Từ ngày 21 đến hết 27-9, Liên hoan Múa đương đại “Sự gặp gỡ Á - Âu” 2016 sẽ diễn ra tại Hà Nội và TP HCM. Cùng thời điểm này, Liên hoan Múa đương đại quốc tế TP HCM 2016 do Arabesque Dance phối hợp cùng Trung tâm Tổ chức biểu diễn và điện ảnh TP HCM tổ chức sẽ diễn ra từ ngày 24-9 đến 2-10. Rất nhiều tài năng múa của Đức, Pháp, Áo, Úc, Israel, Nhật Bản… sẽ tới biểu diễn giao lưu cùng nghệ sĩ Việt. Múa đương đại Việt có 2 đại diện “đứng chung sân” với bạn bè quốc tế là Bùi Ngọc Quân và Trần Ly Ly.
Nghệ thuật nhọc nhằn, khắc nghiệt
Đến với Liên hoan Múa đương đại “Sự gặp gỡ Á - Âu” 2016 lần này, 2 đại diện Việt Nam có Bùi Ngọc Quân với vở “Mái nhà” và Trần Ly Ly sẽ mang vở “Có có không không” diễn giao lưu. “Mang tác phẩm đến đứng cùng sân với bạn bè quốc tế thực sự là cơ hội quý báu để chúng tôi trải nghiệm, biết mình là ai và lối thoát cho hướng đi sắp tới của mình là gì?” - biên đạo múa Trần Ly Ly chia sẻ.
Múa không đơn thuần là các động tác trình diễn bằng cơ thể mà là một sự kết hợp tổng thể giữa rất nhiều khâu, sự hòa quyện giữa tài năng và khổ luyện nhiều năm trời. Một nghệ sĩ múa cần được đào tạo từ khi còn rất nhỏ với vô vàn bài tập khắc nghiệt ảnh hưởng nặng nề tới sự phát triển bình thường của cơ thể và thời gian tỏa sáng trên sân khấu lại rất ngắn.
Dùng ngôn ngữ hình thể để diễn tả tâm trạng và đời sống con người nên nghệ sĩ múa bắt buộc phải tuân thủ chế độ ăn uống, luyện tập khắt khe, chẳng kém gì những loại hình lao động nặng nhọc khác. Nhìn nghệ sĩ tập luyện, áo ướt đẫm mồ hôi trong cuộc đào bới nội tâm, thử thách tài năng để tìm kiếm nghệ thuật, mới thấy vì sao họ được ví như công nhân hầm mỏ.
NSND Chu Thúy Quỳnh khẳng định: “Khoảng 9-11 tuổi hoặc muộn nhất 14-15 tuổi là đã phải học rồi, học miệt mài 7 năm mới ra trường (bây giờ có thể là 4-5 năm). Học xong đã 17-18 tuổi, có người 20 tuổi nhưng ra trường, lên sân khấu diễn được khoảng 5-10 năm đã là hơi lâu rồi. Đến tuổi đó, ai cũng phải lập gia đình, sinh con rồi cũng phải có cuộc sống sinh hoạt như người bình thường. Nghệ sĩ múa phải làm việc gấp đôi thời gian người thường. Trước đây, phụ cấp ngành múa cao hơn các ngành khác, ngang với công nhân hầm mỏ, những người lao động nặng nhất”.
Thế nhưng, nghệ thuật múa được xếp chót bảng về nhu cầu giải trí nghệ thuật của đời sống xã hội. Liên hoan quốc tế lần này không chỉ biểu diễn giao lưu học hỏi giữa nghệ sĩ các nước và hơn hết còn mang ý nghĩa tôn vinh môn nghệ thuật nhọc nhằn, khắc nghiệt này.
