NSND Đinh Bằng Phi là nghệ sĩ hát bội tài danh thuộc hàng quý hiếm của đất Nam Bộ. Ông có 60 năm tuổi nghề, vượt qua biết bao thăng trầm, sóng gió của cuộc đời và của nghề nhưng ngọn lửa đam mê nghệ thuật hát bội trong ông đến nay vẫn rực cháy.
Người “ngoại đạo”
Tự xem mình là người “ngoại đạo” đến với nghề, ông trải qua nhiều thử thách, thậm chí cả sự cấm kỵ của gia đình.
NSND Đinh Bằng Phi kể rằng từ nhỏ ông mê truyện Tàu, mê xem hát bội, tập sáng tác truyện ngắn, kịch bản tuồng hát bội từ những năm còn học trung học, đã có nhiều tác phẩm được đăng báo, được dàn dựng và phát trên sóng phát thanh... Khi làm thầy giáo dạy các môn văn, sử, địa, ông lại thích tìm hiểu về nghệ thuật hát bội, nên cứ lao vào dàn dựng nhiều trích đoạn hát bội tuồng lịch sử, dã sử cho học sinh và giáo viên. Ông tự hỏi sao mình không cố gắng làm mới hát bội, vậy là bắt tay dịch một số tác phẩm truyện ngắn tiếng Pháp, rồi chuyển thể sang hát bội. Gia đình ông biết việc này nên ngăn cấm ông. Ba ông còn nói: “Muốn thêm của thì sắm cày. Muốn đi ăn mày thì lập gánh hát bội”. “Cha tôi cấm nhưng tôi vẫn theo. Bây giờ có điều kiện, tôi lại không tìm cách đi gieo hạt giống đam mê hát bội trong giới trẻ?” - NSND Đinh Bằng Phi nói.
NSND - đạo diễn Huỳnh Nga cho biết: “Thời đó ít người trẻ Phi am tường Hán học, biết cổ văn và biết nhiều điển tích như anh, nên từ năm 1969, anh Phi được mời giảng dạy và làm chủ nhiệm lớp Hát bội - Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn, nay là Nhạc Viện TP HCM, sau đó anh được bầu làm thư ký Hội Khuyến lệ cổ ca Sài Gòn (1969-1975), được mời làm giảng viên Trường Đại học Văn khoa - TP Cần Thơ về nghệ thuật sân khấu cổ Việt Nam (niên khóa 1974-1975)... Năm 1971, anh lập Ban Hát bội Đinh Bằng Phi, quy tụ nhiều nghệ sĩ trẻ có tiềm năng: Kim Thanh, Ngọc Khanh, Ngọc Dung, Xuân Quan... Bây giờ, họ đều là những tên tuổi của hát bội TP HCM. Anh đã cống hiến cho khán giả hàng loạt vở tuồng dài, đặc sắc được chỉnh lý, làm nhẹ đi những thuật ngữ vốn nặng về Hán ngữ, như: “Giang tả cầu hôn”, “Sự tích Trần Huyền Trang”, “Cánh tay Vương Tá”, “Trưng Nữ Vương”...
“Bằng các tác phẩm của mình, tôi muốn dung hòa giữa nghệ thuật có tính ước lệ cao, những động tác cách điệu, cách nói lối, ca ngâm đầy âm sắc với ngôn ngữ Hán văn và những cách thể hiện được gia giảm nhẹ nhàng hơn, nói một cách nào đó như “cách tân” để hát bội dễ xem hơn, dễ hiểu hơn” - NSND Đinh Bằng Phi nói.
Truyền lửa yêu tuồng cho giới trẻ
Câu hỏi lớn nhất của đời ông vẫn là làm sao truyền được lửa yêu nghề, lửa yêu tuồng cho giới trẻ. Gần chạm tuổi 80, ông không còn sức đứng trên sân khấu nhưng hàng chục năm qua vẫn cần mẫn với công việc truyền thụ kiến thức nghệ thuật hát bội cho thế hệ trẻ. Tính đến nay, đã có 100 diễn viên trẻ theo học môn nghệ thuật này của ông và hứa sẽ bám nghề, khẳng định tài năng, “đặng sau này tiếp bước thầy Phi giữ lửa cho tuồng” như lời họ tâm sự.
Ông đã viết giáo trình giảng dạy nghệ thuật hát bội, có công trình nghiên cứu độc đáo về quá trình hình thành và phát triển nghệ thuật hát bội phương Nam. Tất cả đều xuất phát từ cái tâm muốn ngọn lửa yêu tuồng được thắp lên trong giới trẻ. Hiện ở trụ sở Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TP HCM có 29 diễn viên trẻ đang được đào tạo căn bản, để từ đó đào sâu cách diễn, cách dựng hát bội theo giáo trình ông viết. Ông bỏ công từ 10 năm qua để nghiên cứu và dần dần trả lời được những câu hỏi éo le của nghề nghiệp mà mình theo đuổi, những điều tưởng chừng nghịch lý nhưng lại hết sức căn cơ trong việc định hình niềm đam mê.
Ông đã lao vào công việc giảng dạy, bất chấp sức khỏe, vẫn ngày đêm tìm kiếm những nét mới cho môn nghệ thuật này. Ông đã dùng những thuật ngữ dễ tiếp cận nhất để chỉ cho các diễn viên trẻ thấy nghệ thuật hát bội đặc sắc ở lối diễn, bước đi, điệu roi, ánh mắt, hóa trang, phục trang, võ thuật..., rồi qua những khóa đào tạo, ông đã tìm được những diễn viên trẻ mê hát như ông ngày xưa.
Trao vai diễn lại cho lớp kế thừa
Hơn 26 năm (từ 1977-2003), NSND Đinh Bằng Phi cộng tác với Đoàn Hát bội TP HCM (nay là Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TP HCM) và từ năm 2010 đến nay, ông vẫn tham gia công tác đào tạo cho nhà hát này. Nhiều nghiên cứu sinh từ các nước Pháp, Mỹ, Anh, Hà Lan tìm hiểu về hát bội đã tìm đến ông.
Sự nghiệp nghệ thuật của ông đã có trên 30 nhân vật từ vai kép văn, lão văn có tính cách hiền, trung quân, quan văn, đến các vai vua nhu nhược, mềm yếu...
Trong đó, thành công và ấn tượng nhất là các vai: Tử Trình (vở “Sơn Hậu”), Tư Đồ (“Phụng Nghi Đình”), Triệu Khuôn Dẫn (trong 2 vở “Trảm Trịnh Ân” và “Lưu Kim Đính”), Trần Nhân Tôn (“Sát Thát”)... Những vai diễn đó hiện nay ông đã trao lại cho dàn diễn viên trẻ. Nghệ sĩ Thành Tây tâm sự: “Thầy Phi dạy tôi nhiều kinh nghiệm. Lòng tận tụy của thầy đã cho tôi ý chí vượt khó để cùng giữ lửa yêu tuồng”.
Sau NSND Năm Đồ (bà ngoại NSƯT Tú Sương) và NSND Thành Tôn (cha của NSƯT Thành Lộc), ông là nghệ sĩ thứ ba trong làng hát bội TP HCM được vinh dự nhận danh hiệu NSND do nhà nước phong tặng, mà không phải đong đếm bằng HCV, HCB qua các kỳ hội diễn.
“Nhà hát bội học” hiếm hoi
“Chính vì nhận thức rõ khoảng cách của một nghệ sĩ “tay ngang” đến với nghề hát bội, nên anh Phi đã tận tâm tận lực học hỏi, tiếp xúc với nhiều nghệ nhân, nhà nghiên cứu nổi tiếng như: Huỳnh Khắc Dung, Mai Thọ Truyền, Trần Văn Hương, Vương Hồng Sển, Nguyễn Văn Quý và các nghệ sĩ tài danh: Ba Út, Năm Đồ, Hai Nhỏ, Năm Sa Đéc, kép Hữu Thoại, Minh Tơ, Thành Tôn...; trao đổi, nghiên cứu để xóa dần khoảng cách. Anh Phi đã trở thành một pho tự điển sống, góp công lớn trong việc đúc kết một cách có hệ thống niêm luật, kỹ năng, trình thức biểu diễn của hát bội. Và anh ấy đang làm công việc có ích, đó là nhân rộng những pho tự điển ấy để không bị mai một” - NSND Viễn Châu nói.
NSƯT Ngọc Nga (Phó Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Hát bội
TP HCM) cho biết: “Ông còn góp phần đưa hát bội đến gần công chúng trẻ. Từ năm 2000-2013, ông đưa nghệ thuật hát bội đến trường học, cổ xúy hát bội bằng việc thuyết minh, phân tích, giảng dạy về cái đẹp của nghệ thuật hát bội. Hiện nay ông vẫn đi dạy, nói chuyện chuyên đề, tham gia hội thảo, để những vốn quý của ông truyền thụ đến lớp trẻ, ông là một nhà “Hát bội học” hiếm hoi của đất phương Nam”.
Bình luận (0)