Khi khởi kiện vụ mạo danh bố mình trong một bức tranh không phải do ông sáng tác tại TAND TP HCM, bà Tạ Thùy Châu, con gái họa sĩ Tạ Tỵ, đã rất ngạc nhiên và bối rối trước yêu cầu từ phía tòa: Người đứng đơn khởi kiện phải chứng minh ông Tạ Văn Tỵ là họa sĩ Tạ Tỵ.
Nghệ danh không có tính pháp lý
Bà Tạ Thùy Châu khẳng định: “Cả cái phố này (nơi bà đang sinh sống - PV), ai mà không biết đây là nhà họa sĩ Tạ Tỵ? Giới hội họa có ai không biết họa sĩ Tạ Tỵ?”. Thế nhưng, họa sĩ Tạ Tỵ đã mất từ năm 2004. Giấy chứng tử, hồ sơ lưu về hộ khẩu, hộ tịch đều cho thấy tên đầy đủ của ông là Tạ Văn Tỵ chứ chưa có giấy tờ nào chứng thực ông Tạ Văn Tỵ này là họa sĩ Tạ Tỵ.
Ông Huỳnh Văn Mười, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP HCM, cho biết ban chấp hành hội không có chức năng xác nhận cho những trường hợp như thế. Hơn nữa, giai đoạn hoạt động của họa sĩ Tạ Tỵ là từ những năm 1950 và hoàn toàn trước năm 1975. Vì thế, hội chẳng có cơ sở nào để xác nhận họa sĩ Tạ Tỵ chính là ông Tạ Văn Tỵ. Ông Huỳnh Văn Mười băn khoăn: “Tôi biết họa sĩ Tạ Tỵ nhưng không biết có phải tên đầy đủ của ông là Tạ Văn Tỵ hay không”.
Có lẽ cả nước ai cũng biết nhạc sĩ Văn Cao là tác giả Quốc ca nhưng chắc hẳn không phải ai cũng rõ tên đầy đủ của ông là Nguyễn Văn Cao; không phải ai cũng nhớ nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 tên thật là Nguyễn Đình Ánh… Nếu những nghệ sĩ này có tranh chấp thì pháp luật chỉ xem xét giải quyết những gì liên quan đến tên khai sinh của họ.
Đã làm nghệ thuật, ở tất cả lĩnh vực, người nào cũng chọn cho mình một nghệ danh. Khi đã định danh, trở thành thương hiệu, tên thật của nghệ sĩ đó ít khi công chúng nhớ. Thế nhưng, nghệ danh hiện nay mới chỉ là nhu cầu cá nhân, chưa có sự hợp pháp hóa nên sẽ trở nên vô cùng rắc rối nếu phải tranh chấp, thưa kiện trước tòa.
Khó xác định nhân thân
Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, ông Lương Xuân Đoàn, nhìn nhận: “Nghệ danh là quyền cá nhân của nghệ sĩ. Nghệ sĩ chọn nghệ danh thế nào thì phải tự bảo vệ danh dự và uy tín cá nhân của mình gắn với nghệ danh đó. Họa sĩ Tạ Tỵ từ đầu quá trình hoạt động nghệ thuật đã chọn nghệ danh này cho mình. Việc tòa án đặt ra những yêu cầu mang tính pháp lý liên quan đến nghệ danh như vậy sẽ làm khó cho nghệ sĩ”.
Thế nhưng, theo luật sư Bùi Quốc Tuấn, Văn phòng Luật Quốc Tuấn (quận Tân Phú, TP HCM), không thể bỗng nhiên đồng nhất 2 cái tên ấy là một - ông Tạ Văn Tỵ không thể đương nhiên là họa sĩ Tạ Tỵ, nên tòa sẽ rất khó xét xử trong trường hợp này bởi quyền sở hữu tài sản được quy định đi liền với quyền nhân thân và các quyền liên quan.
Theo họa sĩ - nhà nghiên cứu, phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân, trong trường hợp tranh của họa sĩ Tạ Tỵ có 2 vấn đề. “Một là nghệ danh, hai là chữ ký của họa sĩ. Có thể trong hồ sơ lưu riêng của từng họa sĩ có ghi rõ tên thật và nghệ danh của từng người nhưng cũng chỉ mang tính chất cá nhân. Vì thế, nên coi việc giám định chữ ký mới là quan trọng. Chẳng hạn, ông Bùi Xuân Phái chỉ ký là Phái; tranh của tôi cũng không ký đầy đủ là Nguyễn Quân mà chỉ ký là Q. Chữ ký của họa sĩ hoàn toàn có thể giám định được và có tính pháp lý” - ông phân tích.
Ông Vũ Mạnh Quý - Trưởng Chi nhánh phía Nam Cục Bản quyền tác giả - cho biết các tác giả khi làm hồ sơ xin cấp chứng nhận quyền tác giả cho tác phẩm của mình sẽ nhận được chứng nhận ghi rõ trên đó tên khai sinh đầy đủ, nghệ danh, thời gian sáng tạo tác phẩm… Đó là chứng cứ pháp lý hợp pháp về bảo hộ quyền tác giả trên phạm vi toàn cầu, như Công ước Berne quy định.
Thực tế, không phải ai cũng cẩn thận đăng ký bảo hộ quyền tác giả cho tác phẩm của mình, nhất là những người quá nổi tiếng. Ông Bùi Thanh Phương, con trai danh họa Bùi Xuân Phái, cho biết ông chưa tiến hành lập hồ sơ xin cấp chứng nhận quyền tác giả đối với các tác phẩm tranh của bố mình. Lý do, theo ông Phương, là vì “hội họa có đặc thù riêng biệt của nó và khác hẳn các loại hình chứng nhận khác như thơ, nhạc, văn chương…”.
Đại diện Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xác nhận ở Việt Nam hiện chưa có cơ quan nào chứng nhận nghệ danh cho nghệ sĩ. Chính vì thế, không ít phiền hà đã nảy sinh như nêu trên. Việc đặt nghệ danh là quyền cá nhân, trong khi quản lý nghệ danh theo tên thật lại là việc của Bộ Tư pháp.
Đừng chủ quan
Cách đây vài tháng, vụ việc ồn ào xung quanh những hình ảnh Việt Nam đẹp lộng lẫy được quay từ flycam do tay máy có nghệ danh Yamaha Trung Tá (tên thật là Bùi Minh Tuấn) đăng tải lên kênh YouTube cá nhân bị một đài truyền hình sử dụng khiến dư luận sôi sục phản đối. Theo nhiều luật sư, nếu đưa sự việc ra tòa, tất nhiên cũng cần chứng minh blogger Yamaha Trung Tá và Bùi Minh Tuấn là một người.
Một trường hợp khác, ca sĩ - nhạc sĩ trẻ Trần Hà My với nghệ danh Mờ-Naive bị “tố” nhận vơ ca khúc “Điều em muốn nói” là của mình sáng tác và đem hát trên truyền hình dù cô đã trình ra hợp đồng ủy quyền quản lý tác quyền ca khúc này cho Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam. Theo luật sư Trần Anh Dũng (Đoàn Luật sư Hà Nội), hợp đồng ủy quyền này chưa phải là căn cứ pháp lý để chứng minh đó là ca khúc của Trần Hà My. Hơn nữa, khó có mối liên quan thực sự giữa Trần Hà My - người ủy quyền quản lý “Điều em muốn nói” với nghệ danh Mờ-Naive - người hát ca khúc này.
Kỳ tới: Chẳng biết ai là ai?
Bình luận (0)