xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Lệ Thủy, Minh Vương, Ngọc Giàu, Hồng Nga "tám chuyện" ngày Tết

​Bài và ảnh: Thanh Hiệp

(NLĐO) - Trong thời khắc chuyển giao giữa năm cũ 2016 và chào năm mới 2017, người nghệ sĩ chào đón xuân Đinh Dậu trong niềm hân hoan trước những tín hiệu vui của sàn diễn. NSND Lệ Thủy, NSND Ngọc Giàu, NSƯT Minh Vương, NS Hồng Nga đã có cuộc trò chuyện đầu xuân với PV báo NLĐ.

NSND Lệ Thủy
NSND Lệ Thủy

Phóng viên: Mỗi khi dịp tết đến vì sao khán giả thường nhắc đến cụm từ “ăn tết mút mùa Lệ Thủy”? NSND Lệ Thủy: “Mút” được hiểu theo kiểu của người dân địa phương là đi đến tận cùng, tận hưởng trọn vẹn một cái tết sau những ngày đồng áng, lao động vất vả. Cũng có nơi cô bác thương tôi mà ngày Tết thì thường có đờn ca tài tử, nhà nào cũng có dàn âm thanh, đờn, thậm chí có nơi dựng nhà bạt làm sân khấu, cứ hễ khách tới chúc tết là lên sân khấu ca, chọn các bài ca cổ đã gắn liền với tên tuổi của tôi mà ca cho tới “mút mùa” tháng giêng. Ngày nay thì bà con nông dân không có ăn Tết đến hết tháng giêng đâu, lo mần ăn sớm nên “mút” lắm thì đến hết mùng 10 là bắt đầu tăng gia sản xuất rồi.

* Riêng bà, cứ đến tết năm con gà, bà nhớ điều gì nhất?

- Tôi tuổi Tý, nhớ hồi nhỏ má tôi thường đến ngày tết thì gói một tờ giấy bạc trong đó có một nhúm gạo. Má tôi nói đó là lộc và kêu tôi bỏ vô túi. Vì chuột hay sa hũ nếp, hũ gạo, má tôi tin lớn lên tôi sẽ nhận được nhiều lộc xuân từ cuộc sống này. Mà điểm lại cũng phải, tôi theo nghề hát, nhờ giọng ca mà làm nên chuyện, lăn lộn với nghề, đời nhào nặn cho tôi rất nhiều niềm tin để tôi hóa thân vào các nhân vật phụ nữ chung thủy, trung kiên, giàu lòng nhân ái, nên bà con cô bác yêu quý. Tôi nhớ có một năm Dậu, khán giả ở vùng quê nghèo miệt Sóc Trăng gửi tôi một con gà đã luộc sẵn khi đoàn Văn Công TPHCM về diễn. Gà vườn mà chấm muốt ớt, nặn chua thì còn gì bằng. Cả đoàn ăn thật ngon, đến gần hết con gà mới thấy một miếng giấy ghi “gia đình con hâm mộ cô Lệ Thủy lắm, ăn gà này nhớ chừa lại cặp chân gà mang về treo trên giàn bếp để quanh năm cô bươi quào và cất tiếng “gáy” vang dội nhé cô!”. Tôi xúc động vô cùng, liền lấy cặp chân gà mang về treo đến khô quéo. Cứ đến năm Dậu thì nhớ đến cặp chân gà dễ thương đó. Ngày Tết hướng đến những thông điệp mới của nghề hát.

Tác giả và NSND Lệ Thủy
Tác giả và NSND Lệ Thủy

* Sân khấu cải lương mùa xuân này đã đưa rạp Hưng Đạo mới vào hoạt động. Là một ngôi sao của thế hệ vàng, bà nghĩ gì về xu thế đổi mới mà sàn diễn cải lương đang hướng tới?

- Tôi tin là với tài năng lãnh đạo của NSND Trần Ngọc Giàu, đồng thời là chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM, anh sẽ lèo lái cho Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang được sáng đèn quanh năm. Tết này sàn diễn có ba vở mới: “Hiu hiu gió bấc”, “Hồn ma báo oán”, “Mộng hoa vương” sẽ là tiền đề cho những đoàn hát thuộc thương hiệu Trần Hữu Trang vươn dậy sau thời gian “ngủ đông” vì không có sàn diễn. Nhà hát có một sân khấu thể nghiệm, tôi tin sẽ là nơi để các diễn viên trẻ tung tẩy sáng tạo. Đổi mới trong cách sáng tác kịch bản, dàn dựng và biểu diễn, để cải lương gần hơi với giới trẻ. Thông điệp ngày Tết của nghệ sĩ thường là vui vẻ, có hậu, nhưng năm nay trước quá nhiều khó khăn của nghề, thì phải thêm một thông điệp nữa, đó là sự sâu sắc trong từng tác phẩm. Tôi nhớ hoài lời dạy của thầy tôi – NSND Viễn Châu, “cải lương chỉ xoay quanh bốn chữ: trung, hiểu, tiết, nghĩa”, bắt nó chở quá nhiều thứ chủ đề sẽ bị khẳm”. Ý ông nói con thuyền lướt sóng chở quá nặng thì không đi tới bờ. Bằng chứng có quá nhiều trại sáng tác không có kịch bản cải lương hay. Ngày Tết, tôi chỉ ước nguyện mùa xuân sẽ về với sàn diễn đúng nghĩa một khi nghệ sĩ đoàn kết, chung lòng vượt qua khó khăn, làm vở nghiêm túc, mượt mà, nâng níu từng câu ca, lời thoại, để khán giả yêu quý viên ngọc cải lương.

* Vậy Tết năm nay bà có “mút mùa” với tiếng hát của mình?

Như mọi năm, tối mùng 2 Tết tôi tổ chức tân niên, toàn thể anh em nghệ sĩ đoàn cải lương Kim Chung tề tựu mừng xuân. Chúc nhau an lành, hạnh phúc và mong mọi điều tốt đẹp sẽ đến với nghề nghiệp dù ai trong chúng tôi cũng đều đã lớn tuổi, nhưng hễ được mời đóng vai nhỏ hỗ trợ đàn em thì vui lắm. Tôi rất mừng năm 2017 này đã kỷ niệm 8 năm thành lập chương trình “Bước chân 2 thế hệ” và ngày 15-4 con trai tôi sẽ tổ chức chương trình “Bước chân 2 thế hệ” lần thứ 20. Sau mùng 3 tôi mới bắt đầu đi hát, năm nay lại xuôi ngược ra miền Trung, rồi về miền Tây, đi đến đâu cũng được yêu cầu ca “Miền Tây quê tôi”, “Dòng sông quê em”, “Tô Ánh Nguyệt”, thật là ấm lòng.

NSND Lệ Thủy và ca sĩ Dương Đình Trí
NSND Lệ Thủy và ca sĩ Dương Đình Trí

“Khôi nguyên” 41 tuổi

NSƯT Minh Vương vẫn tin rằng sức khỏe cho anh nhiều ước nguyện trong năm 2017, khi căn bệnh thận của anh sau ca ghép thành công đã cho anh được quay lại sàn diễn. Tết này anh đã trải lòng với suy nghĩ của một “Khôi nguyên vọng cổ” mới… 41 tuổi.

NSƯT Minh Vương và NSND Lệ Thủy, NS Bình Tinh, ca sĩ Dương Đình Trí
NSƯT Minh Vương và NSND Lệ Thủy, NS Bình Tinh, ca sĩ Dương Đình Trí

* Điều gì khiến ông vui nhất trong mùa xuân này, điều mà đã mang lại cho ông nhiều cảm xúc nghệ thuật?