Bản sắc dân tộc và hội nhập
Để có được vở múa hoàn chỉnh là sự kết hợp một cách tinh tế của biên đạo, diễn viên và nhiều nghệ sĩ của nhiều bộ môn nghệ thuật khác nhau. Tất cả phải cùng tạo nên cái tôi thống nhất và tác động đủ mạnh đến cảm xúc của công chúng. Nếu không, người xem sẽ ngơ ngác khó hiểu, đặc biệt là với các vở múa đương đại vốn có nội dung không rõ ràng, người xem khó nhận biết được tác phẩm đó nói lên điều gì.
Những nghệ sĩ thành danh trong làng múa Việt cũng đã dày công xây đắp được con đường nghệ thuật múa khá dài suốt hơn 50 năm qua với nhiều thành tựu kết hợp giữa tinh túy của nghệ thuật múa dân tộc với nghệ thuật múa thế giới. Phải kể đến vở múa mang tính di sản như “Cánh chim và mặt trời” của biên đạo múa NSND Thái Ly, một minh chứng cho sự kết hợp ngôn ngữ Đông - Tây, hài hòa giữa múa dân tộc Khmer và múa cổ điển châu Âu.
Thành công nhờ diễn đạt bằng ngôn ngữ múa tiên tiến mà nền tảng là tinh hoa trong múa dân gian dân tộc, đồng thời mang đậm những tinh thần tìm tòi, đổi mới, các tác giả của nghệ thuật múa Việt Nam thế hệ trước đã vận dụng được tâm lý dân tộc kết hợp với tính triết lý thời đại và phù hợp với nhu cầu thẩm mỹ của khán giả.
Nhưng phần lớn trong số họ đều đã lớn tuổi. Trong khi nghệ sĩ lớn tuổi thường chú ý nhấn mạnh vào yếu tố bản sắc dân tộc thì các biên đạo trẻ âm thầm đặt vấn đề bức thiết về hội nhập.
Tuy vẫn có những tác phẩm của các tài năng múa nổi bật khiến người xem khó cho rằng đó không phải là của Việt Nam, chẳng hạn như “Đào liễu” của Linh Nga hay “Thiền” của Trần Ly Ly nhưng đa số tác phẩm múa đương đại của các nghệ sĩ trẻ khó quay trở lại tâm lý chú trọng tinh hoa múa dân tộc.
Thế mạnh của chúng ta?
Mới đây, cuộc thi tài năng biên đạo trẻ 2016, tổ chức 2 năm một lần, vừa kết thúc, cũng được coi như một trong những giải pháp của ngành múa, tạo thêm “sân chơi” để các tài năng múa thể hiện năng lực bản thân, qua đó phát hiện thêm nhiều gương mặt mới cho múa.
“Nghệ thuật múa mang tính trừu tượng rất cao nhưng cũng phải phản ánh được cuộc sống một cách chân thực nhất” - NSND Chu Thúy Quỳnh khẳng định.
Về lối đi cho múa đương đại Việt, nghệ sĩ Lê Vũ Long trăn trở: “Liệu nghệ thuật của chúng ta đã đủ mạnh và phát triển rực rỡ để xây dựng nên một ngôn ngữ nghệ thuật múa mới? Hay chúng ta đang tự làm khó mình trên con đường hội nhập với thế giới?”.
Theo ông, múa đương đại có vai trò rất quan trọng trong nền văn hóa Việt Nam. Nó chính là thế mạnh của chúng ta, hãy cùng xây dựng và phát triển.
Múa đương đại phù hợp với tâm - sinh lý và vóc dáng người Việt nên việc sử dụng ngôn ngữ nghệ thuật này là phương tiện tốt để tiếp cận với mặt bằng nghệ thuật thế giới. Ông Lê Vũ Long nói: “Tôi dám chắc rằng nghệ thuật cổ truyền mà ta gọi hôm nay nó cũng xa lạ với công chúng khi nó mới hình thành. Tại sao ta có những nghệ thuật cũ? Vì nó đủ sức thuyết phục và có sức nặng để tồn tại qua một thời gian dài. Nghệ thuật đương đại, với tôi, là chúng ta đang tìm kiếm và xây dựng nghệ thuật cổ truyền cho ngày mai”.
Bình luận (0)