Trong các ngày 10 và 11-2, tại Hà Nội, TP HCM và nhiều tỉnh, thành khác, Ngày thơ Việt Nam được tổ chức thường niên vào đúng dịp rằm tháng giêng âm lịch. Thế nhưng, rất nhiều ý kiến của chính các nhà thơ cho rằng ngày thơ càng lúc càng thiên về hình thức, không nhận thấy tinh thần tôn vinh thơ ca tại các sự kiện này.
Trò mua vui chốc lát
Ngày thơ hay là ngày hội thơ? Đó là câu hỏi mà chính các nhà thơ và những người yêu chữ nghĩa cũng khó trả lời. Nếu gọi là ngày hội thì có phản ánh đúng bản chất hơn không? Nếu cứ gọi là ngày thơ thì đâu là tinh thần thơ ca cần được phản ánh?
Nhà thơ Hoàng Vũ Thuật, nguyên Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Bình, cho biết Nguyên tiêu năm 2015, nhân có công chuyện ở Hà Nội, lần đầu tiên ông dự ngày thơ tại Văn Miếu. Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý trong ban tổ chức mời tham gia, ông đồng ý nhưng giữa chừng thì bỏ ngay ý định đọc thơ bởi biết chẳng ai nghe, dù cái loa cứ ra rả những cung bậc trầm bổng khác nhau. “Người đọc thơ, hay biểu diễn thơ thì cứ đọc, cứ biểu diễn. Đây là ngày hội thơ, nghĩa là một ngày của công chúng vui vẻ đúng nghĩa thực sự. Cả năm lao động mệt nhọc, có một ngày xả hơi. Thế là tốt quá, mong gì hơn nữa? Còn nếu với ý nghĩa là Ngày thơ Việt Nam thì với cách tổ chức bày biện, có cái gì đó ôm đồm hè hội, không đúng với bản chất, ý nghĩa về mặt nghệ thuật của thơ. Bởi tôi quan niệm, ngày ấy thiêng liêng lắm. Trong sự yên lặng của đất trời, tiếng thơ cất lên như hồn dân tộc hiện về. Sâu thẳm mà thanh tao, trầm hùng mà sắc bén, bi tráng mà bao dung. Người được đọc thơ phút chốc như nhập vào cỏ cây sông nước. Nó ứng với ngày kỷ niệm, ngày tưởng nhớ, ngày suy tôn vô cùng trang trọng và thiêng liêng, nhằm khắc sâu vào tâm trí con người, răn dạy con người” - nhà thơ Hoàng Vũ Thuật nói.
Nhà thơ Từ Sâm (TP Nha Trang) cho rằng: “Ngày thơ Việt Nam hiện nay lấy thơ để làm trò mua vui chốc lát, còn thực sự có treo thơ, bày thơ, đọc thơ, ca ngợi thơ, vinh danh thơ... cũng chả ai đọc, ai hiểu, ai cảm vào giữa hội hè màu sắc lòe loẹt, sặc mùi buôn bán. Đọc thơ cần không gian tĩnh lặng và suy ngẫm, còn game thơ thì lấy thơ làm trò. Cần phải thay đổi về chất lượng và hình thức Ngày thơ Việt Nam. Không thể để ngày thơ thành ngày... buôn thơ của những kẻ cần danh và có tiền, xài tiền thuế của dân một cách lãng phí”.
Nhà thơ Nguyễn Lâm Cẩn tức cảnh làm bài “Thơ Nguyên tiêu” khiến nhiều bạn văn xúc động. Nhà thơ Hoàng Vũ Thuật bình luận về bài thơ của Nguyễn Lâm Cẩn: “Một bài thơ hay, có những câu thơ bất ngờ: “Câu thơ nào rụng dưới chân đi/Khi thi nhân luẩn quẩn oẳn tù tì?...”.
Lùi ra xa dần ngày thơ
Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý cho rằng một sự việc có nhiều góc nhìn, nhiều cảm nhận cũng không có gì lạ. Cũng như một phong cách thơ, giọng điệu thơ sẽ nhận được sự khen chê khác nhau. Cái chính là người đánh giá, nhìn nhận phải có cách nhìn toàn diện, công bằng và khách quan. “Đừng yêu ghét thái quá như là một cách để thể hiện mình. Tài năng của từng nhà thơ ra sao, tâm thế của người cầm bút thế nào, thiên hạ nói chung đều biết cả. Đâu chỉ vì đôi lời tụng ca ngẫu hứng mà tôn vinh được sự nghiệp thơ một người. Nên tôi mới nhớ kỹ lời người xưa: Nên uốn lưỡi bảy lần trước khi nói. Tôi thì nghĩ thế này, khắc thơ lên núi đá là một cách trình bày thơ. In thơ, đọc thơ là cách trình bày khác. Thơ cũng cần sự thể hiện đa dạng, phong phú” - nhà thơ Nguyễn Hữu Quý bày tỏ.
Ngày thơ ở Văn Miếu (Hà Nội) 2 năm nay được làm mới bằng sân thơ thiếu nhi nhưng hầu như không có ấn tượng thực sự nổi bật về giọng điệu hay các gương mặt thơ mới cho sân chơi này. Ngày thơ ở Hội Văn học Nghệ thuật TP HCM được chú trọng với sân thơ trẻ đầu tư khá kỹ lưỡng từ ý tưởng tới tổ chức thực hiện. Năm ngoái, các nhà thơ trẻ có kịch thơ nội dung hướng về biển đảo, còn năm nay là chủ đề “Vòng tay mùa xuân” với các hoạt cảnh gắn kết những bài thơ về tình yêu gia đình, tình yêu đôi lứa và tình yêu nhân loại. Tuy nhiên, công chúng thực sự của các hoạt cảnh thơ này ở đâu? Các bậc đàn anh trong ngày thơ chắc chắn chưa thể ghi nhận nỗ lực của các bạn viết trẻ, mà bạn đọc bên ngoài hội nghề thì không hề thấy bóng dáng của họ ở ngày thơ.
Nhà thơ Hoàng Vũ Thuật quan niệm: “Nhà thơ viết được câu thơ mới và hay là hun đúc cho tâm hồn con người giàu lên, thánh thiện lên. Bởi thơ là trí tuệ, là nhân văn. Thơ uyên thâm, sang nhã như thần linh. Một câu thơ có sức mạnh như ngàn vạn lần gươm giáo là vậy. Tôi nghĩ Hội Nhà văn cần đổi mới để có một ngày thơ thực sự, không phô trương hình thức, lòe loẹt hoặc khuôn sáo”.
Bình luận (0)