NSƯT Minh Vương: Sau 40 năm, lần đầu tiên bài hát “Ly rượu mừng”- một trong những ca khúc xuân kinh điển của cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương được nhiều thế hệ yêu thích chính thức được phép phổ biến trong nước. Tôi vui lắm, vì tôi thích bài hát này. Có thể tôi sẽ nhờ soạn giả Đăng Minh viết lời vọng cổ, biến nó thành tân cổ giao duyên để ca trong dịp Tết. Trong chúng ta ai cũng biết dư âm của bản nhạc Happy New Year do nhóm nhạc huyền thoại Abba trình bày luôn văng vẳng trong lòng của nhiều người Việt. Có thể thấy Happy New Year được ưu ái vang lên ở mọi nơi, từ truyền hình quốc gia cho đến các phương tiện truyền thông của online điện tử. Trong khi đó ở Việt Nam vẫn có những bản nhạc xuân và mang đậm chất Việt, trong số đó tiêu biểu tiêu biểu nhất có thể nhắc đến Ly rượu mừng của nhạc sĩ Phạm Đình Chương.

NSƯT Minh Vương và NSƯT Thoại Mỹ trong vở Kim Vân Kiều
NSƯT Minh Vương và NSƯT Thoại Mỹ trong vở "Kim Vân Kiều"

* Ngày xuân ông thường chọn món ăn nào để nhớ đến quê nhà và gia đình mình? Tuổi thơ của ông nhớ nhất ngày tết năm nào?

- Xuân này rất vui vì tôi đã trải qua ca phẫu thuật ghép thận được 5 năm rồi, tôi là chàng trung niên 41 tuổi. Nói về ngày Tết, nói về ước nguyện đầu xuân, tính cách phóng khoáng của người miền Tây, dù giàu hay nghèo, vẫn “sáng ăn cơm sườn, chiều ăn nước tương, tối leo lên giường, nằm nghe cải lương”, thì Tết miệt vườn ngày xuân khiến tôi nhớ đến tuổi thơ. Tết còn là dịp mong ngóng để được ăn dưa hấu thỏa thích. Vì dưa hấu là loại trái mà chỉ Tết thì người ta mới bày bán, chứ không có quanh năm như bây giờ. Tôi thường lên xe về quận 8, nơi tôi sinh ra và lớn lên trong những ngày Tết. Hồi đó quận 8 nghèo lắm, nhìn như một xã của một tỉnh lẻ vậy. Tết nào tôi cũng được ba má lì xì mừng tuổi. Ba má tôi chúc con cháu học hành chăm ngoan. Còn con cháu thì sum vầy bên ông bà chúc thêm tuổi thọ sống cùng với các thế hệ trong gia đình. Anh chị em nghệ sĩ đoàn Kim Chung nhiều năm rồi vẫn vậy, đến thăm tôi và chúc Tết vào ngày mùng 2. Còn món ăn thì hương vị bánh tét mang lại không gian tết thật yên bình. Đó là những cái Tết tôi lẽo đẽo theo chân bà nội nấu bánh tét. Bà tôi khéo tay lắm, bà nói, nấu bánh tét không phải nấu món ăn mà là một nghi lễ quan trọng. Đòn bánh phải vuông, tất cả đều phải chặt, đều nhau tăm tắp vì nó tạo ra hình dáng và cả khẩu vị của bánh. Bánh thành phẩm phải thật dẻo, hạt nếp nở ra hết cỡ thành như bột nhưng nén chặt nên vẫn còn nguyên hình dạng. À, tôi còn có thú vui Tết với việc chưng thật nhiều cây cảnh, chậu hoa để khu vườn nhỏ sáng rực ngày xuân.


NSƯT Minh Vương và NSND Lệ Thủy trong vở Tô Ánh Nguyệt (Sân khấu Vàng)

NSƯT Minh Vương và NSND Lệ Thủy trong vở "Tô Ánh Nguyệt" (Sân khấu Vàng)

* Sau cuộc triển lãm ảnh nghệ thuật nhân kỷ niệm 40 tuổi, năm 2017 ông có dự án nghệ thuật nào?

- Tôi và NSND Lệ Thủy dự tính sẽ có thêm nhiều suất diễn gây quỹ từ thiện chăm lo cho nghệ sĩ già yếu, neo đơn mang tên “Sân khấu vàng”. Chúng tôi sẽ tiếp sức với các quỹ học bổng dành cho con em nghệ sĩ nghèo. Bây giờ Tết đến chỉ ước có sức khỏe để có thể tiếp tục ca diễn trên sân khấu, đem niềm vui đến cho mọi nhà, vì khán giả yêu mến tôi đã gọi tôi là “Khôi nguyên vọng cổ” thì tôi phải cố gắng giữ gìn thương hiệu đó cho lúc nào cũng thanh xuân.

