Phim “Tấm Cám: Chuyện chưa kể” dù ăn khách nhưng trở thành tâm điểm gây tranh luận trong thời gian qua một phần là ở khâu hóa trang. Ngoài nhân vật thừa tướng do NSƯT Hữu Châu đảm nhận được xem là hóa trang thành công, các nhân vật Tấm, Cám, dì ghẻ đều không đạt trong mắt người xem. Nàng Tấm trông già hơn cả dì ghẻ còn nhân vật dì ghẻ lại được hóa trang trẻ trung như chị em của Tấm, Cám. Cách trang điểm đóng khung tính cách nhân vật, nhìn vào là biết hiền, ác như kiểu mặt nạ tuồng đã hạn chế phần diễn xuất của diễn viên.
Thừa lượng, thiếu chất
Nhiệm vụ của một chuyên viên hóa trang là phải “phù phép” sao cho hình thức của diễn viên giống nhất với tạo hình nhân vật được đưa ra từ đầu. Cái khó của hóa trang nhân vật điện ảnh còn ở chỗ phải liền mạch trong các cảnh quay, nghĩa là hóa trang nhân vật trong cảnh quay của hôm sau phải trùng khớp với hóa trang của nhân vật đó đã quay hôm trước. Tóm lại, việc tạo ra phần xác của nhân vật sao cho thật nhất là công việc của nhân viên hóa trang, còn tạo phần hồn cho nhân vật là ở diễn xuất của diễn viên.
Đạo diễn Võ Thanh Hòa nói hóa trang Việt Nam đang trong tình trạng thừa lượng, thiếu chất. Ở nước ngoài, các đoàn phim thường tách riêng bộ phận trang điểm và tạo hình hiệu ứng còn ở Việt Nam, nhiều đoàn phim gộp chung các bộ phận này lại, trộn lẫn công việc vào nhau, mỗi thứ một ít nên không thể chuyên nghiệp được.
Hiện nay, bên cạnh một số nhân viên hóa trang lâu năm trong nghề, còn có lực lượng trẻ theo nghề dạng tự phát. Họ chỉ học trang điểm cô dâu rồi theo phụ một vài phim, học được chút ít cách tạo hiệu ứng đã tự tin nhận làm chuyên gia chính. Thế Vinh, một chuyên viên hóa trang có gần 20 năm trong nghề, tham gia vô số phim như: “Áo lụa Hà Đông”, “Nữ võ sĩ”, “Những thiên thần nhỏ”, “Mắt lụa”, “Kẻ thù giấu mặt”, “Những bà bầu hành động”,… nhìn nhận hóa trang không phải chỉ trang điểm đơn giản, nó là môn nghệ thuật đòi hỏi có năng khiếu, trình độ hiểu biết, sự tìm tòi, kiên nhẫn của một nghệ sĩ hóa trang và còn phải cập nhật kiến thức hằng ngày. “Một số bạn trẻ chỉ mới học trang điểm ở các trung tâm dạy nghề rồi ra làm nghề hóa trang sẽ không xử lý được tình huống của nhân vật, như tạo vết thương, vết sẹo… Còn trang điểm mặt cho diễn viên thì trông như hề. Đôi lúc, do thiếu hiểu biết, họ xử lý hiệu ứng bằng những nguyên liệu hóa chất thiếu an toàn, ảnh hưởng đến sức khỏe diễn viên” - Thế Vinh cho biết.
Thiếu đào tạo chuyên sâu
Trong những phim có tạo hình nhân vật bình thường, trình độ hóa trang của điện ảnh Việt chưa bộc lộ nhiều. Chỉ khi những phim có tạo hình nhân vật đặc biệt, sự yếu kém của khâu hóa trang mới lộ rõ. Thực tế cho thấy hóa trang ở Việt Nam vẫn chưa bắt kịp tốc độ phát triển của điện ảnh, một thực trạng mà người trong giới cũng thừa nhận.
