Bên cạnh nhà văn lão luyện Nguyễn Nhật Ánh với các truyện viết cho tuổi học trò luôn là best-seller thì Nguyễn Phong Việt được xem là kỷ lục gia về phát hành thơ. Đến giờ này, tập Đi qua thương nhớ in năm 2012 đã 38.000 bản, tập Từ yêu đến thương in cuối năm 2013 là 20.000 bản.
Trong bối cảnh thơ Việt in ra bán không ai mua, cho không ai muốn nhận thì gần đây tác phẩm của một số nhà thơ đã được tìm mua và thơ bán khá chạy. Ngoài Nguyễn Phong Việt, còn có hai nhà thơ nữ: Trần Mai Hường và Minh Đan (đều sống và làm việc tại TP HCM) không lo thơ mình bị... ế. Trần Mai Hường đã xuất bản 4 tập thơ (Sóng khát, Đó là em, Những ngọn sóng tỏa hương, Ngược đêm) và vừa được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam; còn Minh Đan (có bút danh khác là Lọ Lem Đất Võ - hội viên Hội Nhà văn TP HCM) đã xuất bản Dấu chân Hầm Hô, Ngày không bọt, Phút 89... Những tác phẩm mới nhất của hai nhà thơ nữ này đều được đón nhận và việc phát hành khá dễ dàng.
Chuyện vui trên cho thấy thơ vẫn có sức hấp dẫn nhưng đó phải là những tập thơ hay, ít ra trong cả tập thơ, bạn đọc khó tính có thể nhặt ra độ chục bài chất lượng khá trở lên. Yếu tố khác để bán được thơ là trình bày đẹp, hiện đại. Những tập thơ của Nguyễn Phong Việt được chú ý cũng một phần bởi hình thức khác người, từ tông màu đen - trắng đặc trưng đến phông chữ ngồ ngộ, cách trình bày độc đáo... Nhà thơ Minh Đan bày tỏ: “Không chỉ chăm chút về chất lượng nội dung của tác phẩm, tôi còn tỉ mỉ đến từng ý tưởng, chi tiết nhỏ để tạo nên “dung nhan” thật đẹp cho mỗi cuốn sách, như một món quà tri ân trao gửi bạn đọc”.
Nhà thơ Nguyễn Phong Việt ký tặng thơ cho bạn đọc
Ngoài ra còn có yếu tố hết sức quan trọng để thơ đến được với công chúng là tác giả có quan hệ với người yêu thơ mình khá rộng, biết quảng bá tác phẩm của mình, nhất là nhờ internet, nhờ facebook kết nối nhanh chóng và sâu rộng.
Minh Đan cho biết Dấu chân Hầm Hô (2011) và Ngày không bọt (2012) đều bán được hơn 800 bản mỗi tập chỉ trong thời gian ngắn. Riêng Phút 89 (2013) được một độc giả ở Phan Thiết là Xuân Hồ đấu giá cuốn độc bản khổ lớn 15 triệu đồng ngay trong buổi ra mắt giao lưu và sau 1 tháng phát hành đã tiêu thụ hơn 800 bản khổ nhỏ. Theo Trần Mai Hường: “Hai tập thơ đầu chủ yếu là để biếu tặng. Đến tập thứ ba tôi bán được nhiều hơn chút đỉnh. Khi xuất bản tập thơ Ngược đêm năm 2014, tôi mạnh dạn đăng bán trên facebook thì không ngờ những người yêu thơ quen biết và cả những độc giả đọc thơ tôi trên mạng cũng đăng ký mua. Với Ngược đêm, tôi in 2.000 bản, bán được khá, đủ để trang trải các chi phí in ấn”.
Còn Nguyễn Phong Việt thì nói bạn đọc của anh muốn trực tiếp nghe những chia sẻ của anh một cách thành thật nhất về những cảm xúc của mình được viết ra. “Họ muốn, theo một cách nào đó, tìm đến sự đồng cảm. Cuốn sách của tôi thành công phần lớn là nhờ hiệu ứng của mạng xã hội facebook, nhờ đó mới bán được đến số lượng như vậy”.
Với các nhà thơ, được yêu mến, hâm mộ luôn là hạnh phúc và điều đó thôi thúc họ không thể tự bằng lòng mà phải nỗ lực làm mới để có tác phẩm hay hơn. Theo Nguyễn Phong Việt: “Những bài thơ của tôi khi đưa lên mạng cũng nhận được rất nhiều phản hồi và chia sẻ của mọi người, cách mọi người quan tâm đến các tác phẩm của mình thể hiện rất rõ... Nghĩa là mọi người thật sự đi theo cùng quá trình hình thành những cảm xúc hay tác phẩm của mình”. Minh Đan cho rằng chị chọn khai thác góc nhìn khác về những gì đời sống xã hội đang đòi hỏi, đánh thức và chia sẻ với những thân phận, không thỏa mãn mà luôn nỗ lực tìm tòi hướng viết. “Tôi biết “ai cũng thích khoác chiếc áo mới và ngắm người đẹp”, nên không lặp lại chính mình là điều tôi trăn trở nhiều để luôn có “áo mới” tặng bạn đọc” - chị nói. Còn Trần Mai Hường cho rằng mỗi người tự chọn cho mình một con đường. Chị đã chọn lối đi riêng, không phô phang, luôn giữ chất suy tưởng, giàu cá tính.
Nhưng dù chọn cách thức gì thì theo Nguyễn Phong Việt: “Hãy viết chân thành nhất có thể, kể những câu chuyện gần gũi nhất và chạm đến cảm xúc của độc giả thì bất kể là thời gian nào và không gian nào, thơ vẫn có độc giả của riêng nó”.
Bình luận (0)