NSND Lệ Thủy và NSND Ngọc Giàu trong vở Đời cô Lựu
NSND Lệ Thủy và NSND Ngọc Giàu trong vở "Đời cô Lựu"

NSND Ngọc Giàu trong vai Bảy cán vá (vở Đời cô Lựu)

NSND Ngọc Giàu trong vai Bảy cán vá (vở "Đời cô Lựu")

“Bảy cán vá” vui xuân nhớ cháu ngoại

NSND Ngọc Giàu nhớ đến cháu ngoại vì bà đã rời xa cháu nhiều tháng sau chuyến lưu diễn tại Mỹ. Quanh năm tham gia nhiều game show với vai trò giám khảo và đóng nhiều bộ phim tạo dấu ấn mới cho sự nghiệp. Năm Dậu ẩn tuổi Dậu, bà trải lòng về một cái Tết thèm tiếng cười reo vui của các cháu ngoại.

* Năm nay là năm tuổi, bà nghĩ điều gì về hai chữ sum vầy, trong khi con cháu của bà đều định cư tại Mỹ?

- NSND Ngọc Giàu: Tết đến cũng là thời khắc tôi thèm được nghe tiếng cười nói của hai cháu ngoại. Nhờ có công nghệ từ máy tính bảng mà tôi dễ dàng nói chuyện với hai cháu, nhìn thấy hai cháu diện quần áo mới khoanh tay chúc tết ông bà. Ông sui của tôi bên Mỹ vừa mới qua đời, nên con gái tôi và rể Tết này không về thăm nhà. Tôi thì nhận lời đi diễn tại rạp Công Nhân, với hai vở mới do đạo diễn Lê Nguyên Đạt dàn dựng. Nên mỗi ngày diễn hai suất cũng đỡ buồn, tối đến về vẫn hủ hỉ với ông xã và bật máy tính bảng để nói chuyện với cháu ngoại. Năm tuổi ông bà xưa nói cần kiêng kỵ đủ chuyện, nhưng với tôi phước lộc đến với mình từ những điều mà trong cuộc sống mình đi đúng hướng, không sai lệch. Vậy là đủ tin đức lành sẽ đến với mình. Tôi đã hơn 70 tuổi rồi, vẫn được khán giả yêu mến, là một món quà xuân nhiều ý nghĩa. Có thể trong năm 2017 tôi sẽ cùng ông xã sang Mỹ để thăm các cháu, vì các cháu ngoại tôi còn nhỏ, bế về thì cực cho ba mẹ của các cháu.

NSND Ngọc Giàu và NSƯT Hoài Linh trong vở Đời cô Lựu
NSND Ngọc Giàu và NSƯT Hoài Linh trong vở "Đời cô Lựu"

* Ước nguyện đầu xuân của bà là gì?

- TPHCM sẽ có thêm nhiều sàn diễn sáng đèn với nhiều tác phẩm hay. Rạp Hưng Đạo đã sáng đèn là điều mà tất cả nghệ sĩ cải lương mong đợi. Kịch nói sẽ có nhiều vở diễn đỉnh cao, để thu hút khán giả đến rạp. Năm 2017, kịch nói sẽ sang Mỹ lưu diễn với nhiều tác phẩm hay, mà bà con kiều bào luôn mong đợi. Tôi có thêm lời mời sang Mỹ lưu diễn nhưng lại diễn “Đời cô Lựu”, vì khán giả thích vai cô Bảy cán vá của tôi.

* Rất nhiều nghệ sĩ thế hệ vàng đang chuẩn bị viết hồi ký, bà có nghĩ đến việc xuất bản quyển sách của mình?

