Chén rượu chia bôi sóng sánh ngân ngấn mắt người. Trịnh Công Sơn, Ngô Kha, Nguyễn Khoa Điềm, Trần Vàng Sao, Đinh Cường, Bửu Ý, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Bửu Chỉ, Lê Văn Ngăn… sau bao nhiêu năm làm nên tên tuổi cho thi đàn Huế, người lần lượt rời cõi tạm, người sống ở Huế, kẻ rời khỏi chốn cố đô vì những lý do khác nhau của năm tháng về chiều tóc điểm màu sương. Tất cả để lại cho Huế những không gian trống vắng nắng quái hiên chiều.
Những người ở lại, cũng sau đó không lâu, như Tô Nhuận Vỹ, Hồng Nhu, Nguyễn Khắc Phê… đều khiến cho thi đàn Huế một lần nữa lừng lẫy khi đến năm 2012, cả 7 người trong Ban Biên tập Tạp chí Sông Hương lần lượt nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học. Khó có một tạp chí nào trong cả nước được như vậy. Nhưng ám ảnh về sự ra đi trong mỗi tim người từ độ ấy không phải là không hoang hoải.
Ngày đó, khi hơi rượu đã cạn, có người đưa cho tôi bản thảo nghiên cứu về thơ Hàn Mặc Tử của Tường Phong. Ông cũng là một tên tuổi Huế trước đây, giờ ẩn dật trong một ngôi vườn Huế, rất kén khách. Bản thảo ấy là một công trình nghiên cứu xác tín nhất về Hàn Mặc Tử từ tên gọi thi nhân cho đến những câu chuyện tình mà người đời đã thêu dệt quá nhiều. Tuy nhiên, ông Tường Phong vẫn một mực không chịu xuất bản, chỉ cho Tạp chí Sông Hương đăng vài chương quan trọng, rồi thôi. Huế không ít những người như ông, viết rồi để đó, như trả nợ lòng cho những mối quan hoài xưa cũ. Xứ sở đầy những ẩn ức tâm linh đến độ tưởng như đó là sự khiêm nhường quá sức.
Ảnh: Trương Vững
Nhưng cũng có những người đã ngoài thất thập cổ lai hy vẫn dấn thân hết mình. Như hai ông Nguyễn Hữu Châu Phan, Hồ Tấn Phan làm Nghiên cứu Huế khiến cho khách phương xa cầm trên tay mỗi tập dày đến 400 trang khổ A4 không khỏi giật mình. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân với hàng chục công trình nghiên cứu, hồi ký xuất bản liên tục và không hề có dấu hiệu dừng lại. Nhà văn, dịch giả Bửu Ý năm 2011 xuất bản một lúc 3 đầu sách dày 1.500 trang khiến ai ai cũng nể. Có người dấn thân bằng cả thân xác, như nhà văn Nhất Lâm, tự mình hiến xác cho y học.
Những người Huế xa phương bốn bể năm châu mỗi người mỗi cách đều có những nỗ lực riêng cho Việt Nam và Huế. Tiến sĩ Thái Kim Lan ngay cả trong cuộc sống thường ngày ở Đức vẫn giữ phong thái và quảng bá cho văn hóa Huế. Bác sĩ Bùi Minh Đức làm bộ “Từ điển tiếng Huế” nổi tiếng từ cõi lòng mênh mông nhớ mạ. Nhà văn Trần Kiêm Đoàn viết “Chuyện khảo về Huế” đến nay chưa ai qua được các khảo tả về bún Huế, cơm hến Huế, ngủ đò chay - mặn trên sông Hương êm đềm… Các ông Nguyễn Như Thuần, Hồ Đắc Duy, Võ Quang Yến... vẫn bền bỉ uyên bác trong các khảo cứu sâu rộng về văn hóa Huế... Chao ôi, làm sao kể cho hết được những tên tuổi đã ra đi và đã trở về và những tấc lòng đau đáu trước quê hương.
Trong rất nhiều cuộc trở về, cuộc trở về bày tranh nơi Gác Trịnh của họa sĩ Đinh Cường và Phan Ngọc Minh đã để lại những cảm xúc trào dâng trong giới văn nghệ cố đô. Những cảm xúc đầy đến nỗi nhiều bài thơ đã ra đời trong cuộc bày tranh đó và cả nhiều ngày sau đó, khi Đinh Cường và người bạn gái của nhóm - Siphani - đã rời đi.
