Bà Tạ Thùy Châu - con gái họa sĩ Tạ Tỵ, người đứng đơn trong vụ kiện tranh mạo danh đầu tiên ở Việt Nam - cho biết đơn khởi kiện của bà sau khi TAND TP HCM chuyển đến TAND quận 4 đã nằm 2 tháng tại đây. Đến giờ, đơn này lại được chuyển về TAND TP HCM do một yếu tố không hề bất ngờ.
Tòa né tránh trách nhiệm?
Như Báo Người Lao Động đã có các bài viết phản ánh: “Kiện chủ nhân bức tranh mạo danh ra tòa”, “Con gái họa sĩ Tạ Tỵ sẽ kiện kẻ mạo danh”, “Vụ kiện bản quyền tranh Tạ Tỵ: Tòa TP đẩy xuống quận”, đơn kiện được bà Tạ Thùy Châu gửi tới TAND TP HCM từ ngày 3-8-2016 với lý do đây là một sự mạo danh trắng trợn cha của bà - họa sĩ Tạ Tỵ, làm ảnh hưởng đến thanh danh của ông, một người thuộc thế hệ họa sĩ danh tiếng trong những năm đầu tiên của Trường Mỹ thuật Đông Dương.
Bức “Trừu tượng” thật của họa sĩ Tạ Tỵ
“Việc mạo danh này cũng đã làm ảnh hưởng xấu đến nền hội họa Việt Nam. Nạn tranh giả, tranh nhái, tranh mạo danh không chỉ làm đau đầu những họa sĩ sáng tác mà còn làm ảnh hưởng đến giá trị nghệ thuật của quốc gia” - theo bà Châu.
Đơn kiện của bà Châu yêu cầu tòa án giải quyết: “Ông Vũ Xuân Chung phải xóa tên họa sĩ Tạ Tỵ ra khỏi bức tranh đặt tên là “Trừu tượng” mà ông ta đang sở hữu vì bức tranh này không phải do họa sĩ Tạ Tỵ vẽ; công khai xin lỗi gia đình và vong linh họa sĩ Tạ Tỵ; bồi thường các chi phí phát sinh khi phải tiến hành các giám định khác (nếu có) cho đến ngày thi hành án; các chi phí trả cho luật sư”.
Sau đúng 2 tháng gửi đơn lên TAND TP HCM, ngày 4-10-2016, bà Châu nhận được công văn thông báo của tòa chuyển đơn kiện về TAND quận 4 với lý do “không có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài” (nội dung Công văn số 472 ký ngày 4-10-2016). Luật sư Nguyễn Hữu Đức cho biết khoản 1, điều 68 Bộ Luật Tố tụng Dân sự 2015 đã định nghĩa “đương sự” là cơ quan, tổ chức, cá nhân bao gồm nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan”. Trong vụ kiện này, ông Jean Francois Hubert (người ký xác nhận bức tranh nêu trên là của họa sĩ Tạ Tỵ) là người nước ngoài (không định cư, làm ăn, học tập, công tác tại Việt Nam). Căn cứ xác nhận này, ông Vũ Xuân Chung mới đem triển lãm bức tranh tại Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM nên ông Hubert chính là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan - tức là một trong những đương sự.
“Theo quy định tại khoản 3, điều 35 Bộ Luật Tố tụng Dân sự 2015, TAND quận, huyện không có thẩm quyền giải quyết các trường hợp đương sự và tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp đối với các cơ quan tư pháp nước ngoài. Do đó, TAND TP HCM khi chuyển đơn khởi kiện về TAND quận 4 cần phải cân nhắc về thủ tục” - luật sư Đức phân tích.
Dù biết trước việc này nhưng bà Tạ Thùy Châu vẫn kiên nhẫn chờ thêm 2 tháng để TAND quận 4 nghiên cứu hồ sơ vụ việc. Câu trả lời cuối cùng của đại diện TAND quận 4 sau 2 tháng với bà Châu đúng như luật sư đã phân tích - vụ kiện có yếu tố nước ngoài nên không thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND cấp quận. Rõ ràng, TAND TP HCM không thể không biết TAND quận 4 không đủ thẩm quyền giải quyết vụ kiện. Vậy tại sao TAND TP HCM vẫn chuyển đơn kiện về TAND quận 4? Liệu có phải TAND TP HCM né tránh trách nhiệm?
Việc làm chính đáng, cần thiết
“Nếu ông Jean Francois Hubert không phải là người tự ý xác nhận chữ ký mạo danh là chữ ký thật, tự ý xác nhận tranh giả là tranh thật thì Vũ Xuân Chung cần phải cho biết ai là người mạo danh hoặc ai đã bán cho ông ấy bức tranh mạo danh đó. Chúng tôi có sự thật, có chứng cứ về việc bức tranh họ đang giữ không phải là tranh của bố mình sáng tác nên chúng tôi sẽ không để yên như vậy. Kể cả khi bức tranh đã được mang ra nước ngoài, nếu chúng tôi thấy nó xuất hiện ở bất cứ nơi đâu thì sẽ lại tiếp tục kiện họ” - bà Châu cương quyết.
Đối với giới mỹ thuật, đây là câu chuyện quá buồn. Nạn giả danh, sản phẩm sao chép trái phép lại tồn tại ngang nhiên, thậm chí được triển lãm trong những “thánh đường” nghệ thuật hàn lâm.
“Hiện nay có rất nhiều nhà sưu tập tranh tại Việt Nam, trong đó nhiều người mua tranh, sưu tập tranh vì mục đích thương mại. Phần lớn những người này hiểu rất rõ tiểu sử tác giả, lý lịch tác phẩm mà họ định mua. Trong trường hợp cụ thể của gia đình họa sĩ Tạ Tỵ và họa sĩ Thành Chương, không biết nhà sưu tập có phải là nạn nhân hay không nhưng sự việc đã làm mất uy tín các họa sĩ Việt Nam” - ông Huỳnh Văn Mười, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP HCM, nhận xét.
Theo ông Mười, tranh của họa sĩ Tạ Tỵ thuộc trường phái lập thể đầu tiên của Việt Nam. Ông là họa sĩ bậc thầy, đi đầu trong lứa tiên phong của mỹ thuật Việt Nam. Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP HCM bày tỏ: “Việc đấu tranh của gia đình họa sĩ Tạ Tỵ nhằm làm rõ trắng đen là rất chính đáng và cần thiết để góp phần làm cho đời sống văn nghệ của chúng ta lành mạnh. Tôi nghĩ yêu cầu của gia đình họa sĩ Tạ Tỵ cần được pháp luật quan tâm xử lý”.
Chưa thấy hy vọng
Họa sĩ Lê Thiết Cương cho biết gia đình họa sĩ Tạ Tỵ đã mất 5 tháng trời theo đuổi mà chưa có bất cứ tia hy vọng nào trong việc lấy lại công bằng cho mình. “Qua vụ việc này, cái mất mát lớn nhất là lòng tin của giới mỹ thuật và những người yêu tranh. Ra tòa là biện pháp được khuyến khích trong các vụ tranh chấp dân sự nhưng con đường đến đó quá chông gai nên chẳng ai dám nghĩ đến tòa khi có tranh chấp” - họa sĩ Lê Thiết Cương nhìn nhận.
Bình luận (0)