Dù vấn đề thu phí hay bán nhạc trực tuyến vẫn nan giải ở thị trường nhạc số của Việt Nam nhưng cạnh tranh luôn là yếu tố sống còn của các trang mạng kinh doanh âm nhạc hiện nay. Nhạc lossless đang là vũ khí lợi hại của các trang nhạc mạng.
Âm thanh chuẩn
Dạo một vòng trên các website âm nhạc từ nhaccuatui.com, nhac.vui.vn, nhacso.net… các bản ghi âm định dạng mp3, wma, aac, ogg, mpc đang dần được thay thế bởi định dạng file (tệp) wav. Sự thay đổi này xuất phát từ nhu cầu ngày càng cao của công chúng.
“Mọi thứ nay đã khác, kỹ thuật đường truyền đã được nâng cấp rất nhiều so với trước đây. Hơn hết, khán giả hiện nay khó tính lắm. Nhạc nén, chất lượng kém trước đây đều bị đào thải” - ông Nhan Thế Luân, Giám đốc điều hành website nhaccuatui.com, nói. Người ta gọi hệ thống nhạc số hiện nay là thời đại của nhạc lossless compression (nhạc nén không mất dữ liệu).
Nén hoàn chỉnh
Ưu thế tuyệt đối của nhạc lossless là giữ tín hiệu gốc của âm thanh từ đĩa gốc nên phù hợp với người yêu nhạc luôn đòi hỏi âm thanh trung thực mà không có điều kiện sở hữu đĩa gốc. Đây chính là cơ hội để các website âm nhạc làm mới mình. “Âm nhạc phế phẩm là thứ đáng bỏ đi vì thính giả cần âm thanh thật nhưng tinh tế. Website âm nhạc muốn cứu mình cũng phải cung cấp những sản phẩm chất lượng. Không có cách gì khác, nhạc lossless là lựa chọn duy nhất” - ông Nhan Thế Luân khẳng định. Theo ông Luân, trước đây, tất cả những đĩa nhạc sao chép (cả nhạc Việt lẫn nhạc ngoại) mà ta thấy bày bán đầy ở các tiệm đĩa đều là chép từ nguồn mp3 trong máy tính. Do vậy, chất lượng âm thanh kém xa so với đĩa gốc. Nhưng với định dạng lossless, bản ghi thứ bao nhiêu cũng vẫn giữ được dữ liệu ban đầu, nghĩa là chất lượng được giữ nguyên so với đĩa gốc.
Tất nhiên, khi cung cấp âm nhạc trên website miễn phí cho người nghe, để có được bản ghi định dạng lossless, nhà cung cấp chỉ có hai lựa chọn: một là mua bản quyền độc quyền, trả tiền tác quyền hoặc đi “chôm” và chia sẻ thành quả đi chôm đó cho công chúng cùng hưởng. Mục đích duy nhất của việc làm này là thu hút công chúng chú ý đến website âm nhạc của họ để thu lợi quảng cáo. Hầu hết chủ đầu tư của các website âm nhạc thừa nhận việc kinh doanh nhạc mạng ở Việt Nam vẫn khó khăn vì người nghe đòi hỏi file nhạc chất lượng nhưng chưa sẵn sàng bỏ tiền mua như thói quen của người nghe ở nước ngoài. Vì thế, chủ đầu tư phải đối mặt với một bài toán nan giải mà ai cũng biết trước kết quả là làm thế nào để tạo nên một nguồn thu nhập khác đủ nuôi sống website âm nhạc của mình trước khi nghĩ đến thu tiền nghe nhạc từ công chúng.
Từ đó, hành trình đi tìm giải pháp để bảo đảm sự tồn tại của một website âm nhạc bắt đầu.
Người ta không thể nào gửi cả album nhạc đến 700 Mb qua internet với tốc độ èo uột. Do đó, các nhóm nghiên cứu, các tổ chức và nhiều công ty khác nhau đã cố gắng tìm ra những định dạng âm thanh mới, sử dụng những thuật toán riêng để giảm bớt dung lượng dữ liệu nhưng cố gắng giữ cho âm thanh gần với âm thanh gốc nhất. Để nén nhạc theo định dạng lossless, người ta sử dụng phần mềm Exact Audio Copy hoặc Monkey Audio Compressor. Để không bị thêm bớt, thay đổi các dải tần thì sử dụng phần mềm Foobar2000. Để ghi đĩa, có thể sử dụng phần mềm Nero burning hoặc Burrrn - một phần mềm miễn phí đặc biệt. Tất cả đều có thể tìm thấy dễ dàng trên internet. |
Bình luận (0)