Không hẹn mà gặp, 2 chương trình của các nghệ sĩ có tâm huyết với nghề đã cùng triển khai để sàn diễn cải lương sáng đèn tại trung tâm thành phố. Cả 2 sàn diễn đều thực hiện theo mô hình xã hội hóa, hướng đến việc xây dựng những tác phẩm hay phục vụ khán giả yêu nghệ thuật cải lương.
Dốc toàn lực cho sàn diễn
Hội Sân khấu TP HCM đã tìm được sự đồng cảm của bầu Tuấn (Sân khấu Kịch IDECAF) và Trung tâm Văn hóa quận 1 để cùng phối hợp tổ chức chương trình “Tôi yêu cải lương”, ra mắt khán giả 4 suất diễn tại Nhà hát Bến Thành trong tháng 7 này (150.000-200.000 đồng/vé). Tác phẩm “Trung thần” của đạo diễn - NSƯT Hoa Hạ được chọn để khởi động chương trình. “Chúng tôi dốc toàn lực cho đợt hoạt động này trên phương thức 3 đơn vị cùng hợp tác, doanh thu bán vé sẽ đầu tư cho các khâu, Trung tâm Văn hóa quận 1 hỗ trợ giá thuê Nhà hát Bến Thành rất thấp cho chương trình “Tôi yêu cải lương”. Bầu Tuấn có nhiều kinh nghiệm trong cách tổ chức, quảng bá vở diễn, đã cùng chúng tôi đưa cải lương về lại “thánh đường” - NSƯT - đạo diễn Hoa Hạ nói.
Sau vở “Trung thần”, 12 kịch bản đã được lên kế hoạch tái dựng. Dự kiến có hơn 100 nghệ sĩ tham gia dự án này. “Các tác phẩm đỉnh cao như “Tô Ánh Nguyệt”, “Đường gươm Nguyên Bá”, “Sân khấu về khuya”, “Khi người điên biết yêu”, “Tiếng hạc trong trăng”... sẽ được dựng mới và chúng tôi sẽ mời đạo diễn trẻ để mang lại sức hấp dẫn cho thương hiệu này” - ông bầu Huỳnh Anh Tuấn chia sẻ.
NSƯT Tú Sương và đạo diễn Quốc Kiệt cũng đã nhận được sự hỗ trợ của Công ty Á Châu đứng ra tổ chức chương trình nghệ thuật cải lương tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1) với thương hiệu “Nghệ thuật cải lương Sài Gòn”, mà qua suất diễn nhân kỷ niệm 100 ngày mất cố NSND - soạn giả Viễn Châu tại tầng 11 khách sạn Oscar (68 Nguyễn Huệ, quận 1), đã tạo sự chú ý đối với khán giả. Sàn diễn này có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ ngôi sao: NSND Bạch Tuyết, NSƯT Kim Tử Long, Giang Châu, Phượng Loan, Trọng Phúc, Tú Sương, Ngọc Đợi, Lê Tứ... (200.000-400.000 đồng/vé). “Chúng tôi dồn hết tâm trí để gầy dựng điểm diễn này. Chương trình nhắm vào đối tượng khán giả kiều bào thông qua các công ty du lịch và hệ thống khách sạn. Ngoài những chương trình tôn vinh tác phẩm, tác giả như: Nguyễn Thành Châu, Phùng Há, Bảy Nam, Viễn Châu, Hà Triều, Hoa Phượng, Kiên Giang, Quy Sắc, Nhị Kiều..., chúng tôi còn dàn dựng nhiều vở mới, đưa ra Nhà hát Hòa Bình biểu diễn trọn vở” - đạo diễn Quốc Kiệt phấn khởi.
Nhiều khó khăn
Đưa cải lương ra sân khấu trung tâm không phải điều mới lạ vì trước đây, nhiều đơn vị xã hội hóa và truyền hình cáp đã từng tổ chức mỗi tháng 1 suất diễn tại Nhà hát TP. Thế nhưng, để duy trì hoạt động định kỳ thì 2 chương trình “Tôi yêu cải lương” và “Nghệ thuật cải lương Sài Gòn” phải vượt qua nhiều khó khăn.