- Chưa đâu, còn quá sớm, để tôi ăn Tết cho vui, nhắc chuyện này thấy nhức đầu lắm. Theo tôi đã là hồi ký, tự truyện thì cũng phải trung thực, còn viết mà tự tô hồng mình thì kỳ lắm, nên phải suy nghĩ cho thật kỹ mới dám gật đầu. Nhiều nhà xuất bản đã yêu cầu, có nơi đặt luôn cả tiền tạm ứng, nhưng tôi dè dặt vì muốn được ăn Tết cho vui.


NS Hồng Nga

NS Hồng Nga

NS Hồng Nga: Tết vọng cố hương

Sang Mỹ thăm gia đình và biểu diễn trong mùa Tết, nghệ sĩ Hồng Nga đã cho biết đến đầu tháng 4-2017 bà mới về Việt Nam để tổ chức chuyên đề sân khấu “Tiếng hát tri ân” nhằm làm công tác từ thiện.

Phóng viên: Năm nay vì sao bà quyết định ăn Tết với cộng đồng kiều bào tại Mỹ?

- NS Hồng Nga: Nhiều năm rồi cứ lỗi hẹn, vì về VN ăn Tết với các con. Năm nay tôi phải đền bù lời thất hứa đó. Bởi nhìn lại mình đã hơn 70 tuổi rồi, không biết ngày mai sẽ ra sao, nên phải trả món nợ ân tình với khán giả kiều bào, để phục vụ Tết Đinh Dậu bằng những trích đoạn cải lương, những bài tân cổ giao duyên. Năm qua là năm mất mát quá lớn của nghệ sĩ sân khấu, nhắc lại tôi còn thấy sợ. Có người mới gặp vài ngày, thì hôm sau đã hay tin về cõi vĩnh hằng. Thôi ngày Tết không nên nói chuyện buồn, nhưng “lá vàng thì cứ rơi rụng như mưa, khoảnh khắc ngày xuân thì không hề phai nhạt” – đó là tâm trạng của người nghệ sĩ.

* Khán giả kiều bào năm nay đón chào những chương trình, vở diễn phục vụ Tết như thế nào?

- Phấn khởi lắm. Nhờ lực lượng nghệ sĩ trong nước sang tiếp ứng nên sàn diễn cải lương sáng đèn liên tục tại nhiều tiểu bang có đông khán giả kiều bào sinh sống. Tại quận Cam có chương trình Cổ nhạc phương Nam của NS Tuấn Châu, Ngọc Đáng; tại Atlanta có chương trình “Cải lương tôi yêu”; tại Phoenix của Arizona có CLB Xương rồng trắng của NS Kim Phụng chuyên biểu diễn cải lương; ở Texas có bà bầu Kiều Sương… tất cả hoạt động nhộn nhịp, tổ chức những suất hát mừng xuân, chào đón khán giả đến ăn tết với nghệ sĩ cải lương.

* Là người đón xuân ở nhiều quốc gia khác nhau, bà có suy nghĩ gì về ngày tết của kiều bào xa xứ?

- Tôi có con gái sống ở Thụy Sĩ, Áo, nên mùa xuân những năm trước đã đón Tết tại hai đất nước này. Ngày tết vẫn phải đi làm vì không rơi vào ngày cuối tuần. Khí trời se lạnh, chỉ có đêm 30 thì các con chở tôi đi chùa người Việt, đến đó thắp nhang vọng cố hương. Bà con mình xa xứ nhưng vẫn nhớ cội nguồn dân tộc, nhất là cố hướng con cháu giữ truyền thống văn hóa của ông cha. Có nhiều ý kiến ăn Tết Dương lịch, bỏ Tết cổ truyền, nhưng theo tôi khó mà thay đổi, vì những tục lệ của ông bà đã ngấm sâu vào máu. Phần đông khán giả kiều bào vẫn thích được ăn Tết truyền thống, còn Tết Dương lịch là tết của người phương Tây. Riêng với tôi, nơi nào vang lên tiếng hát của người Việt, bất kể vùng miền với tuồng, chèo, quan họ, chầu văn, ca xẩm, cải lương hoặc dân ca, bài chòi…thì đều thấy mình đang ở rất gần với quê nhà.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo