỗi buồn trăm năm” (Vol.4) với nhiều giọng ca tên tuổi: Quang Linh, Đàm Vĩnh Hưng, Hồng Hạnh, Minh Anh, Minh Ánh, Tạ Minh Tâm, Thanh Thúy, Mỹ Dung, AC&M, Khánh Duy, Vân Khánh, Hồ Bích Ngọc, Như Ý… Ông còn có DVD “Dạ khúc bướm hoa” do Phương Nam Phim phát hành, được thiết kế theo hình bông hoa năm cánh xòa ra rất độc đáo “có một không hai” cho đến thời điểm hiện nay, “Tuyển tập nhạc: 80 ca khúc Kiều Tấn” (NXB Tổng hợp Đà Nẵng ấn hành), có kèm theo 80 bản âm thanh biểu diễn của nhiều ca sĩ nổi tiếng.

Ông là nhạc sĩ đầu tiên từng tình nguyện “xuống tóc” để hoàn thành vai nhà sư trong vở cải lương “Câu chuyện dòng sông”. Nhân mùa Vu lan báo hiếu vừa rồi, nhạc sĩ Kiều Tấn ra mắt 2 tác phẩm mới viết về mẹ: “Theo trăng Mẹ về” (phổ thơ Trương Nam Hương) và “Mẹ ơi, giá mà…” (phổ thơ Hồ Đắc Thiếu Anh) được 2 ca sĩ Thái Châu và Quỳnh Như biểu diễn ở đâu cũng được khán giả hoan nghênh nhiệt liệt. Điều khá vui nữa với ông là album “Trong tim luôn có mẹ” của ca sĩ Hồ Trung Dũng vừa mới phát hành ký tặng ông cũng có ca khúc “Mẹ ơi, con về” mà ông cũng… đặc biệt yêu thích.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo