Có thể khẳng định ngay là thanh sắc của Lệ Rơi thuộc diện không thể cải tạo vì vừa chát vừa nghịu, hay lẫn lộn 2 âm n-l, lại không tốt mã. Bởi vậy, đừng mong biến Lệ Rơi thành ca sĩ đúng nghĩa. Bản thân anh chàng này ngay từ đầu cũng không nghĩ đến điều ấy mà chỉ hát lại một số bài nổi tiếng, thu rồi phát trên YouTube cốt để mua vui, xả stress như chính anh đã “thưa chuyện”: “Ca sĩ Lệ Rơi thì chỉ được cái hay hát chứ hát thì không hay “nắm”... Xin cả nhà cho một tràng pháo... hoa giòn giã “nên lào!”...”. Cứ thế, trước khi hát bài nào, anh cũng trần tình đôi câu, rất thật lòng. “Ca sĩ” thích thì mặc áo, không thì cởi trần; hậu trường bữa thì bức tường cũ mốc, hôm thì chiếc mùng đã ngả màu đang buông lơi, sao cũng được.
Có vậy mà trở thành hiện tượng. Người này truyền người kia, đua nhau xem Lệ Rơi hát, chia sẻ đường dẫn (link) cho nhau. Ngặt nghẽo. Sảng khoái. Hể hả. Nhăn mặt. Bĩu môi. Chửi thề... Sắc thái nào cũng có. Mặc, Lệ Rơi vẫn “thưa chuyện”, vẫn hát, vẫn phát lên YouTube. Nhiều nhóm bạn trẻ kéo về tận nhà thần tượng ở Hải Dương để xin chữ ký, “đặt hàng” bài mới, rồi vặt ổi, hốt trứng gà. Có nơi còn mời anh giao lưu trực tuyến, “níu no” trả lời cả rừng câu hỏi; có điểm biểu diễn đưa anh về hát, nghe đâu cát-sê cao hơn cả Angela Phương Trinh. Giới showbiz chấn động. Nhiều ca sĩ lâu nay nửa chìm nửa nổi bây giờ ngơ ngác hỏi nhau “Lệ Rơi là ai?”, rồi tìm nghe và kéo cả bạn bè cùng các fan (người hâm mộ) vào dè bỉu, miệt thị thậm tệ. Một bộ phận công chúng cũng lên án Lệ Rơi, cho rằng anh ta đã phá hoại âm nhạc...
Cần phải bình tĩnh phán xét. Lệ Rơi nào có tội tình gì. Anh ca không hay, anh đàn cũng dở nhưng vì đam mê nên cứ hát, hát vô tư, đó là quyền của anh. Và bất cứ ai cũng đều có quyền đó. Anh không ép hoặc dùng thủ thuật để gài người khác phải nghe. Ai thích thì nghe, rồi cười hoặc mếu, tùy người; không thích thì đừng click vào nữa, thế thôi. Do đó, đừng kết tội anh là thảm họa của âm nhạc!
Những người tranh thủ Lệ Rơi để kiếm tiền cũng không đáng bị lên án. Câu view (lượt xem) nhằm thu hút quảng cáo; rước anh về hát, có bán vé thu tiền, thậm chí mời anh làm đại diện nhãn hàng và trả thù lao cho anh, tất cả đều hợp lý, thể hiện sự nhạy bén và sáng tạo.
Dẫu biết tận dụng thời cơ thì đáng khen nhưng ai đó đừng cố đưa Lệ Rơi vào hẳn giới showbiz, ngồi xổm trên nghệ thuật. Làm vậy là coi rẻ nghệ thuật, xem thường công chúng. Lệ Rơi chìm hay nổi phụ thuộc thái độ của người đón nhận. Phát miễn phí trên mạng, họ nghe rần rần nhưng bán vé thu tiền thì chưa chắc. Có thể anh đắt sô vài buổi đầu bởi sự tò mò song rồi sẽ sớm hẩm hiu. Những gì được đón nhận dễ dãi thì sẽ bị từ bỏ rất dễ dãi. Mọi sự rồi sẽ lắng xuống, trật tự cũ được lập lại. Chàng nông dân 28 tuổi Nguyễn Đức Hậu (tên thật của Lệ Rơi) không thể bay vào thánh đường nghệ thuật bằng giấc mơ bong bóng do người khác thổi phồng lên mà phải trở về với vườn ổi bình lặng của mình. Chỉ tiếc một điều là sự hồn nhiên, chất phác trong anh chắc chắn bị bong tróc bởi những ồn ào, thị phi của người đời. Âu đó cũng là lẽ thường!
Bình luận (0)