xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Múa ngày càng... loạn xạ: Nâng cấp từ đâu?

Thanh Hiệp

Chính vì thiếu chuyên nghiệp trong đào tạo đội ngũ nên dẫn đến lạm phát diễn viên, biên đạo múa có trình độ không chuyên

Vũ đoàn bùng nổ kéo theo sự cạnh tranh thiếu lành mạnh làm hạ thấp chất lượng đội ngũ múa, ảnh hưởng xấu đến chất lượng các chương trình biểu diễn. Đó là thực trạng mà ai cũng thấy nhưng để thay đổi quả là không dễ.
 
Cỡ nào cũng thành diễn viên múa
 
Cũng như ca sĩ, diễn viên múa chạy sô không hề kém cạnh trên thị trường biểu diễn hiện nay. NSND Ngọc Giàu bức xúc: “Trong một chương trình biểu diễn, đến tiết mục của tôi thì biên tập bảo dời lại 30 phút vì nhóm múa chạy sô về không kịp. Và khi ra sàn diễn nhìn thấy nhóm múa xuất hiện với trang phục xộc xệch, mặt mày nhếch nhác, tôi cảm thấy xấu hổ vô cùng. Qua tìm hiểu mới biết các em được gọi là diễn viên múa này ban ngày làm phục vụ bàn ở nhà hàng, tối đến ráp lại lập nhóm múa để chạy sô. Một số nhà tổ chức vì thu lợi nên thuê các nhóm múa rẻ tiền này, hậu quả là chất lượng nghệ thuật của một chương trình bị kém”.
img
Hình ảnh tiết mục đạt huy chương vàng cuộc thi tài năng trẻ biên đạo múa: Linh thiêng tháp cổ của biên đạo Trần Ly Ly
đến từ Trường múa TP HCM  Ảnh: HOA NGUYỄN
 
Trên thực tế, việc thẩm định chất lượng đội ngũ diễn viên múa và biên đạo múa đang bị bỏ ngỏ từ nhiều năm qua. Đạo diễn Nguyên Đạt (chủ nhiệm vũ đoàn Hương Sen) nói: “Tuyển các diễn viên múa trẻ và biên đạo múa trẻ hiện nay không khó. Chỉ cần ngoại hình và chịu khó tập luyện là họ có thể làm nghề. Nhưng đâu phải bạn trẻ nào cũng có ý thức rèn luyện để làm nghề chuyên nghiệp và nâng cao trình độ. Họ chỉ nghĩ đến tiền cát-sê kiếm được hằng đêm”.
 
Theo NSND Tô Nguyệt Nga: “Các tiết mục múa trong những chương trình biểu diễn qua màn ảnh nhỏ cứ na ná nhau. Chính vì thiếu chuyên nghiệp trong đào tạo đội ngũ nên dẫn đến lạm phát diễn viên, biên đạo múa có trình độ không chuyên nghiệp. Không thể chấp nhận việc ai cũng có thể trở thành diễn viên múa, biên đạo múa”.
Những biên đạo múa trẻ vừa nhận được huy chương tại cuộc thi Tài năng biên đạo múa toàn quốc 2013 đều cho biết: “Ý tưởng của biên đạo chỉ có thể thăng hoa qua sự thẩm thấu của diễn viên. Nếu diễn viên không được đào tạo bài bản thì việc đó rất chông chênh”.
 
Không nên thỏa hiệp
 
Đối với các nhà chuyên môn, việc đào tạo diễn viên, biên đạo múa trẻ cần phải được xem trọng khi đội ngũ này đang chạy theo thị hiếu đám đông, xa rời sự sáng tạo cần thiết để hướng tới những tác phẩm đỉnh cao. NSƯT Vương Linh cho rằng: “Một số em nhìn thấy việc học múa dày công chưa chắc sẽ kiếm được nhiều tiền mà thời gian đào thải của nghề thì quá khắc nghiệt, do đó chỉ học 1 khóa là lo chạy sô, mở lớp, lập nhóm và cứ thế vũ công, biên đạo múa thi nhau ra đời như nấm sau mưa. Theo tôi, đầu vào của việc tuyển dụng rất cần sự khắt khe nhằm sàng lọc, đào tạo kỹ. Chế độ học tập, huấn luyện cần nâng đúng tầm và việc liên kết với các đơn vị công lập để tạo đầu ra cho các em khi tốt nghiệp. Việc này phải làm một cách chiến lược. Có như thế mới không xảy ra tình trạng múa “rừng” loạn xạ như hiện nay”.
 
Về phía các đơn vị xã hội hóa, theo biên đạo múa Huỳnh Đoàn Huy (chủ nhiệm vũ đoàn Vầng Trăng): “Chúng tôi muốn được nâng cao tay nghề nhưng bị phân biệt đối xử khi đăng ký học tập. Bởi các vũ đoàn mang tính xã hội hóa hoạt động khác với các đoàn quốc doanh, lại đòi hỏi phải có bằng tốt nghiệp trung cấp, phải hội đủ chứng chỉ khi đăng ký học làm chúng tôi nản. Chúng tôi có nhu cầu nâng cao để ứng dụng cho múa đương đại, múa dân tộc mà buộc phải học hết các học phần rồi mới được nhận vào thì xem ra rất khó”.
 
Theo NSƯT - đạo diễn Hoa Hạ: “Tìm về sự chuẩn mực của nghệ thuật múa là đòi hỏi từ khâu sáng tác phải có sự đầu tư nghiêm túc để biên đạo múa được làm việc trên kịch bản. Khâu âm nhạc, khâu phục trang cho múa đòi hỏi người biên đạo múa phải có kiến thức...”.
Rất may trong số các biên đạo múa đến với cuộc thi năm nay, có những biên đạo đã cố gắng khẳng định xu hướng mới của nghệ thuật sân khấu dân tộc, trong đó có cải lương, không chấp nhận việc vay mượn múa như một sự minh họa đơn điệu mà múa phải có tính độc lập với ngôn ngữ riêng, màu sắc riêng.

Rà soát, đánh giá để đào tạo

Sau gần 1 tuần diễn ra tại TP HCM, cuộc thi Tài năng trẻ biên đạo múa toàn quốc 2013 (đợt 1) đã chọn được 12 tác phẩm xuất sắc để trao giải. Đợt 2 của cuộc thi tiếp tục được tổ chức tại TP Hạ Long, Quảng Ninh vào cuối tháng 8. NSND Kim Quy, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam, gọi cuộc thi là “cuộc rà soát mang nhiều tâm huyết của ngành múa để giữ vững giá trị có tính chuẩn mực của loại hình múa qua vai trò biên đạo”.

Theo ông Lê Duy Biên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch: “Cuộc thi Tài năng trẻ biên đạo múa toàn quốc 2013 là dịp để các biên đạo múa trẻ giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm. Bên cạnh đó, các nhà quản lý nghệ thuật phát hiện, đánh giá thực trạng lực lượng biên đạo múa hiện nay để có những giải pháp thiết thực trong công tác đào tạo, bồi dưỡng những tài năng trẻ và tìm kiếm những tác phẩm múa có chất lượng cao. Từ đây, xây dựng và định hướng phát triển nghệ thuật múa trong thời gian tới mang tính bền vững, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa nghệ thuật của nhân dân trong thời kỳ mới”.

Múa ngày càng... loạn xạ (*)
(*) Xem Báo
Người Lao Động từ số ra ngày 14-8
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo