Thiều nghệ sĩ sân khấu nổi danh là kép độc, bởi nhân vật của họ thường hung ác, độc địa, xấu xa. Dẫu đa phần kép độc là vai phụ, thời lượng trên sàn diễn không nhiều nhưng mỗi khi xuất hiện, các nghệ sĩ chuyên trị vai này đều biết cách để vai diễn tỏa sáng. Nhiều người khiến công chúng ấn tượng đến mức hễ nhắc tên là nhớ vai.
NSND Diệp Lang, NSND Thanh Tòng và nghệ sĩ Chí Bảo - ba người chuyên
đóng vai kép độc trong vở Chiếc áo thiên nga Ảnh: Thanh Hiệp
Không "đẹp" thì phải "độc"
Điều ít ai ngờ là hầu hết nghệ sĩ đều cho biết ban đầu, ước mơ của họ là được đóng chính trên sàn diễn (kép đẹp). Tuy nhiên, do hạn chế ngoại hình, giọng ca… nên họ buộc phải rẽ hướng, không "đẹp" nên đành chuyển sang đóng vai "ác" và dần dần tạo dấu ấn trong lòng khán giả.
NSƯT Nam Hùng kể ông đến với vai ác từ năm 20 tuổi với suy nghĩ rằng phản diện tuy là vai phụ nhưng lại đối trọng với vai chính. Nếu thiếu nó, vở diễn sẽ không tạo bi kịch, không có cao trào. NSƯT Hùng Minh từng làm bầu gánh, đóng vai chính dưới bảng hiệu Thanh Hương - Hùng Minh nhưng rồi sau cùng cũng rẽ hướng sang kép độc.
Nghệ sĩ Thanh Phú - trước theo đại bang Kim Chung, nay gắn bó với Sân khấu Vàng của NSND Lệ Thủy - cho biết: "Vai kép độc là con đường tắt mà tôi chọn để gắn kết với nghề, bởi khi về Kim Chung, tôi không thể sánh với mấy anh kép đẹp đương thời. Muốn đứng trên sân khấu phải chấp nhận vun bồi sở trường và tôi đã thành công. Khán giả mỗi khi thương cảm nhân vật Hồ Bảo Xuyên của Lệ Thủy đều phải nhớ đến vai người cha tội lỗi do tôi đảm nhận".
Không con đường nào trải hoa hồng
Trong một lần trò chuyện, GS-TS Trần Văn Khê từng ca ngợi kép độc: "Nếu không có kép độc, sân khấu cải lương mất đi sức hấp dẫn của nó. Nếu thiếu một Tô Định, làm sao có được sự chia ly đầy nước mắt của Trưng Trắc, Thi Sách? Nếu thiếu một Chu Phác Viên mưu mô, xảo quyệt, làm sao tấn bi kịch của Thị Bình, Lỗ Tứ Phượng, Phồn Y rung động lòng người?".
Đúng vậy, không thể có thiện nếu không có ác và ngược lại. Dẫu xuất phát điểm của những nghệ sĩ nêu trên không phải từ vai ác nhưng họ đã chuyển hướng đúng lúc khi thấy được sở trường của mình và quyết định vun đắp cho nó.
Nghệ sĩ Trường Sơn, em rể của NSND Thanh Tòng, kể: "Càng trải qua sóng gió, gian nan đường đời, nghệ sĩ càng diễn vai kép độc hay. Điển hình là dượng tôi, NSND Thành Tôn - cha của NSƯT Thành Lộc". Theo nghệ sĩ Trường Sơn, nhờ nhiều va chạm, đóng đủ dạng vai nên NSND Thành Tôn có kinh nghiệm phong phú.
Các nghệ sĩ chuyên đóng vai kép độc của gia tộc Minh Tơ còn phải kể đến: Công Minh, Thanh Sơn, Chí Bảo, Tuấn Minh… Ngoài ra, các nghệ sĩ cộng tác với đoàn Minh Tơ, Huỳnh Long đã chọn kép độc để thi thố tài năng và gắn bó với sân khấu: NSƯT Bửu Truyện, Điền Phong, Thanh Quang, Thủy Thượng, Chấn Đạt, Hữu Huệ…
Mỗi người đều có một chặng đường gian khó khi đến với sân khấu. Giấc mơ kép đẹp ban đầu không thành khiến không ít người trải qua giai đoạn đầu dằn vặt nhưng rồi lại tìm thấy con đường thích hợp. Họ rẽ sang kép độc, thành danh với vai ác và đều hài lòng vì có những vai diễn để đời.
Có thể tỏa sáng hơn vai chính Tối 4-6, chương trình Những kép độc trên sân khấu cải lương do Trung tâm Tổ chức biểu diễn và Điện ảnh TP HCM thực hiện đã diễn ra tại Nhà hát TP. Chương trình này là sáng kiến của đạo diễn Hữu Luân, nhằm quy tụ các nghệ sĩ từng thể hiện thành công những vai diễn phản diện (kép độc): NSND Thanh Tòng, NSƯT Hùng Minh, NSƯT Trường Sơn, Thanh Phú, La Kính, Công Minh, Chí Bảo, Khánh Tuấn… Họ đã chia sẻ về đường đời, kinh nghiệm, chuyện vui buồn... trong nghề diễn. GS-TS Trần Văn Khê từng nói: "Từ thời lập gánh Đồng Nữ ban, cô ba Viện của tôi đã xác nhận phải có kép độc để đẩy cao trào vở diễn, tạo bi - hài kịch. Thế là cô ba tôi dạy các chị trong gánh hát cách diễn vai ác. Hầu hết kép độc chỉ là vai phụ, xuất hiện với thời lượng ngắn nhưng lại tạo ấn tượng rất riêng, nhiều nghệ sĩ giỏi nghề còn tỏa sáng hơn vai chính". Trong lịch sử sân khấu cải lương miền Nam, nhắc đến kép độc nổi tiếng phải kể đến: NSND Năm Châu, NSND Ba Vân, Tám Vân, NSƯT Hoàng Giang, Trường Xuân... |
Bình luận (0)