“Bậc thầy hóa trang” Xuân Chính, có 57 năm kinh nghiệm, trăn trở: “Việt Nam chưa có trường đào tạo chuyên sâu về hóa trang. Cách đây 8 năm, tôi có mở khóa cao đẳng ngành này, dạy 12 em. Sau khóa này, lẽ ra, lãnh đạo trường phải mở thêm khóa đại học nhưng không có. Kể cả cao đẳng hóa trang cũng duy trì một khóa rồi chấm dứt! Những tiết học ít ỏi trong các trường hiện nay hay các trung tâm đào tạo diễn viên, nghệ sĩ chẳng thể đủ để cho ra một người hóa trang chuyên nghiệp. Dừng đào tạo, học tập là thụt lùi so với sự phát triển của thế giới”.
Ngày nay, việc đặt mua những nguyên liệu tạo hiệu ứng hóa trang từ nước ngoài chuyển về là không khó. Nhưng sẽ rất khó phát triển nghề nếu không được đào tạo bài bản và nâng cao.
Nhân viên hóa trang Triển Lương cho biết anh dự định sẽ sang Mỹ học một khóa nâng cao về hóa trang ở Hollywood. Tuy nhiên, với nhiều nhân viên hóa trang khác, đây là chuyện trong mơ bởi thu nhập từ công việc này hiện chỉ đủ để họ trang trải cuộc sống hằng ngày.
Thời gian qua, nhiều phim do các đạo diễn Việt kiều, nhà sản xuất Việt kiều hợp tác thực hiện có mời những chuyên viên hóa trang cũng là Việt kiều hoặc người nước ngoài tham gia đoàn phim. Những nhân viên hóa trang Việt Nam được mời phụ việc có cơ hội học hỏi kinh nghiệm để nâng cao tay nghề hóa trang nội địa.
“Tôi mong các ê-kíp nước ngoài với trình độ, kiến thức chuyên môn cao tham gia thật nhiều phim Việt. Chính họ sẽ góp phần nâng tầm nghệ thuật trong nước, trong đó có hóa trang. Chuyện cạnh tranh, sàng lọc dựa theo cơ chế công bằng, người giỏi sẽ đi tiếp còn người không có năng khiếu phải dừng lại, đó là lẽ thường” - Thế Vinh khẳng định.
Nhà sản xuất chưa thật sự coi trọng
Từ những bình luận trên trang mạng xã hội Facebook về hóa trang nhân vật của bộ phim “Tấm Cám: Chuyện chưa kể” cho thấy khán giả không chỉ quan tâm đến diễn xuất của diễn viên, kịch bản mà còn bắt đầu “soi” nhiều ở các khâu khác như kỹ xảo, hóa trang.
“Nhà sản xuất không có kinh phí để làm như nước ngoài nên đành chấp nhận. Chúng tôi có được ê-kíp vừa đủ. Còn lại là đòi hỏi nỗ lực của ê-kíp thế nào đó để đạt được thành quả tốt nhất từ những gì mình có” - đạo diễn Võ Thanh Hòa chia sẻ.
Đạo diễn Thanh Hòa kể thêm lúc làm phim “Bệnh viện ma” có dự định thuê chuyên gia tạo hình nhân vật từ Thái Lan sang hóa trang nhân vật ma. Tuy nhiên, nhân vật ma chỉ chiếm 10%-15% thời lượng phim, khoảng 10-15 phút nên làm theo cách ấy sẽ tốn chi phí rất nhiều. Cân nhắc kỹ, chúng tôi quyết định để hóa trang Việt tự làm.
Nhà sản xuất Jenni Trang Lê cho biết gần đây, lượng phim của điện ảnh Việt tăng vọt, nhu cầu sử dụng các nhóm hóa trang chuyên nghiệp cũng tăng, tạo ra thị trường sôi động buộc hóa trang phải tự nâng cao tay nghề. Theo Jenni Trang Lê, phim “Tấm Cám: Chuyện chưa kể” bị khán giả soi chi tiết như thế là tín hiệu tốt. Khán giả bắt đầu quan tâm đến hóa trang nhân vật chứ không bỏ lơ như trước đây. Sự thay đổi này góp phần khiến người làm nghề phải lắng nghe, rút kinh nghiệm để làm tốt hơn.
Bình luận (0)