“Tôi yêu cải lương” có lợi thế là vở “Trung thần” có sẵn, quy tụ diễn viên công diễn 4 suất/tháng. Thế nhưng, số vốn ban đầu để đầu tư cho các vở diễn đều lệ thuộc vào khán giả. “Mọi thứ chúng tôi phải thuê. Đạo diễn và tác giả kịch bản đều ủng hộ. Diễn viên nhận cát-sê thấp. Rạp cũng lấy giá thấp nên hy vọng sẽ có lãi sau 4 suất diễn vở “Trung thần” để tái đầu tư cho vở “Đường gươm Nguyên Bá” và “Tô Ánh Nguyệt” - ông bầu Huỳnh Anh Tuấn kỳ vọng.
Riêng chương trình “Nghệ thuật cải lương Sài Gòn”, sau suất diễn 16-6, dự kiến sẽ tái diễn vào 30-6 đã phải hủy vào giờ chót do nhiều diễn viên kẹt sô. Kế hoạch của sàn diễn này rất dễ phá sản nếu dựa vào lực lượng nghệ sĩ ngôi sao nhưng lại thiếu hợp đồng cụ thể. “Rất khó khi hiện nay các ngôi sao sân khấu cải lương vướng vào lịch quay phim, tham gia game show, truyền hình thực tế. Muốn ổn định lịch diễn thì đòi hỏi nghệ sĩ ngôi sao phải sát cánh với chúng tôi mới mong vực dậy một điểm diễn tại phố đi bộ Nguyễn Huệ” - NSƯT Tú Sương cho biết.
Thử thách lớn nhất của sàn diễn tại khách sạn Oscar chính là bãi giữ xe gắn máy. Vào giờ cao điểm những ngày cuối tuần, khán giả khó tìm được chỗ gửi xe nên đành quay về hoặc trả vé. Hoặc khi không hợp đồng với nghệ sĩ cụ thể, vở diễn bị hủy gây phương hại đối với các công ty lữ hành và hệ thống khách sạn khi đã quảng cáo.
Kịch mục của cả 2 chương trình nếu không có sự tính toán cụ thể sẽ gây nhàm chán bởi hình thức dàn dựng và biểu diễn không được đầu tư do kinh phí hoạt động dựa vào tiền mua vé của khán giả. “Nhìn thấy cái khó này, chúng tôi mời những nghệ sĩ tâm huyết cùng đồng hành. Mừng khi thế hệ nghệ sĩ vàng đã sẵn sàng tham gia như: NSND Bạch Tuyết, Lệ Thủy, Ngọc Giàu, Trọng Hữu; NSƯT Minh Vương, Thanh Tuấn, Cẩm Tiên, Phượng Hằng... Để cải lương có thể sống được tại trung tâm TP, quan trọng hơn hết là trả lại sự chuẩn mực của sàn diễn, từ âm nhạc với nhạc cụ đủ 6 cây: guitar, tranh, sáo, bầu, kìm, sến. Phục trang, cảnh trí phải bảo đảm được sự tương tác với diễn xuất. Đặc biệt là ca diễn bằng giọng thật, không hát nhép, làm biến chất cải lương” - ông bầu Tuấn trăn trở.
Khác với những lần “ra quân” đơn độc trước đây, 2 chương trình đưa cải lương ra trung tâm TP đã cho thấy sự năng động của những nghệ sĩ giàu tâm huyết trước sự sa sút của sàn diễn cải lương. Vấn đề trọng tâm chính là sự bền sức và có chiến lược cụ thể để mỗi suất diễn thật sự mang lại giá trị nghệ thuật cho những khán giả yêu mến bộ môn được xem là độc đáo của người dân đất phương Nam.
Bình luận (0)