Sống trong xứ sở thi ca có bề dày văn hóa trên 700 năm khiến những người trẻ tuổi luôn thấy mang trong mình những trọng trách của kẻ tiếp bước. Chưa có nơi nào như Huế, cứ mỗi Nguyên tiêu - rằm tháng Giêng, khi đất trời con ủ sương, những người trong làng văn Huế lại rủ nhau đi viếng mộ thi nhân. Họ đến dâng hương và hoa ở Nhà thờ và Nghĩa trang Phan Bội Châu, rồi viếng mộ Phạm Quỳnh, Phạm Hầu ở chùa Vạn Phước, sau đó lên đồi Từ Hiếu thăm mộ Tùng Thiện Vương, hai chí sĩ chung mộ đôi Thái Phiên - Trần Cao Vân, Vĩnh Mai, Trần Xuân An... Sau cùng là đến nghĩa trang nhân dân thắp hương cho Thanh Tịnh, Hải Bằng, Bửu Chỉ, Thái Ngọc San, Phương Xích Lô, Nguyễn Xuân Hoàng... Có những năm kéo nhau về thăm mộ vợ chồng Phùng Quán ở Thủy Dương (huyện Hương Thủy). Đã 7 năm qua, năm nào cũng đi như thế, như một nỗi tri ân, một nỗi nhớ về...
Những người ở lại còn làm thêm một nghĩa cử khác: In sách cho người đã đi về cõi vĩnh hằng. Phương Xích Lô giã từ xích-lô cõi trần, anh em góp nhau in “Chở gió”. Nguyễn Xuân Hoàng rời cõi tạm, kỷ niệm 5 năm ngày mất, anh em tụ tập in “Cõi tạm phù hoa”. Đặc biệt, Hoàng Trọng Định là nhà văn xứ Huế ít người biết tới, ông chọn cho mình lối sống cô độc và chết trong im lặng. Khi nghiêm túc nhìn vào lối viết của nhà văn này sẽ thấy dường như ông đã đi xa hơn những nhà văn cùng thời trong tư duy về nghệ thuật. Những truyện ngắn của ông thường là những ý niệm được chuyên chở bằng lớp ngôn ngữ đẫm chất triết học. Khi ông mất, nhà văn Lê Huỳnh Lâm gom bản thảo in tập truyện ngắn cho ông.
Chăm lo cho nhau những ngày còn sống, gần như anh chị em nào có sách vừa in, làng văn lại xúm vào tổ chức ra mắt sách. Tạp chí Sông Hương thì đều đặn tổ chức các chuyên đề cho người đã mất và cả người còn sống: Trịnh Công Sơn, Thanh Tịnh, Bửu Chỉ, Đinh Cường, gần đây nhất là thơ Lê Văn Ngăn. Vả thực, thi ca như tín ngưỡng của con người...
Cũng không có nơi nào thi ca được tổ chức thành festival như Huế. Từ năm 2008, Festival Huế nào cũng có Festival Thơ Huế, có năm còn tổ chức tọa đàm “Thơ đến từ đâu” và tổ chức trình diễn thơ, mời anh em trẻ trong Nam ngoài Bắc về trình diễn thơ độc đáo, mới lạ, như một nhân chứng sự xuất hiện của thơ hậu hiện đại. Thơ Huế gần đây còn gắn với cung điện, đền đài, di sản. Thơ trong Đêm Hoàng Cung là thơ được trình diễn trong Đại Nội, dưới ánh đuốc rực sáng và vầng trăng treo trong vắt trên đầu.
Từ trong nền cũ rêu phong cổ kính ấy, những tiếng nói mới của tuổi trẻ đã hoài thai và ngân vọng, mang đậm sắc màu hiện đại. Trên văn đàn bây giờ, người ta vẫn nhắc đến những người trẻ ở Huế, đặc biệt là sắc thái hoàn toàn mới lạ của truyện ngắn Lê Minh Phong đầy rẫy những khả thể hư cấu. Và như một sự tiếp nối tính tiên phong từ xưa xa của văn học Huế; thơ Tân hình thức Việt mới đây được Tạp chí Sông Hương quảng bá không chỉ ở Huế mà còn trong Nam ngoài Bắc...
Dằng dặc những bước chân cũ xưa và mới mẻ đan xen, nhiều khi tôi về lại vườn lá chuối của Trần Vàng Sao, đọc lại “Bài thơ của người yêu nước mình” của ông, thấy lòng cảm khái:
“Tôi yêu đất nước này như thế
Mỗi buổi mai
Bầy chim sẻ ngoài sân
Gió mát và trong
Đường đi đầy cỏ may và muộng chuộng”...
Bình luận (0)