Một “thương hiệu” uy tín của sân khấu cải lương do đôi nghệ sĩ tài danh Minh Vương - Lệ Thủy khởi xướng sắp được tái hoạt động, đó là Sân khấu Vàng. Tuy nhiên, bên cạnh sự hồ hởi của anh em nghệ sĩ tâm huyết còn là nỗi lo đè nặng lên đôi vai của đôi nghệ sĩ đã ở tuổi thất tuần.
Không thể cứ mãi là… “lửa rơm”
Do dự việc công bố kế hoạch tái hoạt động Sân khấu Vàng sau gần 5 năm tạm ngưng, 2 nghệ sĩ được mệnh danh là “đôi bạn diễn ăn ý” Minh Vương - Lệ Thủy giải thích vì họ không thể cứ mãi làm nghề theo kiểu “lửa rơm” khi mỗi đợt hoạt động của sân khấu này chỉ diễn vài suất, lương tâm người làm nghề thấy mình có lỗi với công chúng.
Theo NSND Lệ Thủy, thuận lợi khi thành lập Sân khấu Vàng là quy tụ được các nghệ sĩ tài danh thuộc thế hệ vàng của sân khấu cải lương để dàn dựng và biểu diễn các tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao như: “Tô Ánh Nguyệt”, “Đoạn tuyệt”, “Rạng ngọc Côn Sơn”, “Tình mẫu tử”, “Đêm lạnh chùa hoang”… đồng thời dàn dựng thêm kịch bản mới: “Một ông hai bà”, “Cây lẻ bạn”… Bước đầu, sân khấu này đạt được hiệu quả vì mục đích hướng tới việc gây quỹ xây dựng nhà tình thương tặng đồng bào nghèo nên anh chị em nghệ sĩ đều góp sức thiện nguyện. Mỗi suất diễn xây được một căn nhà trị giá 15-25 triệu đồng vào thời điểm năm 2007-2008 và sau đó là 2010-2012.
NSND Lệ Thủy nêu thực trạng: “Hiện nay, thử thách đặt ra với Sân khấu Vàng là đời sống sàn diễn khó khăn, nghệ sĩ cần có thu nhập để trang trải cuộc sống. Không thể cứ kêu gọi anh chị em hát miễn phí mãi, phải có cát-sê tương đối đủ sống để họ có thể gắn bó lâu dài”.
NSƯT Minh Vương bày tỏ: “Điều chúng tôi lo là Sân khấu Vàng tái hoạt động không bền vững. Thực tế, khi thành lập sân khấu này, chúng tôi đã có kế hoạch duy trì lâu dài nhưng lại không có nhà tài trợ nên chiến lược ấy đành phá sản. Hiện nay, chúng tôi đã lên kế hoạch kêu gọi các nhà tài trợ nhưng chỉ có thể tái diễn vài suất các vở: “Tô Ánh Nguyệt”, “Đêm lạnh chùa hoang”, “Máu nhuộm sân chùa”, “Pha lê và cát bụi”… với sự tham gia của 2 thế hệ nghệ sĩ đã đoạt giải Khôi Nguyên vọng cổ, giải Thanh Tâm trước đây và giải Trần Hữu Trang sau này. Tôi và Lệ Thủy sẽ đảm đương 2 cảnh cuối, còn các cảnh đầu do những em trẻ thể hiện. Nhưng câu hỏi đặt ra là sau vài suất diễn này, Sân khấu Vàng sẽ đi về đâu? Ai tiếp sức cho chúng tôi?” - NSƯT Minh Vương trăn trở.
Cải lương xã hội hóa “chết đuối”
Khác với đơn vị cải lương của nhà nước, các sân khấu xã hội hóa - do chính các nghệ sĩ đứng ra tổ chức, chủ yếu vì nhiệt huyết với nghề - đều gặp rất nhiều khó khăn: không kinh phí, không nhà hát, sống nhờ tình cảm yêu mến của khán giả yêu cải lương khắp nơi.
NSND Lệ Thủy cho rằng sân khấu xã hội hóa đang cần những người lãnh đạo quản lý có tâm và tầm nhìn để tồn tại và phát triển. Bà nhớ lại: “Khi thành lập Sân khấu Vàng, chúng tôi đã được ông Phan Quốc Hùng, nguyên Giám đốc Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, tạo mọi điều kiện để hoạt động hiệu quả. Nhiều suất diễn ở rạp Hưng Đạo (lúc đó do Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang quản lý - PV), nhà hát không thu tiền thuê rạp để đóng góp cùng chúng tôi trong công tác thiện nguyện. Chính cái tâm của người lãnh đạo chạm đúng trái tim số đông nghệ sĩ chúng tôi đã tạo nên tinh thần đoàn kết trong anh em. Nhờ đó, Sân khấu Vàng dàn dựng được 12 vở diễn, 15 chương trình tổng hợp; xây dựng hơn 30 căn nhà tình thương trao tặng đồng bào nghèo”.
Theo NSƯT Minh Vương, điều khó khăn nhất của mô hình xã hội hóa cải lương là thiếu sự tiếp sức của nhà nước. “Việc dàn dựng tác phẩm đỉnh cao, quy tụ ngôi sao tên tuổi tham gia cần ngân sách hỗ trợ của nhà nước. Thay vì chỉ nuôi các đơn vị công lập, ngân sách nhà nước nên chia phần cho các sân khấu xã hội hóa một ít để có kinh phí dàn dựng tác phẩm mới, thậm chí theo đơn đặt hàng của nhà nước, khuấy động phong trào, thu hút công chúng để sàn diễn cải lương sáng đèn lâu dài” - NSƯT Minh Vương bày tỏ.
NSƯT Minh Vương cho rằng nhà nước đầu tư xây nhà hát mới nhưng các vở công diễn không lôi kéo được khán giả là một sự lãng phí lớn. “Điều này phải tính toán thật kỹ vì tập trung kinh phí đầu tư mà công chúng không đến xem thì lại là một việc làm hết sức mâu thuẫn. Trong khi đó, đội ngũ nghệ sĩ thế hệ vàng và các nghệ sĩ đương thời được công chúng yêu mến nhưng không thuộc những đơn vị nghệ thuật quốc doanh cần tham gia biểu diễn với các đơn vị xã hội hóa mà các đơn vị này đang gặp khó khăn. Nhà nước phải có chính sách hỗ trợ để giảm giá vé, giảm tiền thuê nhà hát, thuê sàn tập thì mới mong duy trì được hoạt động lâu dài” - NSƯT Minh Vương nhấn mạnh.
Hỗ trợ khi nghệ sĩ còn đủ sức
Theo NSƯT Minh Vương, các hội thảo khoa học về cải lương nhiều nhưng những vấn đề cụ thể nhất, thiết thực nhất thì lại né tránh.
“Khi chúng tôi còn đủ sức, còn tâm huyết để làm thì không được hỗ trợ, tạo điều kiện; đến lúc tuổi già, sức yếu, khó gánh vác trách nhiệm làm ngọn cờ tiên phong thì xem như chúng ta có lỗi với công chúng yêu mến mình. Vì vậy, kỳ vọng lớn nhất của Sân khấu Vàng chính là cần có sự tiếp sức của nhà nước, hỗ trợ ngân sách để chúng tôi tái hoạt động một cách bền vững” - NSƯT Minh Vương mong mỏi.
Kỳ tới: Kim Tử Long muốn thoát “vòng vây”
Bình luận (0)