Ở Seattle, miền Tây Bắc nước Mỹ, có một đoàn văn nghệ dân tộc mang tên Hướng Việt do bác sĩ - nghệ sĩ Hồng Việt Hải sáng lập. 15 năm qua, nhiều thế hệ nghệ sĩ đàn tranh và các nhạc cụ dân tộc đã trưởng thành từ mái nhà nghệ thuật này. Họ tiếp nối con đường của GS-TS Trần Văn Khê, truyền bá âm nhạc dân tộc đến những tâm hồn đồng điệu trên thế giới.
Ngôi làng Việt trong tâm trí
Sau những giờ hành nghề bác sĩ, nghệ sĩ Hồng Việt Hải sử dụng phòng mạch của mình làm nơi dạy đàn. Không chỉ ở nơi này, các nghệ sĩ đàn tranh học trò của ông vẫn tiếp tục nhân rộng các lớp học tại nhà, tại hãng xưởng, nơi làm việc.
Chúng tôi không khỏi bất ngờ khi biết nghệ sĩ đàn tranh Thúy Loan là con gái cố giáo sư - nhạc sĩ Chung Quân, tác giả ca khúc “Làng tôi” nổi tiếng. NSND Kim Cương nhớ lại: “Năm 1952, bản nhạc “Làng tôi” của nhạc sĩ Chung Quân đã giành được giải của công ty điện ảnh, làm bản nhạc nền cho phim “Kiếp hoa”. Đây là một trong số ít phim Việt Nam được thực hiện trong thời kỳ này”.
Chị Thúy Loan đưa chúng tôi đến thăm khu nhà tưởng niệm cố giáo sư - nhạc sĩ Chung Quân trong nghĩa trang ở Seattle. Chúng tôi đã thắp hương tưởng nhớ người nhạc sĩ tài hoa đã để lại cho đời tuyệt phẩm “Làng tôi” mà ai từng một lần nghe đều yêu quý, trân trọng quê nhà.
Trong số các con của giáo sư - nhạc sĩ Chung Quân, chị Thúy Liễu nối được nghiệp cha, sáng tác nhiều bài ca rất hay. Nghệ sĩ Thúy Loan bộc bạch: “Gia tài lớn nhất mà cha tôi để lại chính là ngôi làng Việt trong tâm trí chúng tôi. Tình yêu quê hương đã giúp chúng tôi có được trái tim yêu quý âm nhạc dân tộc. Tôi xem việc gắn bó với đoàn văn nghệ dân tộc Hướng Việt là cách phát huy tốt nhất những giá trị âm nhạc dân tộc Việt ở xứ người”.
Không riêng gì Thúy Loan, các nghệ sĩ của mái nhà chung Hướng Việt vẫn ngày ngày tiếp tục phát huy tối đa việc giảng dạy để nhân rộng hiệu quả trong hoạt động biểu diễn. Qua từng ngón đàn, họ hướng tâm hồn các bạn trẻ đến với âm nhạc ngũ cung, bày tỏ tấm lòng yêu thương quê hương, đất nước.
Chị Thúy Loan từng về Việt Nam để tham dự chương trình “Hội ngộ đàn tranh” do CLB Tiếng hát Quê hương phối hợp với Cung Văn hóa Lao động TP HCM tổ chức. Chị và các học trò, đồng nghiệp trẻ đã cùng hòa quyện tiếng đàn với NSƯT Hải Phượng, Nhà giáo Ưu tú Phạm Thúy Hoan… Trong thời gian tới, qua những đêm âm nhạc dân tộc của Hướng Việt, nghệ sĩ Thúy Loan vẫn tất bật với công việc mà chị yêu thích.
Lấp lánh như ngọc quý
Ở quận Cam, miền Nam California, chúng tôi đã gặp nghệ sĩ Hải Đệ (Trần Tường Nguyên), người đang cùng nghệ sĩ Ngọc Bầy giữ gìn nghệ thuật hát bội trên đất Mỹ. Nếu đời sống sân khấu cải lương ở Mỹ ngày càng khó khăn khi các buổi biểu diễn ngày càng bán được ít vé thì với nghệ thuật hát bội còn khó hơn gấp mấy lần. Tuy nhiên, đoàn hát bội đồng ấu của nghệ sĩ Ngọc Bầy đã được Hội Văn nghệ Việt - Mỹ tạo mọi điều kiện để sinh hoạt, truyền nghề cho những người Việt xa quê trong độ tuổi từ 11 đến 21.
