Nhận định về sự cố cháy sân khấu buổi ra mắt bộ phim “Kong: Đảo đầu lâu” vào ngày 9-3 tại TP HCM, báo Hollywood Reporter nói đó là điềm may cho doanh thu phòng vé của phim này ở Việt Nam.
“Cháy” vé nhiều ngày
Quả đúng như vậy. Các rạp chiếu tại TP HCM đều “cháy” vé trong những ngày đầu tiên phim này công chiếu. Một số rạp của CGV ở các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bình Định… đánh dấu hết vé bán qua online 2/3 số ghế trong rạp. Các cụm rạp Galaxy, BHD dành 2/3 phòng chiếu cho bộ phim này cho biết vé đã bán hết nhiều ngày tới. Cụm rạp Lotte cũng thông báo hết vé trong nhiều ngày tiếp theo, ngay cả các rạp của Lotte ở Nha Trang và Huế cũng không còn chỗ trống. Thống kê của các rạp ở thời điểm này là 99% khán giả đến rạp vì phim “Kong: Đảo đầu lâu”. Đại diện cụm rạp CGV cho biết: “Chưa thể thống kê được con số cụ thể đủ để so sánh với những bộ phim “bom tấn” khác nhưng những gì biểu hiện mấy hôm nay cho thấy tình hình doanh thu phòng vé rất khả quan”.
Khán giả ngồi chờ xếp hàng mua vé vào xem “Kong: Skull Island” tại các rạp ở TP HCM Ảnh: Hoàng Triều
Phong cảnh Việt Nam trong phim thật hoang sơ, hùng vĩ đầy sức hấp dẫn du khách
Tuy nhiên, các nhà phát hành cũng khá ngạc nhiên là các rạp ở Quảng Ninh, Ninh Bình - nơi có nhiều bối cảnh quay trong phim - vé chỉ bán ở mức bình thường (khoảng nửa số ghế trong rạp).
Không chỉ gây sốt ở các phòng vé, “Kong” đang là từ khóa “hot” nhất hiện nay trên mạng. Cư dân mạng bình luận về phim này với đầy sự tự hào, như thể đây là một bộ phim “bom tấn” Hollywood “made in Việt Nam”.
“Kong: Đảo đầu lâu” là phần tiếp theo của loạt phim về King Kong, bắt đầu ra mắt cách đây 8 thập kỷ. Lấy bối cảnh năm 1970, “Kong: Đảo đầu lâu” là câu chuyện về sự tồn tại của một hòn đảo bí ẩn nằm ở vùng biển Thái Bình Dương có mật danh “đảo đầu lâu”. Một đội ngũ gồm các chuyên gia bay tới đảo trong khoảng thời gian dự kiến rất ngắn. Cuộc chạm trán với King Kong cùng nhiều loài sinh vật ghê rợn khác tại đảo đầu lâu trở thành tâm điểm của chuyến đi này.
Xem bằng sự tự hào
Với tựa bài “Đây là thời điểm để nghĩ về King Kong của Peter Jackson” (ra mắt 2005), tác giả Chris Hartwell của Hollywood Reporter viết rằng: “Kong: Skull Island” của Jordan Vogt-Roberts chỉ là một cuộc trình diễn của kỹ xảo và sự thăng tiến của công nghệ. Trong khi đó, Kong của Peter Jackson mang đậm dấu ấn cá nhân đạo diễn và điện ảnh hơn”. Bản thân ngôi sao Samuel L. Jackson (người đóng vai chuyên gia trong phim) cũng thừa nhận rằng: “Tôi thấy mọi người cứ nhắc đến những thông điệp ngầm về bảo vệ môi trường, chiến tranh Việt Nam, tình hình chính trị thế giới vào thời điểm câu chuyện xảy ra trong phim… Trời ạ! Đây chỉ là một phim quái vật thôi! Chúng tôi bị săn đuổi bởi một sinh vật kỳ lạ, chúng tôi chỉ đang chạy trốn khỏi nó thôi” - ông nói.
Công tâm mà nói, câu chuyện của “Kong: Đảo đầu lâu” không xuất sắc. Nó đơn giản là bộ phim thuần giải trí nhưng với khán giả Việt Nam, bộ phim này đặc biệt ý nghĩa khi một nửa bối cảnh phim được quay tại Việt Nam. “Nói chung, xem phim vì có nhiều cảnh được quay ở Việt Nam. Cảnh trên phim đẹp thì đẹp thật nhưng đó là đối với những ai chưa đến những địa danh xuất hiện trên phim. Chứ đến rồi thì thấy và cảm nhận những hình ảnh đó trên thực tế đẹp và lung linh hơn nhiều. Đáng nói là nhờ phim, những hình ảnh đó đã đang và sẽ được cả thế giới biết đến” - khán giả Hiếu Phạm chia sẻ.
Cảnh trong phim
Những hang động hoang sơ to lớn ở Quảng Bình rồi Ninh Bình cho đến vịnh Hạ Long nổi tiếng trở nên thật lung linh, kỳ vĩ trên màn ảnh. Đạo diễn Bảo Nhân (đạo diễn phim “Chạy đi rồi tính”) nhận định: “Điều lớn nhất mà bộ phim đem lại cho khán giả Việt Nam là kích thích được tinh thần dân tộc và niềm tự hào của người trẻ Việt. Họ xem phim và ai cũng sẽ thấy tự hào khoe và chia sẻ lên trang mạng cá nhân của mình về phim. Tôi đánh giá cao cảm xúc đó và đó chính là tác nhân làm nên thành công của phim”.
Hang chuột ở Quảng Bình nơi sẽ dược dựng tượng Kong
Khán giả Nguyễn Anh Tài cho biết đã xem “Kong: Đảo đầu lâu” đến 3 lần trong 2 ngày. Lý do: “Chắc chắn những ai đi coi phim đều có chung một niềm háo hức về những bối cảnh Việt Nam sẽ xuất hiện trên những thước phim đắt giá của Hollywood, điều mà các quốc gia láng giềng đã từng nhiều lần bỏ tiền để đưa những địa danh của nước mình lên phim Hollywood. Có thể nói đến 70% các cảnh quay đều là những bối cảnh hùng vĩ thực hiện tại Việt Nam mà chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra. Phản ứng của những nhân vật trong phim chính là phản ứng của người xem ngay tại rạp: ngỡ ngàng, sung sướng, sững sờ vì quá đẹp”.
Thực tế, những hình ảnh quay tại Việt Nam được xem là điểm nhấn đắt giá của bộ phim. Đúng như đạo diễn Vogt-Roberts phát biểu trong buổi chiếu ra mắt phim tại Hà Nội, phong cảnh Việt Nam tuyệt đẹp và như ở một thế giới khác… Có vẻ mộc mạc, đầy sức mạnh, một vẻ đẹp chưa được khai phá mà các khán giả đại chúng chưa từng được xem trước đây, tất cả đã mang đến “thẩm mỹ hoàn hảo” cho bộ phim.
Kịp thời nắm bắt thời cơ
Để thu hút khách du lịch tới Quảng Bình sau bộ phim “Kong: Đảo đầu lâu” công chiếu, ngành du lịch tỉnh này đang triển khai nhiều kế hoạch quảng bá, xây dựng điểm đến “ăn theo”.
Để hỗ trợ tối đa cho hoạt động du lịch của tỉnh nhà, mới đây Quảng Bình cũng đã ký hợp đồng quảng bá với trang web TripAdvisor nhằm tăng lượt khách nước ngoài đến Quảng Bình trong thời gian tới… Đây dường như là một chiến lược dài hơi để ngay cả khi bộ phim kết thúc người ta vẫn biết đến Quảng Bình là một điểm đến tham quan ngắm cảnh và khám phá phim trường “bom tấn”.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Trần Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, cho biết hiện tỉnh Quảng Bình đã đàm phán thành công với hãng phim Legendary Picture đến từ Hollywood để dựng 3 mô hình tượng tay quái vật Kong tại 3 địa điểm vốn là phim trường gồm thung lũng Chà Nòi, hồ Yên Phú (xã Trung Hóa) và hang Chuột (xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa); xây dựng các tour du lịch liên quan, đưa du khách đến tham quan phim trường.
“Bộ phim với nhiều cảnh quan tuyệt đẹp tại Quảng Bình và một số địa phương khác đã được một lượng khán giả đông đảo trên thế giới quan tâm, những hình ảnh tuyệt đẹp được trình chiếu trong phim chắc chắn sẽ gây tò mò, thôi thúc du khách” - ông Dũng khẳng định.
Còn ông Hồ An Phong, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình, cho biết xuyên suốt sự kiện phim “Kong: Đảo đầu lâu” trình chiếu, một số đạo diễn nổi tiếng của các hãng phim lớn nước ngoài tới dự đã chú ý đến cảnh quan Quảng Bình nói riêng và Việt Nam nói chung; họ dự định thực hiện nhiều cuộc khảo sát cảnh quan Việt Nam trước khi chọn phim trường cho mình.
“Chúng tôi hy vọng “Kong: Đảo đầu lâu” sẽ tạo hiệu ứng kích cầu cho ngành du lịch Quảng Bình và các tỉnh có cảnh quay” - ông Phong nói.
Ông Hoàng Thanh Phong, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình, cho rằng: “Việc đoàn làm phim chọn đất cố đô để quay nhiều cảnh là cơ hội rất tốt để quảng bá danh lam thắng cảnh, giá trị di tích lịch sử văn hóa, con người Ninh Bình đến với bạn bè trong nước và quốc tế. Bộ phim hiện đã được trình chiếu tại Việt Nam, sức ảnh hưởng rất lớn nên du khách đến Ninh Bình sẽ tăng. Vì thế, chúng tôi đang chỉ đạo cho các đơn vị quản lý các điểm du lịch nghiên cứu dựng lại một số hình ảnh mô phỏng về bộ phim cho khách du lịch biết đến. Hiện tại, chúng tôi đang thông qua các hãng lữ hành, các hướng dẫn viên du lịch, những người lái đò khi đưa khách đến du lịch giới thiệu thêm cho du khách biết về những địa danh đoàn làm phim “Kong: Đảo đầu lâu” đã từng quay ở đây”.
Cũng theo ông Phong, một số hình ảnh về phim trường mà đoàn làm phim đã dựng ở Ninh Bình chủ yếu là vật liệu thô sơ nên sau khi quay xong đoàn làm phim đã dọn dẹp, trả lại hiện trạng ban đầu cho danh thắng nên không thể giữ lại được. “Hiện nay, sở cũng đang có ý tưởng và kế hoạch xây dựng lại các phim trường bằng kết cấu chắc chắn để phục vụ du khách lâu dài. Tuy nhiên, những điểm quay phim chủ yếu nằm trong Quần thể di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Tràng An nên việc phục dựng lại phim trường “Kong: Đảo đầu lâu” phải xin phép Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch và UNESCO” - ông Phong cho biết.
Song Tuấn
Bình luận (0)