Tối 6-2, suất thứ 6 tại rạp Công Nhân (TP HCM) của chương trình “Ba thế hệ về lại cội nguồn” tưởng đã không thể diễn ra khi một mảng trần nhà khu vực hậu trường sụp đổ ngay bàn trang điểm của nghệ sĩ khiến NSƯT Trường Sơn bị thương ở cổ tay trái. “Bao giờ mới hết cảnh chúng tôi làm nghề trong khó nhọc và lo âu như thế?” - NSƯT Kim Tử Long chua xót.
Gian nan bán từng chiếc vé
Khi được đông đảo hội viên Hội Sân khấu TP HCM bầu vào ban chấp hành, NSƯT Kim Tử Long quả quyết “sẽ bằng mọi cách thay đổi những rào cản khiến sàn diễn cải lương ngủ đông quá lâu”. Anh đã xắn tay thực hiện chương trình “Ba thế hệ về lại cội nguồn”, diễn ra tại rạp Công Nhân, do Nhà hát Kịch TP HCM quản lý.
Trước hết, chương trình nhằm gây quỹ giúp đỡ cụ thể từng nghệ sĩ có gia cảnh nghèo khó, bệnh tật, sau đó chăm lo cho những người sống tại Khu Dưỡng lão nghệ sĩ TP HCM. “Nhưng rồi cũng như Sân khấu Vàng, không lẽ nghệ sĩ uống nước lã để biểu diễn? Chúng tôi phải tính đến chuyện trả thù lao tương xứng để họ nuôi sống gia đình và an tâm cống hiến tài nghệ của mình cho nghệ thuật” - NSƯT Kim Tử Long thổ lộ.
NSƯT Kim Tử Long cho biết mỗi suất diễn vừa qua, anh phải bù lỗ từ 5 đến 10 triệu đồng bởi các chi phí đều quá cao. Nếu tăng giá vé thì khán giả sẽ không đến rạp. “Khó khăn đang bủa vây chúng tôi, từ tiền thuê rạp đến dựng cảnh trí, phục trang, quảng bá…, món nào cũng tốn nhiều tiền mà giá vé thì phải hạ thấp để công chúng có thể mua được. Có nữ khán giả đến rạp cứ đứng tần ngần trước cửa vì không đủ 100.000 đồng để mua vé. Lúc đó, tôi đành phải giảm 50% giá vé để chị có thể vào xem. Khán giả yêu cải lương thường là giới bình dân nên không thể làm khác được” - NSƯT Kim Tử Long tâm sự.
Đời sống nghệ sĩ vốn bấp bênh, vì thế càng khó khăn hơn. NSƯT Kim Tử Long cho biết đối với sân khấu cải lương, để bán được từng tấm vé là rất gian nan vì khán giả sang trọng không thể đến xem trong một khán phòng nóng bức, hôi hám, xuống cấp; hệ thống âm thanh thì kém chất lượng. Muốn nâng cấp, đầu tư để chương trình hoàn hảo hơn, đơn vị tổ chức phải thuê thêm nhưng doanh thu eo hẹp thì làm sao đủ bù chi phí? Chưa kể, những khó khăn về việc xếp lịch diễn, các chương trình hài kịch lấn át cải lương, nghệ sĩ cải lương muốn diễn ở các rạp phải tham gia từ thứ hai đến thứ năm mà những ngày đầu tuần thì làm sao bán được vé?
Đứa con vô thừa nhận
“Tất cả đều bị động vì không có nhà hát, không có sự hỗ trợ từ phía nhà nước, cải lương xã hội hóa như đứa con vô thừa nhận. Người ta có thể hô hào nâng cấp, cải tiến cải lương nhưng dường như chỉ nói thôi chứ chẳng có chiến lược nào cụ thể” - NSƯT Kim Tử Long bức xúc.
