NSƯT Việt Anh có lần nói đùa trong chua xót khi nhìn thấy tiền đồ sân khấu trong tương lai: "Tôi sợ rồi đây tại một vài sân khấu kịch, người ta sẽ cắm tấm bia tạc dòng chữ: "Ngày xưa nơi này có diễn kịch". Anh và rất nhiều đồng nghiệp thuộc thế hệ nghệ sĩ gạo cội của sân khấu kịch ngậm ngùi rời sàn diễn khi thị trường biểu diễn lâm vào cảnh chợ chiều.
Thèm ánh đèn sân khấu
Vào hậu trường rạp Công Nhân trong một suất diễn vở "Dấu xưa" của Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP HCM, nhìn NSƯT Việt Anh ngồi bên bàn trang điểm, ai nấy đều bất ngờ bởi lâu nay anh là nghệ sĩ không tốn tiền son phấn. Biết mọi người thắc mắc, anh cười nói: "Diễn vai ông lão miền Bắc thời bao cấp, râu tóc bạc trắng nên phải hóa trang. Với lại, còn được mấy khi ngồi trước gương hóa trang để diễn kịch nữa đâu".
NSƯT Việt Anh và diễn viên Chánh Trực trên sàn tập vở “Dấu xưa” (Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP HCM)
Anh rời sàn diễn hơn 2 năm nay, thi thoảng mới có suất diễn. "Dấu xưa" là vở mới nhất mà anh nhận lời tham gia. Nhưng số phận vở diễn cũng lênh đênh vì Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP HCM (5B Võ Văn Tần) đã tạm ngưng hoạt động. Nhà đầu tư phải đi tìm sàn diễn, đưa vở diễn đến diễn nhiều nơi. "Nhiều lúc, tôi đến một quán cà phê quen thuộc, nơi có nhiều ánh đèn màu, tôi ngồi vào không gian đó, thèm ánh đèn sàn diễn, thèm nghe tiếng nhạc và âm thanh pháo tay vang dội phát ra từ hàng ghế khán giả. Xa sân khấu lâu ngày nên mỗi khi được diễn, tôi có cảm giác cứ nôn nao như suất diễn lần đầu vậy" - NSƯT Việt Anh day dứt.
Cùng tâm trạng như anh, NSƯT Thanh Hoàng gửi tâm sự vào những vai diễn của phim truyền hình. Giờ với anh, việc đi đóng phim để gặp gỡ bạn bè đồng nghiệp được xem là "cái phao cứu sinh". Nặng lòng với sàn diễn kịch nhưng anh không dám quay lại. "Sàn diễn rơi vào cảnh chợ chiều. Thèm một suất diễn đủ mặt đồng nghiệp một thời của kịch 5B với: "Dạ cổ hoài lang", "Cõi tình", "Ngôi nhà không có đàn ông"…và thèm nhìn cảnh khán giả xếp hàng bước vào "thánh đường nghệ thuật". Giờ thì sàn kịch bắt đầu chịu cảnh hẩm hiu như sàn diễn cải lương của 20 năm trước" - tác giả của vở "Dạ cổ hoài lang" tự thán.
Với nghệ sĩ Mai Trần, anh ít nhận vai diễn từ khi sàn diễn lâm vào cảnh bán vé không được. "Tôi cũng như các đồng nghiệp, thèm được hóa thân vào số phận các nhân vật, dù chỉ là vai phụ, làm dàn bao cho các em diễn viên trẻ, tôi cũng cảm thấy vui và hạnh phúc. Nhưng hoạt động biểu diễn kịch đang thoái trào, sự sáng đèn trong nỗ lực của một vài điểm diễn cũng chỉ là le lói" - nghệ sĩ Mai Trần mang nỗi niềm tâm sự.
Lui vào bóng tối
Các nam nghệ sĩ thuộc thế hệ vàng của kịch còn có thể tham gia phim ảnh, còn phía nữ, họ rời sàn kịch là coi như chấm hết dù lửa nghề còn rất mãnh liệt. Tôi nhìn rõ sự nuối tiếc một thời trong đôi mắt sâu thẳm của nghệ sĩ Diễm Kiều. Từ khi rời sàn diễn Kịch 5B, bà gần như ở ẩn. "Quay lại với nghề châm cứu, bắt mạch, hốt thuốc Nam cho bệnh nhân giờ cũng không làm được vì tay run, mắt mờ. Chỉ còn biết đi chợ nấu ăn cho con cháu. Nhớ sàn diễn nhưng đã đến lúc lui vào bóng tối" - nữ nghệ sĩ chuyên trị những vai tính cách của sân khấu kịch Kim Cương và Kịch 5B chia sẻ.
Gặp tôi sau giờ lên lớp dạy môn kỹ thuật biểu diễn, NSƯT Minh Hạnh xúc động nói: "Nhớ sân khấu lắm. Từ khi nghỉ diễn ở Sân khấu Kịch Sài Gòn, tôi chỉ làm công tác giảng dạy, thi thoảng vẫn có tham gia một vài vở diễn truyền hình nhưng nỗi khao khát được diễn trên sân khấu vẫn thường trực trong tôi. Quay lại sàn diễn thì không đủ tự tin khi lượng khán giả thưa dần, sự đầu tư cho vở diễn cũng không như trước.Thôi thì đành rút lui" - nhân vật Nga của vở "Lá sầu riêng" nói.
Nghệ sĩ Mai Thanh Dung cũng mang tâm trạng tương tự. Với chị, sàn diễn lung linh ánh đèn là nguồn sống. Phút chốc phải xa nó vì nhiều lý do khiến chị không khỏi chạnh lòng. "Đoạn tuyệt với sàn diễn thì không dám nghĩ tới, cứ cầu mong sao có lời mời để mình được hóa thân, được đứng dưới ánh đèn sân khấu" - cô giáo của nhiều nghệ sĩ kịch nói tài danh ngậm ngùi tâm sự.
Nghệ sĩ từng được mệnh danh là "người đàn bà không tuổi"- NSƯT Đàm Loan - không hẳn lui vào bóng tối nhưng chị cũng đã không nhận lớp để giảng dạy bộ môn kỹ thuật biểu diễn từ 2 năm nay. Việc quay lại sân khấu từ sau vở nhạc kịch "Trót yêu", với chị, có lẽ còn xa. "Tôi nhận thấy mình chậm hơn so với mạch diễn vội vã, gấp rút hiện nay của các bạn trẻ. Thánh đường kịch bây giờ mang một định nghĩa mới buộc thế hệ chúng tôi cần đuổi theo kịp hoặc là tự đứng ra ngoài cuộc chơi?" - nghệ sĩ chính của tác phẩm "Khúc nguyệt cầm" chạnh lòng.
Khách quan mà nói, thế hệ vàng của sân khấu kịch rất còn yêu nghề và muốn được cống hiến. Sự tương trợ của họ rất có lợi cho sàn diễn khi có quá nhiều gương mặt mới. Họ sẽ mang kinh nghiệm truyền đạt cho người trẻ. Thế nhưng họ phải ngậm ngùi nói lời chia xa vì sàn diễn ngày nay quá nhiều ngổn ngang kéo theo không ít hệ lụy. Điều thiệt thòi cho nghệ thuật sân khấu là đang mất dần họ.
Kỳ tới: Chỉ còn trong hoài niệm?
Bình luận (0)