Trong không gian ngan ngát hương trầm, chúng tôi như được trở về những buổi cúng đình ngày xưa. Nghệ sĩ Hải Đệ vẫn giữ được phong độ trong vũ điệu “Ðiềm hương mở cửa trời” như từ lúc còn ở Trường Quốc gia Âm nhạc (nay là Nhạc viện TP HCM) do nghệ sĩ Ngọc Bầy dạy. Nghệ sĩ Ngọc Bầy đã tham gia diễn trong “Nhật Nguyệt”. Các diễn viên trẻ: David, Thanh Quốc, Hữu Thịnh, Aria Cowen trong “Tứ Ðại Thiên Vương” đã cùng nhau làm nên vũ điệu “Khai thiên lập địa” bằng các động tác vũ đạo thật đẹp mắt…
Nghệ sĩ Ngọc Bầy và nghệ sĩ Hải Đệ đã gầy dựng được nhiều chương trình biểu diễn khiến khán giả Mỹ không khỏi ngạc nhiên khi đến xem các trình thức hát bội. Với họ, hát bội lấp lánh như viên ngọc quý, như tiếng lòng dân tộc Việt.
NSƯT Ngọc Khanh nhận xét: “Tôi từng sang Mỹ nhiều lần, cùng GS-TS Nguyễn Thuyết Phong, nhạc sĩ Khương Cường của Học viện Âm nhạc Việt Nam đến diễn thuyết về âm nhạc dân tộc và hát bội tại Trường Đại học Washington D.C. Sau đó, tôi về quận Cam và đến với nghệ sĩ Ngọc Bầy, Hải Đệ. Cả hai đã thắp sáng ngọn lửa yêu nghề, lan tỏa đến các bạn trẻ. Họ đã nhiều lần bỏ tiền túi ra để tổ chức những chương trình biểu diễn, giảng dạy, mong sao có được thế hệ trẻ cùng giữ gìn nguồn cội dù xa cách quê nhà”.
Trong khoảng sân rộng đủ để nghệ sĩ Ngọc Bầy tổ chức những buổi dạy hát bội, nghệ sĩ Hải Đệ phụ giúp bà trong nhiều công việc, từ thiết kế sân khấu cho đến thị phạm về vũ đạo, võ thuật. Bộ môn hát bội lâu nay vốn thiếu nhạc công. Việc dùng dĩa thu sẵn âm nhạc hát bội rồi bấm cho đúng nhịp, phối hợp nhuần nhuyễn với những nghệ sĩ biểu diễn là một việc không dễ, đòi hỏi cái tâm của người tham gia. “Hát bội là bộ môn mà ngay trong nước còn khó sống nói gì đến hải ngoại. Thế nhưng, cô Ngọc Bầy đã tỏ ra hết sức tâm huyết. Chúng tôi cũng lao vào, các bạn trẻ đam mê đã hăng hái làm nghề một cách kỹ lưỡng” - nghệ sĩ Hải Đệ tâm sự.
Tôn kính hát bội
Các suất biểu diễn hát bội trên đất Mỹ đều xuất phát từ một tâm nguyện đáng quý, đó là sự tôn kính. Bộ môn nghệ thuật được xem là kinh điển này với những tích tuồng dạy con người sống nhân nghĩa đã lan rộng trong cộng đồng người Việt mỗi mùa cúng Kỳ Yên dù ở Mỹ không có đình mà thay vào đó là hoạt động văn nghệ của các chùa.
“Hơn 20 bạn trẻ đã gắn bó với nhóm hát bội của chúng tôi. Cho dẫu có khó khăn đến mấy, chúng tôi cũng phải giữ gìn bộ môn hát bội của tổ tiên” - nghệ sĩ Ngọc Bầy khẳng định.
Kỳ tới: Đam mê văn học Việt
Bình luận (0)