Thế giới có nhiều trường hợp nhà văn giàu lên nhờ bản quyền tác phẩm, đó là khi tác phẩm của họ gây được tiếng vang và được chuyển thể thành nhiều loại hình tác phẩm khác nhau, đặc biệt là điện ảnh, chẳng hạn như “Trăng non”, “Harry Potter”… Còn ở Việt Nam, các nhà văn vẫn đang loay hoay phân định trong mớ bòng bong giữa giá trị đích thực của tác phẩm với tính thương mại của nó trên thị trường. Bản quyền tác phẩm văn học bán với giá cao cũng dễ gây sốc mà bán với giá “bèo” lại mất giá trị. Vì tác phẩm văn học thuộc loại “hàng hóa” vô giá, cho nên việc định giá cho nó không hề đơn giản.
Cán cân giá trị và giá tiền
Việc một tác phẩm văn học chưa tới tầm mà thổi giá cao lên đến tiền tỉ khiến người trong giới chuyên môn dè bĩu như tập thơ “Quà tặng cho con”. Nhưng những tác phẩm có thể bán bản quyền làm phim vài trăm triệu đồng như tiểu thuyết “Quyên” mà lại được “bán như cho” với giá 0 đồng cũng khiến tác giả nặng lời phê phán. Những nhà văn ý thức được giá trị tác phẩm của mình, như nhà văn Ma Văn Kháng, cũng không đồng ý giá bán 0 đồng.
“Tôi đã ký hợp đồng ủy quyền quản lý và khai thác tác phẩm với Ban Bản quyền Hội Nhà văn Việt Nam. Nhưng cho đến giờ, tôi chưa nhận được bất cứ thông tin nào về việc tác phẩm của tôi có nằm trong số 189 tác phẩm đã bán bản quyền khai thác cho Waka hay không? Ngoài tạp chí điện tử Waka, Ban Bản quyền Hội Nhà văn Việt Nam có thương thảo, kết nối với đối tác nào khác? Có thể đó là bí mật kinh doanh của các bên? Hoặc nhà văn Đỗ Hàn do mới tiếp nhận ban bản quyền, trước đây là nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ quản lý, nên cũng chưa nắm rõ được tình hình và thông báo tới các nhà văn?” - nhà văn Ma Văn Kháng đặt vấn đề.
Chắc chắn 189 tác phẩm mà Waka lựa chọn mua, theo họ phải là những tác phẩm tạo cảm giác sẽ mang lại doanh thu cao. Thế nhưng, sau 6 tháng hợp đồng mua bản quyền khai thác 189 tác phẩm này có hiệu lực (kể từ ngày 1-1-2016), đến nay, tạp chí điện tử Waka mới chỉ số hóa được 153 tác phẩm. Trong khi đó, quyền khai thác đã mua chỉ có thời hạn 1 năm. Nhiều câu hỏi đặt ra: Liệu có phải Waka làm chậm quá? Hay là qua thực tế, doanh số thấp từ một số ấn bản đã số hóa cho thấy dự đoán về doanh số thu được từ các tác phẩm đã lựa chọn là không chính xác nên đơn vị đầu tư cũng không còn hào hứng triển khai? Sáu tháng còn lại, dự kiến doanh số cho khối tác phẩm này sẽ như thế nào? Cuối cùng thì các nhà văn thực sự nhận được bao nhiêu? Hay chỉ là ký kết qua loa, đối soát cho xong?...
Quan trọng là bán cách nào?
Khai thác bản quyền tác phẩm văn học trên ấn bản điện tử không phải công việc dễ dàng. Ông Trần Trọng Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dịch vụ trực tuyến Vinapo - một trong những đơn vị phát hành sách điện tử lớn tại Việt Nam (hiệu sách điện tử Alezaa giúp độc giả có thể tìm đọc hơn 10.000 tựa sách có bản quyền), cho biết theo kinh nghiệm bán hàng của hiệu sách điện tử Alezaa, sách văn học không phải món hàng dễ bán. “Thường độc giả đã thích văn học, họ thường lưu giữ ấn bản ấy. Thế nên, những cuốn sách văn học Việt Nam hàng đầu như “Nỗi buồn chiến tranh” của nhà văn Bảo Ninh hoàn toàn không phát hành bản điện tử”.
Ông Trần Trọng Thành cho biết thêm: “Theo doanh số bán sách thực tế, có thể thấy giới trẻ hiện nay đang chú trọng đọc những cuốn sách kỹ năng để phát triển bản thân, tích lũy kiến thức và rèn luyện nhân cách còn sách văn học rất khó có tác phẩm nào tác động trực tiếp tới bạn đọc theo khía cạnh này. Độc giả đọc sách điện tử phần lớn là giới trẻ hoặc nếu không còn trẻ thì phải là những người ưa thích tiếp cận với công nghệ và đã sử dụng máy tính bảng, điện thoại thông minh. Thế nên, việc họ lựa chọn sách kỹ năng để mua cũng là điều dễ hiểu”.
“Không quan trọng nhà văn thu được bao nhiêu tiền nhưng rất cần đơn vị phát hành phải minh bạch” - nhà văn Ma Văn Kháng nói.
Một trong những nhà văn Việt Nam sống tốt bằng tiền nhuận bút từ tác phẩm văn học và tiền bản quyền từ các tác phẩm phái sinh phải kể đến nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Ông cho biết toàn bộ tác phẩm của ông đều đã ủy quyền quản lý bản sách Việt ngữ cho các nhà xuất bản. Hợp đồng bản quyền của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh thường có thời hạn 5 năm; hết thời hạn, nếu vẫn tin cậy nhau sẽ tiếp tục gia hạn. Còn khi tác phẩm được chuyển thể sang truyện tranh, dịch sang tiếng Anh, quyền làm phim, dựng vở trên sân khấu kịch…, nhà văn vẫn giữ quyền đó nhưng gần đây vì các công việc này phát sinh khá nhiều nên nhà văn Nguyễn Nhật Ánh ủy nhiệm trong một hợp đồng khác với Nhà Xuất bản Trẻ là đại diện cho tác giả trong vấn đề thương thảo với các đối tác về việc thực hiện tất cả tác phẩm phái sinh. Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cho biết ông rất hài lòng với số tiền nhuận bút sách in và tiền bản quyền thu được từ các tác phẩm phái sinh của mình.
Giàu nhờ bán bản quyền văn học
Những nhà văn Việt Nam sống được bằng nhuận bút và tiền bản quyền chưa nhiều nhưng nhìn sang các nước trong khu vực sẽ thấy hiện tượng nhà văn giàu lên nhờ bán bản quyền tác phẩm văn học chuyển thể kịch bản phim là không ít. Ngay cả lứa nhà văn trẻ hiện đại với các tác phẩm dễ đọc, nhuốm màu ngôn tình vẫn có thể “bành trướng văn hóa” và thu tiền như: “Hóa ra anh vẫn ở đây” của Tân Di Ổ được chuyển thể thành phim cùng tên tạo nên cơn sốt mới trên màn ảnh Hoa ngữ; phim“Bên nhau trọn đời” được chuyển thể từ tiểu thuyết của Cố Mạn, đưa Huỳnh Hiểu Minh trở thành “soái ca” trong con mắt giới trẻ; tiểu thuyết ăn khách “Anh có thích nước Mỹ không” của nhà văn Tân Di Ổ trở thành phim “So Young” do “én nhỏ” Triệu Vy đạo diễn, đạt thành tích phòng vé cao cùng nhiều giải thưởng lớn; “Ngôi nhà hạnh phúc” là bộ phim được chuyển thể từ bộ truyện cùng tên của tác giả Hàn Quốc Won Soo Yeon làm điên đảo trái tim người hâm mộ một thời với cặp đôi Bi Rain và Song Hye Kyo…
Bình luận (0)