Nghệ sĩ Thanh Hằng cho biết đạo diễn Lê Nguyên Đạt đang rủ bà cùng làm sân khấu xã hội hóa với việc dàn dựng mới các tác phẩm sân khấu mang tính văn học. “Thế nhưng, mô hình xã hội hóa cải lương không nhận được sự hỗ trợ của nhà nước, việc tìm tài trợ từ các doanh nghiệp lại quá khó, rồi cũng sẽ hạ màn sau vài suất diễn nên tôi từ chối” - bà băn khoăn.
NSND - đạo diễn Trần Ngọc Giàu- Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM, Giám đốc Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang - bày tỏ: “Khi sân khấu của Nhà hát Hưng Đạo đi vào hoạt động, chúng tôi rất cần sự tiếp sức của nhiều nghệ sĩ thuộc thế hệ vàng và các nhóm xã hội hóa đang hoạt động mạnh hiện nay, trong đó có Sân khấu Vàng của hai nghệ sĩ Minh Vương, Lệ Thủy. Nhà hát cũng đã lên kế hoạch thực hiện các đêm chuyên đề sân khấu vinh danh các nghệ sĩ vang bóng một thời. Còn từng đề án phối hợp của các đơn vị xã hội hóa, tùy theo tính chất, nhà hát sẽ hỗ trợ để sàn diễn Nhà hát Hưng Đạo sáng đèn”.
Theo NSƯT Kim Tử Long, Nhà hát Hưng Đạo đưa vào sử dụng, giá cho thuê sẽ rất cao, trong khi số ghế lại quá ít (khoảng hơn 400 ghế), buộc lòng đơn vị tổ chức phải tăng giá vé lên hàng triệu đồng mới đủ bù đắp chi phí, tức khán giả bình dân không thể vào xem. “Nghệ sĩ dựa vào giá vé bán để đề nghị tăng cát-sê, không có sự chia sẻ thì khó mà kéo màn biểu diễn, nói chi đến việc cùng góp phần để sàn diễn cải lương sáng đèn. Một viễn cảnh không xa, Nhà hát Hưng Đạo sẽ là nơi cho thuê mặt bằng dành cho những loại hình giải trí khác như tấu hài, thời trang, ca nhạc…” - anh lo ngại.
Những nghệ sĩ còn tâm huyết với nghề cho rằng muốn tổ chức chương trình theo phương thức xã hội hóa rất cần có một chiến lược phát triển và phương hướng hỗ trợ cụ thể của nhà nước. Quả thật, nghệ sĩ làm sân khấu cải lương xã hội hóa hiện nay rất cực nhọc. “Tôi muốn thoát khỏi “vòng vây” những khó khăn mà mình đang đối diện. Tôi cảm thấy mọi thứ đang trói chân, trói tay mình, không thể làm được gì hơn cho cải lương trong điều kiện làm nghề khổ sở trăm bề như hiện nay” - NSƯT Kim Tử Long trăn trở.
Kỳ tới: Vũ Linh - “Người đưa đò” đã đuối sức
Không thấy “tổ sân khấu” đâu cả!
Trong ngày truyền thống ngành sân khấu vừa qua tại Trung tâm Văn hóa quận 5, TP HCM, soạn giả Hoàng Ngọc Ẩn, nguyên Trưởng Đoàn Cải lương Thanh Nga, đã thẳng thắn: “Tổ sân khấu hiện nay không ai khác là Sở Văn hóa -Thể thao TP HCM. Tổ cho tiền thì sống, không cho thì đói. Nhìn lại thời ông Dương Đình Thảo làm Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin TP HCM, một khi lãnh đạo ngành sâu sát với các đoàn hát, hiểu được đời sống anh chị em nghệ sĩ, công nhân sân khấu thì sàn diễn sẽ huy hoàng. Còn ngày nay, tôi không nhìn thấy mặt lãnh đạo Sở Văn hóa -Thể thao TP HCM đâu cả thì làm sao đề đạt được điều gì để vực dậy sàn diễn?”.
Bình luận (0)